Kí ức của người bảo vệ lễ đài Quốc khánh 2/9/1945

Ông Phạm Gia Đốc (SN 1924) dẫn đầu đội gần 20 chiến sĩ tham gia bảo vệ lễ đài tại Quảng trường Ba Đình.

Kí ức của người bảo vệ lễ đài Quốc khánh 2/9/1945 - 1

Lễ đài ngày Quốc khánh 2/9/1945

Cách đây đúng 71 năm, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Phạm Gia Đốc (SN 1924) dẫn đầu một đội gần 20 chiến sĩ tham gia bảo vệ lễ đài tại Quảng trường Ba Đình. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà chật chội ở số 27 Hàng Quạt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vào một buổi sáng mùa thu, khi cả nước đang rạo rực trong không khí kỉ niệm ngày Quốc khánh, người Đội trưởng Công an lão thành ấy kể về Bác Hồ, về Việt Minh, về cách mạng và về thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc một cách rành mạch, chi tiết đến không ngờ...

Từ kí ức mùa thu cách mạng…

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Hà Nội, năm 1941, sau một thời gian ngắn học nghề ở trường Kỹ nghệ Hà Nội, Phạm Gia Đốc xin vào làm công nhân tại Nhà máy Điện Yên Phụ. Năm 1943, tổ chức Việt minh đầu tiên của Nhà máy Điện Yên Phụ được thành lập, thì một năm sau đó Phạm Gia Đốc được chính thức kết nạp vào tổ chức Việt minh. Tháng 8/1945, khi cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền chính thức nổ ra ở Hà Nội, Phạm Gia Đốc cùng các đồng chí của mình đứng lên tổ chức, góp sức vào thành công chung của cuộc cách mạng.

Nhớ lại thời điểm đó, giọng ông Đốc trở nên sôi nổi: “Kế hoạch mít tinh giành chính quyền tại Nhà máy Điện Yên Phụ được thông qua từ đầu tháng 8/1945. Lúc đó, hầu như tất cả mọi người trong nhà máy, đặc biệt là công nhân, có đến hàng mấy trăm người ai cũng háo hức tham gia. Thậm chí một số anh làm cai, sếp ở nhà máy cũng tình nguyện xin được đi cùng”.

"Lúc nghe giọng Bác, tôi chỉ ước được quay lại để nhìn Bác dù chỉ một lần nhưng kỉ luật tổ chức, nhiệm vụ giao đã quán triệt không được phép lơ là. Vì thế, chỉ cần nghe giọng Bác cũng thấy hạnh phúc lắm rồi. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn cảm nhận được giọng nói của Bác lúc ấy."

Ông Phạm Gia Đốc

Tại Nhà hát Lớn, trong lúc hàng ngàn người nghe đại diện chính quyền bù nhìn đọc báo cáo của Tổng hội Vinh chức ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim thì từ trên nóc Nhà hát Lớn, một lá cờ đỏ sao vàng to được thả xuống. Mọi người cùng nhau hò reo, hô khẩu hiệu ủng hộ cách mạng trong sự bất lực của chính quyền bù nhìn. “Cả hội trường ào lên hô Việt minh muôn năm. Trước khí thế của dân ta, cả trung đội lính cối xanh - lực lượng bảo vệ chính quyền bù nhìn đã phải đứng im rồi từ từ rút lui. Ta cử người canh gác luôn những cơ sở giành được”, ông Đốc kể.

Trong hai ngày 18 và 19/8/1945, khí thế cách mạng hừng hực tiếp tục lan rộng khắp Hà Nội với những thắng lợi liên tiếp. Lần lượt các nơi, chính quyền đều về tay nhân dân. Ngày 19/8, các đoàn người lại đổ về Nhà hát lớn để nghe phát biểu của đại diện Tổng bộ Việt minh. Lúc này, cả Hà Nội chỉ còn duy nhất một nơi vẫn chưa giành được chính quyền là Trại Bảo an ninh (khu vực rạp Tháng 8). “Lúc đó, ở Trại có khoảng một đại đội lính cối xanh, được trang bị vũ khí là súng tiểu liên và có mấy chiếc xe tăng loại bé của quân Nhật yểm trợ. Việc giành chính quyền ở đây kéo dài từ sáng đến tận 17h mới có kết quả. Trước khí thế hừng hực của quân ta, Nhật đã phải rút lui còn toàn bộ số lính cối xanh ở đây đầu hàng vô điều kiện. Về sau ta đặt tên cho chỗ này là Trại Giải phóng quân”, ông Đốc nhớ lại.

Kí ức của người bảo vệ lễ đài Quốc khánh 2/9/1945 - 2

Ông Phạm Gia Đốc

Đến nhiệm vụ bảo vệ lễ đài ngày 2/9…

Cách mạng tháng 8 thành công, chính quyền về tay nhân dân, Sở Công an Bắc bộ được thành lập với nhiệm vụ bảo vệ chính quyền cách mạng mới và ông Phạm Gia Đốc được vinh dự đảm nhiệm chức vụ Đội trưởng Công an của đơn vị. Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của ông Đốc và các chiến sĩ ở Sở Công an Bắc bộ là tham gia bảo vệ lễ đài vào ngày lễ Độc lập 2/9/1945 khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Cho đến tận bây giờ, với ông Đốc đó vẫn là nhiệm vụ cao cả, thiêng liêng và đáng tự hào nhất.

Ông nhớ lại, do tính chất đặc biệt của nhiệm vụ mới cần bảo đảm bí mật nên ông Đốc và đồng đội chỉ được thông báo nhiệm vụ trước hôm diễn ra sự kiện đúng hai ngày.

“Đích thân Giám đốc Sở Công an Bắc bộ đứng ra tuyển chọn người tham gia bảo vệ lễ đài. Ngoài những tiêu chí cốt lõi về lí lịch, bản lĩnh cách mạng… thì người được chọn phải có thể hình, thể lực tốt để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra”, ông Đốc cho biết.

Từ lúc nhận nhiệm vụ, ông Đốc và các chiến sĩ trong Tổ bảo vệ lễ đài được lệnh “cắm trại”, ăn ở luôn tại Sở cho đến khi thực hiện nhiệm vụ. Việc ngủ lại đơn vị vốn không phải điều mới mẻ nhưng đối với ông Đốc, hai đêm trước hôm thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lễ đài là những đêm hết sức đặc biệt. Lúc nào ông cũng trong trạng thái lâng lâng, vừa tự hào, sung sướng, vừa lo lắng, hồi hộp. Nhiệm vụ được tổ chức giao lần này khác hẳn với những lần trước đi giành chính quyền. Ông cảm thấy nhiệm vụ ấy cao cả, thiêng liêng và quan trọng vô cùng. Đặc biệt, trong ngày lễ, ông và các đồng đội sẽ có cơ hội gặp Bác Hồ.

Cuối cùng thì ngày đặc biệt cũng đến, buổi lễ mít tinh diễn ra từ lúc 14h ngày 2/9/1945 nhưng ông Đốc cùng mọi người trong Tổ bảo vệ lễ đài của Sở Công an Bắc bộ có mặt từ buổi sáng để chuẩn bị. Họ mặc đồng phục quần dài trắng, đứng cách khu vực lễ đài chỉ vài mét.

“Hôm đó, lễ đài được bảo vệ thành ba lớp. Lớp bảo vệ gần lễ đài nhất là của những chiến sĩ Giải phóng quân ở chiến khu mới về, họ mặc quần soóc trắng đứng ngay sát lễ đài. Chúng tôi đứng ở vòng thứ hai, cách lễ đài khoảng 2m, còn vòng ngoài cùng là lực lượng thanh niên”, ông Đốc nói.

Được quán triệt từ trước, trong suốt hơn ba tiếng diễn ra buổi lễ, ông Đốc cùng tất cả mọi thành viên tham gia bảo vệ lễ đài của cả ba lớp đều đứng nghiêm trang, mắt hướng về phía trước và không được phép rời tầm nhìn khỏi đám đông trước mặt. Ông hồi hộp chờ đợi thời khắc Bác Hồ xuất hiện. Đó là lúc cả đám đông ồ lên vỗ tay rồi nghiêm trang, im lặng. Bác đứng ngay trên lễ đài phía sau lưng ông, cách ông đứng chỉ vài bước chân. Khi giọng Bác bắt đầu cất lên: “Hỡi đồng bào cả nước!”… và những câu đầu tiên trong bản Tuyên ngôn Độc lập vang lên, trong lòng ông Đốc bỗng trào dâng một cảm xúc lâng lâng khó tả. Vừa chan chứa yêu thương, vừa thấm đẫm tự hào, vừa tràn đầy nhiệt huyết…

Đó là cảm xúc của những người dân, của một đất nước vừa giành được nền độc lập sau hàng ngàn năm bị phong kiến, thực dân đô hộ. Mắt ông Đốc như nhòe đi bởi những giọt nước mắt hạnh phúc, song ông cố trấn tĩnh, đứng thật nghiêm trang, mở thật to đôi mắt hướng về phía trước trong suốt buổi lễ.

Buổi lễ kết thúc tốt đẹp, đêm hôm đó ông Đốc trải qua một giấc ngủ mà ông bảo là ngon nhất trong đời mình. Giấc ngủ trọn vẹn, an bình của một công dân nước Việt Nam độc lập. Thời gian sau đó, giấc mơ gặp Bác của ông Đốc đã thành hiện thực khi ông được gặp Bác tới bốn lần.

Ông Đốc công tác tại Sở Công an Bắc bộ đến ngày 19/12/1946, khi Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Lúc này Sở Công an Bắc bộ giải tán để thực hiện nhiệm vụ mới. Ông Đốc cùng đồng đội nhận nhiệm vụ bám trụ lại Hà Nội chiến đấu ngay trong lòng địch đến tận năm 1954 khi kháng chiến kết thúc thắng lợi.

Sau đó, ông về làm Hiệu phó của trường Đào tạo nghiệp vụ công nhân kỹ thuật của Hà Nội cho đến khi chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ xảy ra, ông lại từ bỏ trường lớp, nhận nhiệm vụ đưa đón, dẫn đường cho bà con đi sơ tán và phát triển kinh tế ở vùng tự do. Sau năm 1975, đất nước hoàn toàn thống nhất, ông Đốc tham gia đoàn cán bộ miền Bắc vào công tác ở miền Nam ba năm với nhiệm vụ hỗ trợ công tác quản lý và đào tạo cán bộ. Năm 1979, ông trở ra Bắc và nghỉ hưu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồng Quý (Báo Giao thông)
Ngày Quốc khánh 2/9 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN