Khủng hoảng Ukraine: 5 kịch bản có thể xảy ra

Cuộc khủng hoảng Ukraine đang có những diễn biến vô cùng phức tạp. Điều gì sẽ xảy ra nếu Kiev sử dụng vũ lực đối với những nhà hoạt động thân Nga? NATO sẽ can thiệp hay không? Và kế hoạch của Nga là gì?

Chính phủ Ukraine sử dụng vũ lực

Ukraine đang thể hiện mối đe dọa của mình đối với Moscow bằng cách sử dụng quân đội chống lại những người biểu tình thân Nga- lực lượng đã chiếm các tòa nhà chính phủ ở miền đông nước này. Việc điều động quân đội của Kiev có thể châm ngòi cho bạo lực quy mô lớn, và như Nga cảnh báo, có thể dẫn tới bùng nổ một cuộc nội chiến tại Ukraine.

Nhiều người dân ở các tỉnh phía đông Ukraine (kể cả những người không yêu cầu ly khai hoặc tham gia hoạt động phản đối) vốn không ưa chính phủ Kiev đương thời do chính quyền này đã lật đổ cựu Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych. Cẳng thẳng leo thang và lan rộng có thể khiến các nhà chức trách Ukraine buộc phải trì hoãn cuộc bầu cử tổng thống vào tháng tới.

Khủng hoảng Ukraine: 5 kịch bản có thể xảy ra - 1

Những người hoạt động thân Nga có trang bị vũ trang đứng gác bên ngoài  văn phòng của thị trưởng thành phố Slaviansk, phía đông Ukraine.

Thêm vào đó, tình hình khủng hoảng có thể kích hoạt sự can thiệp trực tiếp từ phía Nga. Nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Ukraine, ông Mykola Riabchuk cảnh báo rằng việc chính quyền gia tăng sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình có thể sẽ trở thành một cái cớ để Nga can thiệp.

Nga can thiệp trực tiếp

Từ khi việc sáp nhập Crimea có hiệu lực vào tháng trước, Nga đã nhiều lần tuyên bố không có ý định triển khai quân đội tới Ukraine. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Moscow không muốn mạo hiểm để bắt đầu một cuộc chiến tranh.

Tuy nhiên, Duma Quốc gia (hạ viện của Nghị viện Liên bang Nga) đã cho phép ông Putin can thiệp quân sự nếu lợi ích của người nói tiếng Nga bị đe dọa. Ông Putin có thể đáp ứng một lời thỉnh cầu giúp đỡ từ đồng bào Nga sống tại Ukraine. Thế nhưng nếu một cuộc xâm lược có xảy ra, quân đội Ukraine ở đất liền sẽ có ưu thế để chống lại Nga nhiều hơn so với ở bán đảo Crimea. Việc tiếp viện và hỗ trợ cho quân đội Moscow ở trong lãnh thổ Ukraine cũng sẽ yếu hơn do khoảng cách xa hơn so với ở Crimea.

Khủng hoảng Ukraine: 5 kịch bản có thể xảy ra - 2

Hình ảnh vệ tinh cho thấy lực lượng quân đội Nga sát biên giới Ukraine.

Nhìn chung, Nga vẫn muốn Ukraine yếu hơn và dưới tầm ảnh hưởng của Moscow, đồng thời cố gắng để trì hoãn cuộc bầu cử Tổng thống có thể giúp thiết lập Kiev trở lại trạng thái bình thường.

Phương Tây đã đưa ra cáo buộc về sự hiện diện quân sự Nga bao gồm 35.000 tới 40.000 binh lính Nga trong vùng sát biên giới Ukraine được trang bị máy bay chiến đấu, xe tăng, pháo binh và các đơn vị hỗ trợ hậu cần. Cho tới thời điểm này, việc tham gia trực tiếp của quân đội Nga vẫn còn là một bí mật.

Mỹ và EU áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn

Việc Hoa Kỳ và liên minh châu Âu( EU) gia tăng các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Nga là hoàn toàn có thể xảy ra. Washington đã khẳng định rằng sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow nếu lực lượng thân Nga tiếp tục có những hành động tiêu cực tại phía đông Ukraine. Các biện pháp trừng phạt sẽ bao gồm trừng phạt về hạt nhân, ngân hàng và khai thác. Việc loại trừ Nga khỏi nhóm các cường quốc công nghiệp G8 là một đòn giáng mạnh mẽ vào uy tín của quốc gia này.       

Tuy nhiên nhiều quốc gia phương Tây sẽ gặp khó khăn trong việc công khai áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga do có những hợp tác với quốc gia này trong nhiều lĩnh vực. Tiêu biểu như: Đức phụ thuộc vào khí đốt của Nga, Pháp lại có hợp đồng quốc phòng với Moscow và Nga cũng có số vốn đầu tư khá lớn vào ngành công nghiệp tài chính Vương quốc Anh.

NATO can thiệp

Tuy đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại về cuộc khủng hoảng Ukraine, trường hợp NATO can thiệp sẽ rất khó xảy ra. Ông Anders Fogh Rasmussen, Tổng thư ký NATO cho rằng đây chính là thách thức lớn nhất đối với an ninh của châu Âu và cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu Nga xâm lược Ukraine.

Khủng hoảng Ukraine: 5 kịch bản có thể xảy ra - 3

 Lực lượng thân Nga tấn công các tòa thị chính ở miền đông Kiev

NATO đang gặp khó khăn trong việc trấn an các thành viên ở phía đông, đặc biệt là ba nước vùng Baltic, nhất là khi đã thất bại trong việc ngăn Moscow sáp nhập Crimea. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã ngừng tất cả các hoạt động hợp tác với Nga.

Lựa chọn ngoại giao

Trong tình hình cuộc khủng hoảng đang có những diễn biến phức tạp, rất khó để dự đoán những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Cuộc đám phán bốn bên dự kiến sẽ diễn ra vào hôm 17/4 sắp tới tại Geneva là cuộc gặp mặt đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng bùng nổ của các nhà lãnh đạo Nga, Mỹ, EU và Ukraine.

Cuộc đàm phán như một phần của nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết khủng hoảng tại Kiev- nơi hàng loạt các cuộc biểu tình của lực lượng thân Nga đang diễn ra ở miền đông trong những ngày gần đây.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Bình( theo Guardian) ([Tên nguồn])
Khủng hoảng chính trị tại Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN