Khổng tước quý hiếm bay vào nhà dân ở Sài Gòn
Chim khổng tước màu trắng có bộ lông dài gần một mét đậu trên ban công tầng ba được người dân bắt giữ giao cho kiểm lâm chăm sóc.
Ngày 24/4, Chi cục Kiểm lâm TP HCM tiếp nhận chim khổng tước đưa về trạm cứu hộ động vật chăm sóc. Đây là lần đầu đơn vị tiếp nhận loài chim này. Sau vài ngày cho ăn cám và sâu gạo sức khỏe chim khổng tước đã được cải thiện.
Bốn hôm trước, chim khổng tước trống có bộ lông màu trắng, dài gần một mét đậu trên ban công tầng ba của một người dân ở TP Thủ Đức. Khi người này lấy tay đuổi nhưng con chim không phản ứng nên đã bắt đem vào nhà. Hôm sau, con chim được chủ nhà đưa đến Trạm cứu hộ động vật hoang dã ở Củ Chi nhờ chăm sóc
Chim khổng tước màu trắng được đưa về trạm cứu hộ động vật chăm sóc. Ảnh: Văn Tùng
Ông Nguyễn Công Bằng, Trưởng trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, cho biết con chim vừa tiếp nhận là khổng tước Ấn Độ, tên khoa học Pava Cristatus, thuộc loài nguy cấp.
Khổng tước Ấn Độ thường có màu sắc rực rỡ nhưng con này có bộ lông trắng do được sinh ra nhờ chọn lọc nhân giống theo cách đột biến. "Chim này là loài ngoại lai, không phân bố tại Việt Nam nên sau khi chim nó khỏe mạnh, đơn vị sẽ bàn giao cho sở thú hoặc trung tâm bảo tồn", ông Bằng nói.
Chim khổng tước được chăm sóc ở trung tâm cứu hộ động vật. Video: Công Bằng
Ông Mai Khắc Trung Trực, Giám đốc xí nghiệp động vật Thảo Cầm Viên Sài Gòn, cho biết sở thú có nuôi 3 khổng tước lông trắng, thường được cho ăn ngũ cốc, côn trùng (dế, cào cào, sâu), trái cây. Khổng tước màu trắng mang gen đột biến có thể sinh chim con có bộ lông tương tự.
Khổng tước thuộc họ Trĩ, còn được gọi là chim công, được xem là một trong 10 loài chim đẹp nhất hành tinh. Con trưởng thành có chiều dài từ mỏ đến đuôi từ 100-115 cm, nếu tính đến chiếc lông dài nhất có thể lên đến 225 cm, cân nặng 4-6 kg.
Nguồn: [Link nguồn]
Con chim lạ bay vào ngôi nhà ở xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn. Một số người cũng không dám bắt con chim vì nó có mỏ dài, khá dữ. Đây là chim cao cát bụng trắng.