Kiếm bạc tỷ từ nghề săn sò tượng khổng lồ
Các ngư dân mô tả khu rừng nguyên sinh dưới đáy biển rất phong phú và chưa ai từng đặt chân tới. Nơi đây có loại sò tượng sinh sống hàng trăm năm nay và có kích thước rất lớn.
Một đứa trẻ có thể chui lọt vào con sò khổng lồ này! Sò tượng được ví như “khủng long” của cánh rừng dưới đáy biển này.
Con sò… 1 mét!
Sáng ngày 20/2/2014, ngư dân ở cửa biển Sa Kỳ (Bình Sơn, Quảng Ngãi) tròn xoe mắt, truyền nhau câu: “Sò…sò vô đó, tàu này đi được 2 phiên, bạn kiếm được 160 triệu, chủ tàu thì gần 2 tỷ!”.
Câu chuyện trúng sò nhanh chóng lan khắp nơi khiến ngư dân đứng ngồi không yên. Đó là loại hải sản thuộc nhóm ốc, sò và có tên gọi là sò tượng khổng lồ.
Một ngư dân gần như líu lưỡi chỉ 2 con tàu đang từ từ phụt khói để cập bến. Trên sàn tàu là ngổn ngang sò tượng. Thu nhập khủng khiến các ngư dân mừng như trúng xổ số độc đắc. Tiền công đi bạn một phiên sò bằng ngư dân đi đánh cá vật vã cả năm cộng lại.
Sò có trọng lượng 70 kg
Sò tượng là loại sò có kích thước dài từ 70 cm đến khoảng 1 mét. Sò đã móc ruột, cặp vỏ vẫn nặng khoảng 50 kg. Những con sò già thì phía bên ngoài bề mặt sần sùi, hóa vôi, đóng rêu mốc như một bức tường rêu phong vài trăm năm tuổi. Còn những loại sò non hơn thì vỏ sò màu trong, nổi đường vân hồng, xanh, tím, đỏ.
“Tết này là tết sò. Tiền sò là tiền tỷ, ai mà ngó nghĩ đến tết nữa hả anh” Ông Thanh cho biết |
Những ngày cận tết Giáp Ngọ, toàn bộ 70 tàu cá ở xã Bình Châu huyện Bình Sơn đã tuyển bạn ra khơi đánh bắt sò. Không ai màng chuyện ở nhà vui tết, đón xuân.
Những chiếc tàu vừa cập bến trong ngày 20/2 thì đều bám biển lặn sò và quay vào bờ sau nhiều ngày hành trình ròng rã săn sò, bỏ tết ở quê. “Tết này là tết sò. Tiền sò là tiền tỷ, ai mà ngó nghĩ đến tết nữa hả anh”- ông Thanh, một ngư dân hể hả cho biết.
Con sò tượng có kích thước 1 mét, hai mảnh vỏ như 2 chiếc chậu men trắng, sáng và đẹp mắt. Một đứa trẻ có thể chui lọt vào giữa 2 mảnh vỏ ốp lại. Những con sò này nặng khoảng 60–70 kg. Để đưa sò lên xe, chủ nậu phải dùng cẩu nâng. Theo các ngư dân, sò tượng được bán cho các thương lái và xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Sò tượng chất đầy trên 2 tàu vừa cập bến
Không phải ngư dân nơi đâu cũng có thể chạm tay vào được sò tượng. Đây là loại sò ẩn mình dưới đáy biển sâu tại những cánh rừng nguyên thủy mà thợ lặn lành nghề mới tìm được đến nơi.
Rừng nguyên thủy
Ông An, một ngư dân địa phương kể lại câu chuyện sò tượng. Đó là 20 năm về trước, ngư dân Bình Châu ra các đảo ngầm ở quần đảo Hoàng Sa ngụp lặn và thỉnh thoảng cũng bắt được một con sò tượng có kích thước gần bằng con lợn 50 kg.
Thời đó tàu thì nhỏ, hàng hóa không thông thương nên mọi người chỉ xẻo thịt sò tượng để nấu ăn. Còn không ai có hứng thú với việc khiêng nguyên cả con sò nặng khoảng 70 kg lên tàu chở vào đất liền.
Ngư dân tại xóm Gành Cả thôn Châu Thuận Biển và thôn Phú Quý xã Bình Châu là những thợ lặn thiện chiến. Suốt cuộc đời, các ngư dân này mò mẫm ở đáy biển nơi các đảo xa bờ. Ngư dân Lý Sơn lặn cá ở những nơi có luồng nước chảy, còn thợ lặn Bình Châu thì áp vô các gành đá, thám hiểm các hang hốc giữa biển cả để tìm sản vật.
“Có những nơi cả trăm năm, ngàn năm chưa có ai đặt chân tới thì nơi đó dân Gành Cả lặn lội vô bắt tôm, lượm ốc”, ông Hiếu, một ngư dân kể lại.
Và trong những chuyến lặn lội dưới đáy sâu đại dương, các ngư dân vừa phát hiện được một cánh rừng nguyên thủy có vô vàn loại tôm cá, trong đó có sò tượng. Tọa độ bắt sò tượng ở đâu? Nghe hỏi, một ngư dân bật mí một cách mập mờ “ở đảo Trường Sa, chỗ này bí mật”.
Bình thường, những con sò này chỉ to hơn bàn tay và được ngư dân lặn về bán ruột và vỏ. Còn lần này, các ngư dân đã phát hiện ra một thế giới sò khổng lồ như khủng long dưới một vùng đáy biển. Các ngư dân kể lại, khi lạc vào vùng biển này, anh em ngỡ như đi vào mê cung của thế giới dưới nước.
Những con sò tượng có kích thước khổng lồ không bị hóa thạch mà vẫn sống và dịch chuyển. Các ngư dân kỳ cựu ước tính, loại sò có thể đã sống vài trăm năm dưới đáy biển sâu. Và sò tượng là cư dân khủng long tại cánh rừng bí ẩn đó.
Con sò tượng có kích thước cả mét
Những con tàu tiếp tục cập bến và nhét đầy sò dưới hầm tàu, chất thành đống trên boong. Chủ nậu chạy tới chạy lui điện thoại và đàm phán với ngư dân để mua sò được giá.
Hàng sò được các chủ nậu thu gom, sau đó bán lại cho mối để xuất sang Trung Quốc sản xuất đồ mỹ nghệ. Nhưng thực tế, mỗi con sò này chỉ cần chà rửa sạch sẽ và mang trang trí trong nhà thì cũng đã trở thành hàng độc.
Tiến độ đánh bắt sò trên biển luôn được cập nhật vào đất liền qua máy Icom. Ngư dân ở Gành Cả và Phú Quý vui như hội vì chưa bao giờ kiếm được nhiều tiền bằng nghề bắt sò.
Theo các ngư dân, sò tượng sẽ bị tuyệt chủng rất nhanh chóng vì ngư dân đánh bắt quá ồ ạt, trong khi sò tượng sống lộ thiên tại các vùng đáy biển có bùn. Ngư dân chỉ việc lặn xuống kéo sò lên tàu nên thế giới sò nhanh chóng bị vét cạn. Chuẩn bị bước vào phiên sò thứ 3, các ngư dân bắt đầu tính đến chuyện chạy tìm tọa độ mới.
Vét cạn sò khủng
Tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành văn bản cấm đánh bắt sò tượng, loại động vật quý hiếm. Nhưng thu nhập bạc tỷ khiến ngư dân vẫn tiếp tục lao vào khai thác. 70 chiếc tàu hành nghề lặn tại xã Bình Châu đều hướng mũi hướng hành trình về tọa độ có cánh rừng sò nguyên thủy.
Những tàu công suất nhỏ thì đi kèm với tàu công suất lớn để dìu nhau đến tọa độ bắt sò. Sáng 22/2, những tàu chở sò tiếp tục cập vào cảng Sa Kỳ. Các ngư dân thống kê những chiếc tàu kiếm được tiền tỷ như, tàu của ông Ngô D., Nguyễn C., Nguyễn Đ...
Để có một đội quân đi lặn sò, các chủ nậu đã mạnh tay chi bạo, đầu tư mỗi tàu số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng mà không cần lời lãi để giữ mối bạn hàng. Nếu chủ nậu nào có nhiều tàu trong tay thì mới thu được nhiều sò. Vì trở thành luật bất thành văn, ngư dân vào bờ thì bán hàng cho các chủ nậu đã chi tiền mua tàu.
Ông Trần Hồng Vân, Chủ tịch nghiệp đoàn nghề cá xã Bình Châu, cho biết: “Mỗi tàu chở vô được khoảng 300 con sò, giá bình quân 10 triệu đồng/con.
Mỗi tàu bán sò kiếm được 2 đến 3 tỷ đồng. Thấy làm có tiền nên nhiều người bỏ nghề lưới để chuyển sang nghề sò. Tàu của ông Trương Quang T. mới vô bờ kiếm được gần 3 tỷ đồng, đây là mức thu nhập đạt kỷ lục từ trước đến nay”.
Sò có kích thước dài 1 mét trở lên thì được thu mua giá cao hơn. Có thời điểm, hai cặp sò loại này được mua 27 triệu đồng. Những loại kích thước nhỏ được định giá thấp hơn, nhưng xấp xỉ khoảng 10 triệu đồng/con.
Đây là chuyến biển thứ 2 của ngư dân hành nghề bắt sò. Theo các ngư dân, nếu trót lọt thì một năm chạy được 6 phiên sò.