Không xử phạt xe đạp điện không đăng ký
Xe đạp điện là xe thô sơ nên không thuộc đối tượng phải đăng ký, cấp biển số song xe máy điện nếu lưu thông mà chưa đăng ký sẽ bị xử phạt như xe mô tô với mức tiền 300-400 nghìn đồng.
Lãnh đạo Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67) - Bộ Công an khẳng định việc một số thông tin cho rằng từ ngày 1-6 tới CSGT trên cả nước sẽ xử phạt cả xe đạp điện và xe máy điện chưa đăng ký, cấp biển số là chưa chính xác.
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó cục trưởng Cục C67, cho biết xe đạp điện là xe thô sơ nên không thuộc đối tượng phải đăng ký, cấp biển số. Dựa vào tình hình thực tế, UBND các địa phương có thể ban hành quy định cụ thể về điều kiện, phạm vi hoạt động của loại xe này.
Xe đạp điện là phương tiện thô sơ nên không phải đăng ký như mô tô - Ảnh: Giao thông vận tải
Riêng đối với xe máy điện, theo ông Tuấn, Luật Giao thông đường bộ hiện hành và Thông tư 06/2009 của Bộ Công an đã quy định rất rõ việc đăng ký, cấp biển số đã được thực hiện từ ngày 1-7-2009. Tuy nhiên đến nay rất ít người dân đưa xe máy điện đi đăng ký. Báo cáo của một số địa phương năm 2013 cho thấy chỉ có trên 20 chiếc xe máy điện được người dân đưa tới cơ quan công an làm thủ tục đăng ký, cấp biển số.
Đại tá Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết về nguyên tắc xe máy điện không đăng ký sẽ không được tham gia lưu thông; nếu lưu thông mà chưa đăng ký sẽ bị xử phạt như xe mô tô với mức tiền 300-400 nghìn đồng. Việc xe máy điện lưu hành không đăng ký ở nhiều địa phương, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM, đang gây ra rất nhiều bức xúc về trật tự an toàn giao thông.
Theo quy định tại Thông tư 15/2014 của Bộ Công an về đăng ký xe, khi đi đăng ký xe máy điện, người dân phải có các loại giấy tờ: Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu); Giấy tờ chủ xe; Chứng từ nguồn gốc của xe; Hóa đơn bán xe; Chứng từ nộp lệ phí trước bạ. Lệ phí được áp dụng như mức thu của xe mô tô, xe gắn máy. Việc đăng ký, cấp biển số cho xe máy điện được thực hiện tại công an quận, huyện, thị xã đối với xe cá nhân và phòng CSGT tỉnh, thành phố nếu là xe của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài.
Đại diện C67 cho biết khi mua xe máy điện, người dân phải yêu cầu người bán xe cung cấp đầy đủ các loại chứng từ liên quan như phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng hoặc Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu, hóa đơn bán xe theo quy định của Bộ Tài chính để tránh mua phải xe nhập lậu, trái quy định nhà nước.
Trước việc có rất nhiều xe máy điện đang lưu hành không có giấy tờ phù hợp để đem đi đăng ký, đại diện C67 khẳng định không thể hợp thức hóa xe không rõ nguồn gốc. Việc xe máy điện đăng ký rất ít hiện nay ngoài trách nhiệm của Bộ Công an, còn có trách nhiệm của các bộ ngành quản lý về nhập khẩu, quản lý thị trường. Sắp tới có thể Bộ Công an sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để trao đổi với Bộ Tài chính, ngành hải quan đề xuất Chính phủ xem xét truy thu thuế hoặc có một biện pháp khác giải quyết tình trạng này.
Theo ông Nguyễn Quốc Thắng, Phó trưởng phòng đăng ký xe - C67, Nghị định 171/2013 của Chính phủ đã quy định: Xe máy điện là xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4 kW và có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h; xe đạp điện có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25 km/h. |