Khủng bố bằng “bom bẩn” Ebola: Ác mộng toàn cầu? (Kỳ 2)

Nếu bọn khủng bố chế tạo được bom bẩn chứa virus Ebola, đó sẽ là một thảm họa khủng khiếp cho toàn nhân loại.

Khủng bố bằng “bom bẩn” Ebola: Ác mộng toàn cầu? (Kỳ 1)

Trong những ngày gần đây, nhiều chuyên gia về nhân loại học và dịch tễ học trên thế giới đã bày tỏ nỗi lo ngại rằng virus Ebola có thể bị bọn khủng bố lợi dụng để chế tạo bom bẩn, gieo rắc đại dịch trên toàn cầu.

Các chuyên gia như Vladimir Nikiforov của Nga, Peter Walsh của Anh đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ này khi cho rằng những quả bom bẩn do các tổ chức khủng bố chế tạo chứa virus Ebola sẽ gây ra cơn ác mộng cho toàn thế giới.

Tuy nhiên, các chuyên gia về khủng bố sinh học cho rằng cả ông Nikiforov và ông Walsh đã quá lo xa, bởi khả năng các tổ chức khủng bố chế tạo được bom bẩn chứa virus Ebola là vô cùng thấp.

Khủng bố bằng “bom bẩn” Ebola: Ác mộng toàn cầu? (Kỳ 2) - 1

Nhiều người lo ngại bom bẩn Ebola có thể gây ra đại họa trên toàn cầu

Tiến sĩ Robert Leggiadro, một chuyên gia về khủng bố sinh học và bệnh truyền nhiễm ở New York (Mỹ) cho hay mặc dù Ebola bị liệt vào một chất khủng bố sinh học tiềm tàng, song điều đó không có nghĩa là loại virus này có thể được sử dụng để chế tạo bom bẩn.

Ông Leggiadro nói: “Virus Ebola không thể tồn tại được lâu khi bị đưa ra khỏi cơ thể người hoặc vật chủ, thế nên việc vũ khí hóa nó là cực kỳ khó khăn”.

Ông Hamish de Bretton-Gordon, chuyên gia về an ninh hạt nhân, hóa học, sinh học ở Anh cho rằng trường hợp của ông Walsh là một ví dụ của hiện tượng thích gieo rắc nỗi sợ hãi.

Ông này khẳng định: “Cơ hội để đưa được virus Ebola vào vũ khí sinh học là nhỏ hơn cả không. Đó là điều không thể xảy ra”.

Theo các chuyên gia, để chế tạo được bom bẩn Ebola, đầu tiên bọn khủng bố phải có được một vật chủ còn sống (người hoặc động vật) bị nhiễm virus. Ngoài con người, virus Ebola tồn tại trên một số vật chủ khác như loài linh trưởng, dơi, linh dương, những loài không dễ gì bắt được trong tự nhiên.

Sau khi bắt được vật chủ, nó sẽ phải được chuyển tới một phòng thí nghiệm có đầy đủ thiết bị để trích xuất virus Ebola. Đây bắt buộc phải là những phòng thí nghiệm đạt cấp độ 4 về an toàn sinh học để những người làm việc bên trong không bị nhiễm virus, và phòng thí nghiệm kiểu này cũng không dễ có.

Khủng bố bằng “bom bẩn” Ebola: Ác mộng toàn cầu? (Kỳ 2) - 2

Phải có phòng thí nghiệm cấp độ 4 mới có thể trích xuất được virus Ebola (Ảnh minh họa)

Theo Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ, trên thế giới hiện này chỉ có khoảng hơn hai chục phòng thí nghiệp cấp độ 4. Nếu không có phòng thí nghiệm kiểu này, bất cứ kẻ nào tìm cách trích xuất virus Ebola từ vật chủ đều không tránh khỏi cái chết.

Ngay cả khi lấy được virus từ vật chủ trong phòng thí nghiệm cấp độ 4, bọn khủng bố cũng còn rất nhiều việc phải làm trước khi sử dụng Ebola làm vũ khí sinh học.

Ông Bretton-Gordon nói: “Quy trình vũ khí hóa một chất sinh học rất phức tạp và nhiều giai đoạn, trong đó có các bước làm giàu, tinh lọc, làm rắn, nghiền và điều chế”.

Đây là các bước cần thiết đẻ giúp chất sinh học trong vũ khí không bị tiêu diệt sau khi được phóng đi bằng tên lửa, được thả xuống bằng bom hoặc phát tán trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Ebola không phải là loại virus thích hợp để trải qua các giai đoạn trên.

Một lý do nữa khiến virus Ebola chưa từng được sử dụng để chế tạo vũ khí sinh học là vì nó không phải là một virus có thể chống chọi được với môi trường tự nhiên.

Ông Bretton-Gordon giải thích tiếp: “Nguyên nhân khiến vi khuẩn bệnh than được sử dụng để chế tạo vũ khí không phải là vì tỉ lệ gây chết người tương đương Ebola của nó, mà là bởi vì nó là một loại vi khuẩn rất khỏe.”

Khủng bố bằng “bom bẩn” Ebola: Ác mộng toàn cầu? (Kỳ 2) - 3

Virus Ebola không dễ dàng được sử dụng làm vũ khí như một số tác nhân khác

Vi khuẩn bệnh than có thể tồn tại hàng thế kỷ trong mặt đất, có thể chịu được sự đông giá hoặc nhiệt độ cực cao, không hề hấn gì bởi mưa gió, khô hạn. Trong khi đó, virus Ebola lại rất nhạy cảm với môi trường, và nó bị tiêu diệt ngay khi tiếp xúc với ánh nắng hoặc nhiệt độ cao.

Ngay sau khi bị đưa ra khỏi cơ thể vật chủ, virus Ebola chỉ có thể tồn tại trong một môi trường nhất định có nhiệt độ và độ ẩm khá cao. Bởi vậy, nếu bọn khủng bố có chế tạo được bom Ebola và sử dụng nó, điều kiện khí hậu không thuận lợi ở các thành phố phương Tây sẽ vô hiệu hóa vũ khí này rất nhanh chóng.

Không giống như các tác nhân khủng bố sinh học tiềm tàng khác có thể lan truyền nhanh chóng từ người qua người trong không khí (chẳng hạn như vi khuẩn bệnh than), Ebola lại không lây truyền dễ dàng như thế.

Ông Bretton-Gordon cho hay: “Không giống như trong các bộ phim viễn tưởng, virus Ebola không phát tán lơ lửng trong không khí để lây nhiễm cho mọi người, mà nó chỉ truyền từ người này sang người khác khi họ ăn thịt đã bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch thể của bệnh nhân”.

Tất cả những yếu tố trên đã khiến virus Ebola không thể có cơ hội để trở thành một loại vũ khí sinh học khủng khiếp như nhiều người vẫn tưởng, và giúp thế giới loại trừ một nỗi bất an về nguy cơ nổ ra đại dịch toàn cầu do bọn khủng bố gây ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trí Dũng (Theo FoxNews) ([Tên nguồn])
Dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN