Kiểm soát không lưu ngủ quên: “Chuyện không tưởng ở Việt Nam”
Vụ việc kiểm soát viên không lưu sân bay Cát Bi bỏ ngủ quên là việc chưa từng xảy ra trong ngành hàng không Việt Nam, thế giới.
Đài kiểm soát không lưu sân bay Cát Bi (Hải Phòng)
Ngày 22/3, lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Bắc có quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng, tước giấy phép hành nghề 2 tháng đối với 2 nhân viên kiểm soát viên không lưu (KSVKL) làm sai quy trình khiến máy bay không thiết lập được liên lạc với Đài kiểm soát không lưu (KSKL) Cát Bi (Hải Phòng) ngày 9/3 vừa qua. Trong đó, một người đã ngủ quên và một người rời vị trí trong ca trực của mình.
Uy hiếp an toàn bay, đe dọa tính mạng hành khách
Ông Lê Trọng Sành - nguyên Trưởng phòng quản lý bay sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, việc kiểm soát viên không lưu sân bay “ngủ quên” là hành động không thể chấp nhận được, đây là sự cố nghiêm trọng đối với ngành hàng không.
“Kiểm soát viên không lưu ngủ quên, rời vị trí khi làm việc là việc chưa từng xảy ra trong ngành hàng không Việt Nam hàng trăm năm nay. Thế giới cũng chưa từng xảy ra. Sự cố này đã gây ảnh hưởng đến an toàn bay, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của mấy trăm hành khách trên chuyến bay. Đây là chuyện không tưởng ở Việt Nam, lãnh đạo phải xử lý mạnh tay, không chỉ xử phạt tiền, đình chỉ mà phải đuổi khỏi ngành”, ông Sành nói.
Theo ông Sành, theo quy định, khi tổ bay nhiều lần không liên lạc được với đài kiểm soát không lưu sẽ phải sử dụng phương án dự phòng. Cụ thể, tổ bay sẽ phải đáp xuống sân bay Nội Bài, sân bay Vinh (Nghệ An), Thọ Xuân (Thanh Hóa) hoặc một sân bay gần nhất. Sau đó, chờ đến khi nào liên lạc được với đài không lưu nơi định hạ cánh sẽ bay trở lại.
“Phi công cũng có thể bay chờ trên không để chờ liên lạc được với kiếm soát viên không lưu và hạ cánh. Tuy nhiên, việc chờ trên không sẽ nguy hiểm vì máy bay có thể bị hết xăng, gặp trục trặc về động cơ, tính mạng hành khách bị đe dọa”, ông Sành nói.
Ông Sành cho biết thêm, đài kiểm soát không lưu có nhiệm vụ điều hành chuyến bay đến và đi tại các sân bay, nhằm giúp các máy bay tránh va chạm, đảm bảo an toàn cho hành khách. Nếu như tổ bay không liên hệ được với đài kiểm soát không lưu sẽ uy hiếp an toàn hàng không, an toàn bay.
Ông Sành cho rằng Cục hàng không Việt Nam phải rà soát lại quy trình, kiểm điểm hết sức chặt chẽ đội ngũ vận hành để xảy ra sự cố, các bên liên quan. Như vậy, an toàn hàng không mới được đảm bảo.
Tổ bay xin thông tin thời tiết, không phải xin điều hành bay
Ông Đoàn Hữu Gia, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cho hay, sự việc trên không liên quan đến chuyên môn điều hành bay. Bởi thời điểm xảy ra sự việc không có hoạt động bay trong vùng trời trách nhiệm của Đài kiểm soát không lưu Cát Bi.
Sân bay Cát Bi, Hải PHòng
Theo ông Gia, đối với đường bay Hải Phòng- Hàn Quốc, còn 21 phút nữa mới đến giờ máy bay nổ máy. Tổ bay đã gọi trước để xin các thông tin về số liệu khí tượng, thời tiết.
Còn đối với máy bay đường bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh) – Cát Bi (Hải Phòng), đang chịu sự kiểm soát của Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội (ATCC). Thời điểm, tổ lái gọi cho kiểm soát không lưu Cát Bi còn cách 250km.
“Đài kiểm soát không lưu tại sân bay Cát Bi chỉ chịu trách nhiệm kiểm soát máy bay trong phạm vi khoảng 30km. Còn thời điểm, tổ bay đường bay Tân Sơn Nhất- Cát Bi gọi điện đang thuộc sự kiểm soát của Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội (ATCC). Như vậy, tổ bay gọi điện trước xin thông tin chứ không phải xin điều hành bay”, ông Gia nói.
Trước đó, kiểm soát viên L.T.M.T (31 tuổi) được phân công nhiệm vụ trực chính trong ca từ 19h tối 9/3 đến 7h30 sáng 10/3, có nhiệm vụ điều hành chuyến bay VJ921 cất cánh từ Hải Phòng đi Seoul (Hàn Quốc) và chuyến bay VJ 292 từ TP.HCM về Hải Phòng.
Tuy nhiên, trong quá trình trực chính, kiểm soát viên này đã ngủ quên từ 21h 40 đến 23h15 và không duy trì liên tục canh nghe trên các kênh liên lạc được chỉ định. Việc này khiến cho hoạt động điều hành bay bị gián đoạn hơn 30 phút, 2 chuyến bay VJ921 và VJ292 thiết lập tổng cộng 39 lần liên lạc nhưng kiểm soát viên L.T.M.T không trả lời.
Tương tự, kiểm soát viên trực hiệp đồng N.V.C (60 tuổi) được phân công nhiệm vụ trực chính trong ca từ 19h tối 9/3 đến 7h 30 sáng 10/3, nhưng đã không có mặt tại vị trí trực điều hành không lưu từ lúc 21h 40 ngày 9/3 đến 5h 40 ngày 10/3.
Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, đây là sự cố gián đoạn dịch vụ không lưu uy hiếp an toàn cao của hai chuyến bay. Qua xác minh, nguyên nhân trực tiếp được xác định là kíp trực đài kiểm soát không lưu đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về giao nhận và duy trì nhiệm vụ ca trực dẫn đến sự cố.
>>XEM THÊM |