Khuyến khích sinh 2 con, dân có được sinh 3?

“Tổng Cục Dân số khuyến khích sinh 2 con không hề lạ bởi chúng tôi phải dựa trên vấn đề khoa học và nhân khẩu học chứ không nói tùy tiện”.

Ông Lê Cảnh Nhạc (Phó tổng Cục trưởng, Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế) có cuộc trao đổi với chúng tôi nhân sự kiện Ngày Dân số Việt Nam.

Vừa qua, Tổng Cục trưởng Cục Dân số vận động mỗi gia đình nên sinh 2 con, nhiều người thấy “lạ”. Còn ông thì sao?

Khuyến nghi này thực ra không có gì xa lạ. Hiện nay, cả nước đã đạt mức sinh thay thế nhưng mức sinh của các vùng miền lại không đồng đều.Bên cạnh những vùng vẫn còn mức sinh cao (số con trong bình của phụ nữ sinh đẻ vẫn trên 3 con) thì lại có những vùng mức sinh xuống rất thấp (như TPHCM, tổng tỷ suất sinh chỉ là 1,3 con).

Nếu nơi nào cũng sinh thấp như thế thì tốc độ già hóa dân số đã rất nhanh như hiện nay sẽ càng nhanh hơn, nguồn nhân lực trong tưong lai gần sẽ bị thiếu hụt. Trước đây, chúng ta vận động mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con, còn hiện nay vận động sinh 2 con. Đây là khuyến nghị căn cứ trên cơ sở khoa học về kiểm soát quy mô dân số, cơ cấu dân số và quy luật phát triển nhân khẩu học của quốc gia.

Khuyến khích sinh 2 con, dân có được sinh 3? - 1

Nếu mỗi phụ nữ chỉ  sinh 1 con thì tốc độ già hóa dân số càng cao hơn, lực lượng lao động sẽ bị thu hẹp.

Thưa ông, dân số của Việt Nam thời điểm hiện tại đang 90 triệu đưa Việt Nam là nước có dân số cao thứ 14 trên thế giới. Vậy, tại sao Tổng Cục không khuyên mỗi người 1 con mà lại khuyên sinh 2 con?

Trước đây mức sinh cao, năm 1960 bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh 6 con, hiện nay chỉ sinh 2 con. Đây là kết quả của cuộc vận động xã hội rộng lớn về DS-KHHGĐ, từ việc sinh đẻ một cách bản năng, tự nhiên sang sinh có kế hoạch, từ sinh nhiều con sang sinh ít con, từ chất lượng thấp lên chất lượng cao hơn. Nhưng điều này cũng “đẻ” ra thách thức mới: Tốc độ già hóa dân số nhanh, mất cân bằng giới tính khi sinh đã rất đáng báo động, chất lượng dân số thấp…

Nếu nhiều người chọn giải pháp sinh 1 con thì nguồn nhân lực lao động sắp tới sẽ bị cạn kiệt. Dân số Viết Nam sẽ chuyển nhanh sang giai đoạn dân số già rồi dân số siêu già, mất cân bằng giới tinh còn nghiêm trọng hơn…

Vừa qua, chúng ta chào đón công dân thứ 90 triệu ra đời với niềm tự hào là đã kiểm soát mức sinh tốt, bởi đáng lẽ, thời điểm này đã đến sớm hơn cách đây 11 năm. Dân số VIệt Nam bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng với nguồn nhân lực dồi dào. Nếu nói về số lượng thì chúng ta là một trong 14 quốc gai hàng đầu về quy mô dân số.

Tuy nhiên, chúng ta đạt mức sinh thay thế trong thực trạng mức sinh không đồng đều là điều rất đáng lo ngại. Những vùng chất lượng dân số còn thấp thì mức sinh vẫn cao, ngược lại những vùng chất lượng dân số cao thì mức sinh lại xuống thấp. Tỷ số giới tính khi sinh hiện nay là 113/100 (cứ 100 trẻ em gái thì có 113 trẻ em trai). Mục tiêu của nước ta đến năm 2015, hạn chế được ở mức 100 trẻ em gái/115 trẻ em trai sẽ rất khó thực hiện.

Hiện nay, nhiều gia đình trẻ có suy nghĩ chỉ sinh 1 con rồi dừng lại. Theo ông, đây có phải là xu hướng tiến bộ?

Tôi phải khẳng định, nếu mỗi phụ nữ chỉ sinh 1 con rồi dừng lại không phải là xu hướng tiến bộ, mà ngược lại sẽ là một thảm họa của đất nước bởi sự suy thoái dân số trong tương lai gần. Nói như đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính Trị, Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Những người sinh 2 con mới thực sự là những người yêu nước”.

Chúng ta thử hình dung, những người trong độ tuổi lao động hiện nay, nguồn “dân số vàng” hiện nay mai đây sẽ trở thành người già. Bù đắp lại lực lượng lao động đó là số lượng rất ít ỏi, người già đông hơn hơn lực lực lao động trẻ thì lấy ai làm ra của cải để nuôi sống xã hội?Quả là xu hướng sinh con 1 con  rồi dừng lại đang diễn ra ở giới trẻ của các nước phát triển.

Ở Nhật Bản, Hàn Quốc đang suy giảm dân số nghiêm trọng. Ngày càng có nhiều phụ nữ có vị thế xã hội và điều kiện tự chủ trong cuộc sống, muốn dành thời gian cho bản thân, không muốn sống lệ thuộc vào chồng, con gia đình. Thậm chí nhiều phụ nữ không muốn lấy chồng.

