Kì bí 30 bảo tháp Xá lợi Phật trong cổ tự Viên Đình
30 bảo tháp Xá lợi Phật tại chùa Viên Đình tọa lạc ở xã Đông Lỗ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) do 7 Trung tâm Phật giáo trên thế giới với 8 lần cúng dường và 9 lần nghinh đón. Đây không chỉ là ngôi chùa có nhiều Xá lợi Phật nhất Việt Nam mà còn nổi tiếng với hai “linh vật” huyền thoại có từ thời Lý.
Trụ Trì Thích Chơn Phương những viên xá lợi Phật.
Hữu duyên thiên định
Chúng tôi có duyên kì ngộ với ngôi cổ tự Viên Đình vào tiết trời chớm Đông. Ngôi chùa nằm sát ngay làng Đào Xá – cái nôi của nghề chế tác đàn nổi tiếng khắp miền Bắc. Khép mình bên hàng cây bồ đề đại thụ, hướng mặt ra cánh đồng rộng mênh mông bát ngát, ngôi chùa càng trở nên thơ mộng với nét thanh tịnh vốn có.
Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân vào khu nội tự là hàng cây xanh mát với hai dải đèn lồng màu đỏ thắm được treo đối xứng ngay phía cổng. Chùa Viên Đình không mang dáng vẻ uy nghi sơn son thiếp vàng mà trầm mặc tự tại, nhẹ nhàng khoác trên mình một màu rêu phong, cổ kính.
Dẫn chúng tôi đi thăm khuôn viên chùa, Đại đức Thích Chơn Phương, Trụ trì chùa Viên Đình chia sẻ: “Chùa Viên Đình được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng của thời Lý có lịch sử gắn liền với hai cây duối đại thụ và quả chuông cổ, đây được gọi là hai linh vật quý báu của ngôi chùa”.
Theo lời kể của Đại đức Thích Chơn Phương, hai cây duối có niên đại hàng ngàn năm, trước khi có chùa đã có cây. Vào thời nhà Lý, nhà vua thường đích thân vi hành đến các vùng quê để tìm thế đất dựng chùa. Khi đến vùng đất này, nhà vua đặc biệt chú ý đến hai cây duối có thế rồng rất đẹp lại được dân làng kể lại tích truyện lạ về chúng: Nhân duyên của hai cây duối đại thụ này được dân gian ghép thành “duối chồng” và “duối vợ”. Tuy đứng cách nhau chừng mươi thước, nhưng lại cùng tỏa bóng xanh mát bốn mùa, xúm xít nhau rất tình cảm. Cây duối vợ phải hai người ôm mới xuể, có rất nhiều các rễ cây con quấn quýt, còn cây duối chồng ngay thẳng vươn tít lên cao.
Chính vì dáng đẹp và gợi cảm về một mái ấm gia đình của hai cây duối đã làm vua Lý cảm động, nên ngài quyết định cho đặt nền móng để dựng chùa Viên Đình và sắc phong cho chúng là “Thần mộc hộ quốc”. Lại thấy hai cây duối có dáng dấp hình rồng uy phong nên sau khi nhà vua cùng dân làng phát tâm bồ đề xây dựng xong, ngôi chùa lấy tên là “Tổ đình Vĩnh Long”.
Ý trời tiền định, một lần khác nhà vua lại có dịp ghé thăm làng. Thấy ngôi chùa có phong thủy, hai giếng trời đối xứng hai bên như cặp mắt rồng, nhà vua cảm thấy linh thiêng lạ thường nên cho lính đúc tặng chùa một quả chuông đồng lớn, nặng khoảng 2 tấn. Ngài còn tự tay viết nên một bài thơ để cho các nghệ nhân khắc thành chữ, lưu lại cho đến nay, cùng với các họa tiết đời Lý. Hiện chuông đồng vẫn được lưu giữ cẩn thận trong một tháp chuông làm bằng gỗ lim cũng đã hàng ngàn năm tuổi. Điểm đặc biệt này càng tạo thêm dáng vẻ huyền bí cho ngôi chùa thanh tịnh ngay bên cánh đồng làng Kẹo (nay là thôn Viên Đình).
Tồn tại trường kỳ cùng với thời gian, Tổ đình Vĩnh Long đã trải qua nhiều đời Tổ sư. Năm 2002, Đại đức Thích Chơn Phương được cử về làm trụ trì tại chùa. Và cũng từ đây, mối lương duyên giữa ngôi chùa cổ với những hạt Xá lợi được cho là hiện thân của đức Phật, thánh tăng... bắt đầu kết tụ.
Mãn nhãn 30 bảo tháp Xá lợi Phật
Các bảo tháp chứa Xá lợi Phật. Ảnh: Cao Tuân
“Người đầu tiên giao duyên về những viên ngọc Xá lợi với ngôi chùa này là Hòa thượng Thích Huyền Diệu, người đầu tiên xây chùa Việt Nam ở Ấn Độ. Năm 2003, tôi có chuyến hành hương thăm đất Phật và may mắn gặp Ngài. Nghe kể về chùa Viên Đình, Ngài đã tỏ ý sẽ phát tâm cúng dường tặng ngọc Xá lợi với mong muốn mang ơn phước đến cho dân làng. Sau đó, tôi xây bảo tháp và nghinh đón Ngọc xá lợi về chiêm bái”, Đại đức Thích Chơn Phương nhớ lại.
Bắt đầu từ đó, trên con đường đi giao lưu văn hóa và Phật giáo với các nước bạn, nhiều nước đã rất ngưỡng mộ văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Phật giáo, xin cúng dường Xá lợi Phật về chùa như: Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka, Myanmar, Mỹ, Thái Lan, Đài Loan. Cho đến thời điểm hiện tại, chùa Viên Đình đã có hơn 30 bảo tháp Xá lợi Phật do 7 Trung tâm Phật giáo trên thế giới 8 lần cúng dường và 9 lần được nghinh đón. Trong số xá lợi chùa hiện có, có cả Xá lợi máu, Xá lợi não, Xá lợi xương, Xá lợi tóc...
“Vinh dự nhất cho chùa là được Hòa thượng Thích Huyền Diệu phát tâm cung tiến một viên Xá lợi của chính Đức Thích Ca Mâu Ni. Đó là một trong những viên Xá lợi hiếm hoi được thỉnh từ Nepal và là một trong 8.400 báu thân của Đức Thích Ca Mâu Ni sau khi ngài nhập diệt. Ngoài ra, chùa còn vinh dự được Đức Tăng thống Mianmar và Công chúa Thái Lan nhiều lần đến thăm Tổ đình và cúng dường Xá lợi Phật và Thánh Tăng. Lần gần đây nhất là tháng 9/2016, Đức tăng Thống đã thỉnh Xá lợi da Phật về đây. Tất cả những Xá lợi của chùa Viên Đình đều được các bậc cao nhân tự tâm cung tiến. Đó có lẽ là cái vinh dự và là phước duyên của ngôi đại tự linh thiêng này”, Trụ trì chùa Viên Đình xúc động nói.
Xá lợi được lưu trữ trong các Toà bảo tháp chùa Viên Đình có nhiều hoa văn, hoạ tiết cũng như các hình dáng khác nhau tùy thuộc văn hóa đạo Phật ở từng nước. Tại đây, có 30 bảo tháp và mỗi tháp có đến hàng trăm Xá lợi to nhỏ khác nhau, từ Xá lợi máu, hay Xá lợi tóc, Xá lợi xương... của các vị cao tăng Phật pháp được các chùa từ 8 nước tặng riêng cho nhà chùa. Chính vì thế mà chùa Viên Đình ở Đông Lỗ đã được Trung tâm Kỷ lục Việt Nam tôn vinh là ngôi chùa có nhiều Xá lợi Phật nhất Việt Nam.
Theo chia sẻ của Đại đức Thích Chơn Phương, Xá lợi có tiếng Phạn là Sarira, là những hạt nhỏ được hình thành sau khi thân thể được hỏa táng hoặc thân cốt sau khi chết của các bậc cao tăng. Tương truyền, Xá lợi Phật sau lễ trà tỳ (hoả táng) được đựng trong những hộp nhỏ được trang trí rất công phu và có giá trị. Giáo hội tăng già lúc bấy giờ đem phân phát cho các nhà vua và các chùa trong cõi Ấn Độ để suy tôn, lễ bái.Vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên, Đại đế A Dục Vương, một triều đại hưng thịnh bậc nhất của Vương quốc Ấn Độ lúc đó đã cho xây dựng vô số cảnh tháp để tôn thờ các di tích. Nhờ vào đó, Xá lợi Phật và các đại Đệ tử mới có thể tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác và lưu truyền qua nhiều nước theo Đạo phật ngày nay. Có thể nói, ngọc Xá lợi chính là các báu vật của thế giới Phật giáo.
Xá lợi - Báu vật của thế giới Phật giáo Đại đức Thích Chơn Phương chia sẻ: “Với người thường, sau khi thiêu xác chỉ còn tro và phần xương cháy chưa rã. Nhưng với người có công phu tu hành gìn giữ giới luật, công năng tu tập thiền quán cao thâm thì sau lễ hỏa thiêu phần di cốt sẽ kết tinh thành những viên có hình thể hơi tròn, cứng, lớn nhỏ khác nhau. Xá lợi có nhiều màu sắc và sáng đục khác nhau. Ở Việt Nam, chỉ duy nhất chùa Viên Đình ở Đông Lỗ có một viên ngọc Xá lợi của chính Đức Thích Ca Mâu Ni. Hàng năm cứ đến ngày 20/10, đúng 5h30 sáng, Trụ trì chùa sẽ hạ các bảo tháp chứa Xá lợi xuống để cho chúng sinh được cung bái, chiêm ngưỡng. Nếu ai được thỉnh Xá lợi một lần thì đó được coi là điều vô cùng may mắn như chính bản thân mình được đặt chân lên cõi Phật. Tích xưa để lại, nơi nào có Xá lợi Phật ngự, nơi ấy sẽ mưa thuận gió hòa, nhân dân ấm no. Phước điền của Phật sẽ tỏa ra muôn nơi diệt trừ cái ác, gieo mầm cái thiện”. |