Lưu bài Bỏ lưu bài

 

Họ từng có vợ, có chồng, thậm chí con cháu đầy đủ, nhưng giờ đây phải sống cô đơn trong những căn nhà cấp 4 nằm sâu nơi núi rừng hiểm trở.

Khu nhà biệt lập giữa núi rừng của những người khốn khổ - 3Khu nhà biệt lập giữa núi rừng của những người khốn khổ - 4

N

ằm cách Hà Nội chừng 80km, khu điều trị phong thuộc Bệnh viện đa khoa huyện Phú Bình (Sở Y tế Thái Nguyên) vẫn được người dân quen gọi là trại phong Phú Bình thuộc xã Tân Kim (huyện Phú Bình).

Từ Quốc lộ 37 rẽ vào xã Tân Kim, con đường độc đạo quanh co, uốn lượn sâu hun hút vào bên trong núi dẫn đến trại phong. Trại phong nằm ẩn mình dưới chân một quả đồi thấp, xung quanh là núi non và cây rừng bao phủ, phía trước mặt là hồ nước. Nếu không có tấm bảng hiệu để ở ven đường, người lạ khó nhận biết đến sự tồn tại của khu trại phong.

Những dãy nhà cấp 4 nằm nép mình dưới những tán cây rậm rạp của núi rừng Tân Kim. Khu vực này rộng lớn nhưng dân cư thưa thớt, chỉ lác đác vài chục mái nhà, đa phần đều là nhà của những bệnh nhân phong có gia đình và con cháu họ. Những bệnh nhân neo đơn thì sống trong khu tập trung của trại.

Khu nhà biệt lập giữa núi rừng của những người khốn khổ - 5
Khu nhà biệt lập giữa núi rừng của những người khốn khổ - 6
Khu nhà biệt lập giữa núi rừng của những người khốn khổ - 7

Chúng tôi hỏi thăm vào gia đình ông Phạm Ngọc Hải (86 tuổi) - Trưởng Ban quản lý trại phong Phú Bình. Nhà ông nằm cách trại phong không xa.

Ông Hải từng là một bệnh nhân phong, quê gốc ở Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh). Ông chuyển đến đây từ trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An). Nặng lòng với trại phong Phú Bình nên sau khi khỏi bệnh, ông ở lại đây và quản lý trại đã hơn nửa thế kỷ nay.

Lục lại trí nhớ của mình, ông Hải kể, trại phong Phú Bình bắt đầu được xây dựng năm 1958 và đến năm 1960 thì hoàn thành. Các bệnh nhân từ khắp nơi đưa về đây, trong đó có rất nhiều bệnh nhân được chuyển từ trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An) về do nơi ấy bị giặc Mỹ ném bom, bắn phá.

Thời điểm đông nhất trại phong Phú Bình có trên 300 người. Bệnh nhân đông, người ta còn phải xây thêm 2 dãy nhà. Trải qua nhiều năm, có người được con cháu đón về, có người đã mất, quân số trại phong hiện còn 59 người bao gồm cả những người sinh sống ở trong trại và sống tản mác gần đó.

Khu nhà biệt lập giữa núi rừng của những người khốn khổ - 8Khu nhà biệt lập giữa núi rừng của những người khốn khổ - 9

Ngày trước, bệnh phong “hủi” là nỗi ám ảnh, khiếp sợ của toàn xã hội. Người thân xa lánh, xóm làng dè bỉu, thậm chí đánh đập, xua đuổi. Đã không ít người mắc bệnh phải bỏ mạng vì sự thiếu hiểu biết của người xưa về bệnh phong.

Không những thế, căn bệnh này cứ âm ỉ tàn phá bên trong cơ thể họ. Những vết thương mưng mủ, lở loét, sưng tấy… dẫn đến nhiễm trùng. Ai bệnh nhẹ thì cơ thể chằng chịt các vết sẹo, bàn chân, bàn tay co quắp; ai bệnh nặng thì phải cưa chân, cưa tay.

Ông Hải cũng từng là nạn nhân của bệnh phong, nhưng may mắn hơn. Ông kể, năm khoảng 20-21 tuổi, khi ấy, ông đang là một thầy giáo đi xóa nạn mù chữ cho đồng bào.

Thế rồi, bỗng một ngày ông thấy cơ thể mình có những vết bỏng rát và tê; tay không cầm nổi viên phấn viết bảng. Ông đi khám thì biết mình mắc bệnh phong. Nỗi sợ của người bệnh phong lúc đó đã khiến ông phải bỏ nghề, bỏ quê đi biệt tích. Ông lang bạt khắp nơi rồi được đưa về trại phong Quỳnh Lập (Nghệ An) chữa trị.

Đến khi giặc Mỹ đánh phá trại Quỳnh Lập, ông được đưa về trại phong Phú Bình. Dù là bệnh nhân nhưng “mắc bệnh nghề nghiệp”, đi đến trại phong nào thầy giáo Hải cũng mở lớp dạy học xóa mù chữ cho người bệnh.

Khu nhà biệt lập giữa núi rừng của những người khốn khổ - 10

“Hạnh phúc của nghề giáo là được đứng lớp. Nhìn những cụ già đã 70, 80 tuổi mắt mờ, chân mỏi vẫn đến lớp ngồi học, đó là động lực của tôi. Từ những người không biết chữ, có người có thể viết được thư gửi về cho gia đình, thấy thế tôi mừng lắm”, ông Hải chia sẻ.

Khi về trại phong Phú Bình, ông Hải quen bà Chắt (một bệnh nhân phong khác). Hai ông bà dọn về sống với nhau, sinh được 2 người con trai đến nay đã có gia đình riêng. Ông bà được tạo điều kiện mượn đất làm nhà, sinh sống ngay gần với trại phong.

Không chỉ ông Hải - bà Chắt mà có nhiều cặp đôi là bệnh nhân phong nên duyên ở đây. Có một điểm chung là tất cả những cặp vợ chồng bệnh nhân sau khi lấy nhau, sinh con đều chuyển ra ở ngoài trại phong. Họ được phía bệnh viện tạo điều kiện, cho mượn đất dựng tạm nếp nhà đơn sơ lấy chỗ cho vợ chồng, con cái sinh sống.

Hiện tại có khoảng 30 gia đình bệnh nhân phong sống quần tụ quanh trại. Hầu hết họ đã lên ông, lên bà, có cháu nội, cháu ngoại đủ đầy. Con cháu họ có những người thành đạt. Trên mảnh đất đặc biệt này, giờ đây họ đã tự do đi lại, gặp gỡ, lấy vợ lấy chồng mà không lo sợ điều gì.

Khu nhà biệt lập giữa núi rừng của những người khốn khổ - 11Khu nhà biệt lập giữa núi rừng của những người khốn khổ - 12

Không may mắn như những gia đình bệnh nhân phong kia, còn khoảng gần 30 người khác sống trong cảnh neo đơn vẫn hằng ngày đếm thời gian trôi trong khu tập trung của trại. Họ - có những người neo đơn cả đời, có những người “có vợ, có chồng” nhưng vì cùng cảnh bệnh tật nên cuộc đời lúc ngắn, lúc dài, chỉ còn người ở lại với nỗi nhớ mong.

Khu tập trung của trại phong có khoảng 10 gian nhà, mỗi gian 5 phòng với đầy đủ giường chiếu và bếp liền kề. Những dãy nhà này mới được xây dựng lại cách đây chừng 20 năm, thay thế cho những ngôi nhà cấp 4 lợp ngói đã cũ kỹ và xập xệ.

Không gian nơi đây rất rộng rãi, thoáng mát nhưng tĩnh mịch đến lạ thường. Lúc tôi đến là hơn 9h sáng nhưng chẳng thấy bóng dáng người qua lại. Hàng chục căn phòng cửa đóng then cài hoặc khép hờ để đó.

Khu nhà biệt lập giữa núi rừng của những người khốn khổ - 13

Tôi bắt gặp một người đàn ông chống nạng, một bên đeo chân giả đang ra cửa lấy quần áo. Ông tên Nghiêm Xuân Chính (78 tuổi, quê Từ Sơn, Bắc Ninh).

Ông Chính lên trại phong Phú Bình từ năm 1962. Lúc mới lên đây, bệnh tình ông đã ở giai đoạn nặng, chân ông phồng rộp, đi lại nhiều nên nhiễm trùng và phải cắt bên phải. Ngón của bàn chân còn lại và 2 bàn tay đều co quắp và cụt gần hết khiến việc cầm nắm khó khăn.

Chỉ về chiếc giường kế bên bỏ không, ông bảo, đó là giường của bà Thào Seo Mao (người dân tộc Mông, quê Lào Cai). Đồng cảnh bệnh tật khi ở trại phong, hai ông bà dọn về chung phòng sống với nhau, nương tựa tuổi già. Thế nhưng, 2 năm trước, bà đã mất trong một lần con trai riêng đón về thăm nhà.

“Bà ấy thương tôi lắm, thương còn hơn những cặp vợ chồng có giá thú ấy. Mấy năm trước, con bà ấy ở Yên Bái đón lên thăm nhà, tưởng bà sẽ quay lại, không ngờ bà ấy ốm và đi nhanh quá. Tôi muốn lên thăm, thắp nén nhang cho bà ấy nhưng tuổi già, sức yếu không đi được”, ông Chính giọng nghẹn lại.

Khu nhà biệt lập giữa núi rừng của những người khốn khổ - 14

Nằm ở phía cuối dãy nhà cấp 4 là căn phòng của bà Vũ Thị Lụa (81 tuổi, quê ở Trực Ninh, Nam Định). Bà Lụa là một trong những người bệnh nặng nhất ở trại phong Phú Bình. Bà bị cụt một bên chân, 2 mắt mù lòa và còn nhiều thứ bệnh khác trong người.

Di chứng của bệnh phong khiến bà phải cắt bỏ một nửa chân bên phải. Thế nhưng bà bảo, còn sống đến giờ là may mắn lắm rồi.

“Năm 17-18 tuổi, biết mình bị bệnh phong, sợ mọi người xa lánh, tôi không dám ở làng nữa”, bà Lụa kể lại.

Bố mẹ mất sớm nên bà đi lang thang xin ăn, kiếm sống bằng nghề bán kẹo rong ở TP Nam Định.

Trong một lần đi khám bác sĩ, người ta ngỏ ý giúp đỡ bà đến trại phong để chữa trị tốt hơn. Bà được đưa đến trại phong Quỳnh Lập năm 1962, sau khi bị Mỹ bắn phá, bà chuyển đến trại phong Phú Bình và ở đây đến giờ.

Khu nhà biệt lập giữa núi rừng của những người khốn khổ - 15

Không giống với những hoàn cảnh khác neo đơn, không nơi nương tựa. Trường hợp của bà Vũ Thị Cam (93 tuổi) lại vô cùng éo le. Bà Cam là người huyện Phổ Yên (Thái Nguyên), cách trại phong chừng 20km. Bà có con, cháu nội ngoại đầy đủ nhưng trớ trêu thay bà đành phải ở lại trại phong này.

Bà lấy chiếc ghế nhựa ra mời tôi ngồi, rồi bắt đầu kể. Năm 1962, bà mắc bệnh thì được người nhà đưa vào trại phong Phú Bình, lúc ấy bà đã có chồng, con. Vào trại phong được khoảng 3 năm thì thời gian ấy tàu bay giặc oanh tạc, bắn phá nhiều lần. Ban lãnh đạo bệnh viện vận động những ai bệnh tình thuyên giảm có thể về nhà.

Bà Cam cũng về nhà đợt đó. Đến năm 1977, bệnh tình bà tái phát và đau thêm nên bà vào lại trại phong và ở đến giờ. Khoảng thời gian hơn 10 năm ở nhà, bà sinh tiếp được mấy người con. Nhưng đến gần cuối đời, lại phải cô đơn nơi trại phong.

“Con gái thì mình không ở cùng được, con trai thì sợ, bảo tôi có chế độ ở đây thì cứ lên đây ở, tủi thân lắm”, bà Cam òa lên, rồi lấy chiếc khăn mặt lau nước mắt.

Khu nhà biệt lập giữa núi rừng của những người khốn khổ - 16

Khu nhà biệt lập giữa núi rừng của những người khốn khổ - 17Khu nhà biệt lập giữa núi rừng của những người khốn khổ - 18

Ở trại phong Phú Bình này, mỗi người một hoàn cảnh, chẳng ai giống ai. Với họ, trại phong vừa là ngôi nhà, cũng là bệnh viện và là quê hương của mình.

Bệnh phong đã chôn vùi cả tuổi xuân của họ ở đất Kim Tân. Để đến giờ đây, chỉ có bệnh tật và tuổi già là 2 thứ đang theo đuổi họ. Ngoài nỗi đau thể xác, họ còn chịu tổn thương rất lớn về tinh thần.

Những người bệnh hiện tại đều đã tuổi cao sức yếu, gối mỏi chân mòn. Họ hằng ngày vẫn mong ngóng, chờ đợi có những vị khách lạ ghé thăm để được nói chuyện, để được giãi bày tâm sự. Tuổi già ai chẳng vậy.  

 

 

Dù đã tuổi cao nhưng giọng nói bà Chọn vẫn rất dõng dạc và trí nhớ bà rất tốt. Bà kể, bố mẹ bà mất trong nạn đói năm 1945. Bà cũng khổ sở đi xin ăn từng hạt cơm mới vượt qua được quãng thời gian ấy. Sau bà phải đi ở cho nhà người khác để có cái ăn.

Năm 18 tuổi, trong một lần gánh phân ra đồng bà bị thụt chân, xước da. Nghĩ không sao, bà chỉ về lấy lá nhọ nồi đắp vào. Càng về sau, vết thương càng sưng tấy, các ngón cứ co quắp. Sau này, bà đi khám mới biết bị phong.

Bà được đưa vào trại phong Quỳnh Lập năm 1963; đến năm 1965 thì chạy loạn, sau bà được chuyển về Phú Bình. Chẳng có anh em hay họ hàng, bà ở đây từ đó đến nay. Suốt ngần ấy quãng thời gian, bà chưa một lần bước qua cánh cổng khu trại phong để tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Thế giới của bà, cuộc sống của bà hoàn toàn thuộc về nơi đây.

Nói rồi bà Chọn chỉ tay về phía vạt đồi sau nhà. Bà bảo nơi đó là nghĩa địa của trại phong và bà đã đã có một “suất” ở đó.

“Tôi thuê người xây cho mình một ngôi mộ trước. Mình không xây thì Nhà nước, bệnh viện cũng lo cho nhưng làm sao mà bằng mình tự lo cho mình. Giờ có tuổi rồi, con cái, gia đình không có… Tôi cứ ăn dè, hà tiện, tích góp được mấy đồng làm mộ, đến lúc nhắm mắt xuôi tay người ta chỉ việc đưa xuống thôi”, bà nói.

Khu nhà biệt lập giữa núi rừng của những người khốn khổ - 20

Ông Hải - Trưởng Ban quản lý trại phong Phú Bình chia sẻ thêm, ngày ông mới đến đây, thấy người bệnh chết mà không có lấy một chiếc khăn tang, không có tiếng kèn, tiếng trống… Xót xa cho một kiếp người, ông đi kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ, vận động con em những người nhà bệnh nhân khác lập ra một tổ chuyên lo tang lễ cho người bệnh đã mất.

Anh Hạnh – con trai ông Hải, từng là một cán bộ y tế của trại phong ngồi cạnh nói tiếp: “Các cụ ở trại phong hiện tại đã ngoài 70, 80, có cụ ngoài 90 tuổi rồi. Chỉ chừng 10 năm hoặc muộn thì 20 năm nữa, ai cũng về với cát bụi. Rồi lúc ấy, chẳng biết trại phong sẽ ra sao? Người ta sẽ phá bỏ hay chuyển đổi sang thành trạm xá, bệnh viện?”.

Những trăn trở của anh Hạnh là có cơ sở. Sinh-lão-bệnh-tử là quy luật cuộc sống, chẳng ai tránh được. Những người bệnh cuối cùng của trại phong Phú Bình rồi sẽ về với cát bụi, trại phong có thể không còn nhưng cái tên “trại phong Phú Bình” chắc chắn sẽ còn trong ký ức của nhiều người, nhất là những con cháu đời sau của các bệnh nhân.

Khu nhà biệt lập giữa núi rừng của những người khốn khổ - 21

Nội dung: Ngọc San

Media: Nguyễn Lý

Thứ Hai, ngày 21/11/2022 00:30 AM (GMT+7)

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Ngọc San- Nguyễn Lý ([Tên nguồn])