Khuyến khích sinh 2 con, dân có được sinh 3? - 2

Ông Lê Cảnh Nhạc (Phó tổng Cục trưởng, Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế)

Khi người phụ nữ thoát ra khỏi vòng cương tỏa của gia đình thì họ muốn có cuộc sống thanh nhàn hơn. Nhưng nếu phụ nữ nào cũng có ý định chỉ đẻ 1 con, thậm chí không muốn xây dựng gia đình, sẽ là thảm họa không chỉ đối với thế giới đàn ông mà còn là mối lo cho sự phát triển đất nước và duy trì giống nòi. Mức sinh giảm xuống quá thấp làm suy giảm dân số và thiếu hụt nguồn lực lao động trong tương lai.

Lực lượng lao động giảm, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số.Chính sách sinh1 con của Trung Quốc đang phải trả giá. Ban đầu tiên 6 người nuôi 1 người (cha mẹ, ông bà nội, ông bà ngoại nuôi một quý tử), về sau mô hình chóp ngược xuất hiện: 1 người phải nuôi 6 người. Do đó, suy giảm dân số là vấn đề hiểm họa không khác gì bùng nổ dân số.

Hiện nay, cần làm sao để cân đối mức sinh giữa các vùng. Tỷ lệ phụ nữ bước vào  độ tuổi sinh đẻ ở nước ta đang rất cao (cứ một người bước ra khỏi độ tuổi sinh đẻ thì có 1,5 người bước vào độ tuổi sinh đẻ), vì vậy nhu cầu cung ứng dịch vụ KHHGĐ, cung cấp phương tiện tránh thai, chăm sóc sức khỏe sinh sản đang rất cao. Công tác DS-KHHGĐ đang bước vào thời kỳ sôi động nhất với những yêu cầu triển khai các hoạt động toàn diện, cả về quy moodaan số, cơ cấu dân số và chất lượng dân số.

Lời khuyên sinh 2 con của Tổng Cục Dân số dựa theo Trung Quốc có xác đáng không, thưa ông?

Chính sách dân số-KHHGĐ của Việt Nam không như Trung Quốc trước đây khi áp đặt người dân phải sinh 1 con. Ngành Dân số cũng chưa bao giờ vận động người dân sinh 1 con. Chính sách 1 con của Trung Quốc trước đây đang dẫn đến những hệ lụy về hình chop ngược (1 con phải nuôi 2 bố mẹ, 4 ông bà).Việt Nam đã sớm nhận ra bài học đó và chắc chắn sẽ tránh được hệ quả suy thoái dân số như Nhật Bản, Hàn Quốc, hay hình chóp ngược của Trung Quốc…

Từ trước đến nay chúng ta vận động mỗi cặp vợ chồng chỉ nên sinh từ 1-2 con, còn bây giờ khuyến nghị sinh 2 con. Nếu chúng ta không thấy được trước bài học của họ sẽ để lại những hệ lụy nặng nề trong tương lai.Hiện này mức sinh của Hàn Quốc thấp. Bình quân mỗi phụ nữ sinh 1,3 con.Nhận thấy thảm họa suy thoái dân số nên Hàn Quốc đã áp dụng chính sách khuyến sinh.  Hàn Quốc đã nhận ra là nhận thức về vấn đề này rất chậm nên phải trả giá mức sinh xuống quá thấp khó vực lên được.

Riêng Việt Nam có những  bài học rất tỉnh táo nên phải điều chỉnh chính sách, thay đổi thông điệp từ “sinh 1 đến 2” sang “sinh 2 con”. Với thông điệp mới này cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta có thể tránh được những hậu quả mà các nước khác đang vấp phải.

Tổng Cục Dân số khuyên sinh 2 con, liệu chính sách dân số có nới lỏng, người dân sẽ sinh 3 con?

Tôi khẳng định chính sách dân số từ trước đến nay rất nhất quán, rất chặt chẽ. Kiên quyết không để dân số bùng nổ. Tuy nhiên, do mức sinh không đồng đều nên vùng mức sinh cao phải hạ xuống mức sinh thay thế, vùng mức sinh thấp phải vận động mỗi phụ nữ sinh đủ 2 con. Mỗi cạp vợ chồng sinh 2 con là bức tranh tươi sáng nhất cho sự phát triển nhân khẩu học ở Việt Nam và đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ cho xây dựng và phát triển đất nước.

Theo ông, dân số tăng nhanh sẽ ảnh hưởng gì đến chất lượng cuộc sống?

Bùng nổ dân số dẫn đến nhiều hệ lụy đối với phát triển kinh tế xã hội: Thu nhập bình quân đầu người thấp; Tác động đến tất cả các lĩnh vực như môi trường, y tế, giáo dục, lao động, việc làm, chính sách an sinh xã hội, kìm hãm quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước… Bởi dân số là mẫu số của phát triển xã hội…

Kiểm soát mức sinh tốt đồng nghĩa với giảm tỷ lệ tai biến sản khoa. Nhờ làm tốt kế hoạch hóa gia đình nên hạn chế mức sinh, hạn chế tỷ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em. Mặt khác, kiểm soát mức sinh cũng là điều kiện nâng cao mức sống, làm gia tăng tuổi thọ. Dự báo năm 2050, người dân Việt Nam sẽ có tuổi thọ trung bình là 80,4 tuổi…

Xin chân thành cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN