Không tổ chức công an cấp huyện

Sự kiện: Thời sự
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trung ương yêu cầu nhanh chóng triển khai đề án tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy công an theo mô hình ba cấp bộ, tỉnh, xã, không tổ chức công an cấp huyện.

Phát biểu bế mạc hội nghị Trung ương khóa 13 ngày 24/1, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Trung ương thống nhất cao với Báo cáo tổng kết Nghị quyết 18 và phương án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Bộ chính trị xác định sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là một cuộc cách mạng. Vì vậy, Trung ương yêu cầu các bộ, ban, ngành, đơn vị, địa phương phải có quyết tâm chính trị cao, thực hiện đồng bộ các biện pháp, đẩy mạnh cuộc cách mạng này nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước và đòi hỏi của nhân dân trong kỷ nguyên mới.

Trung ương yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, bảo đảm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng; hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị quốc gia; chất lượng giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Các cơ quan nghiên cứu sắp xếp các đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn, mở rộng không gian phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân, tăng cường nguồn lực của đất nước và địa phương, kiên quyết xóa bỏ cấp trung gian. Phân cấp, phân quyền cần đẩy mạnh, đảm bảo Trung ương quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ, giữ vai trò kiến tạo, phát triển; tăng cường kiểm tra, giám sát, theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Các cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong của các cơ quan, đơn vị, tổ chức gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ phẩm chất, năng lực, uy tín.

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc hội nghị trung ương khóa 13, chiều 24/1. Ảnh: Gia Hân

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc hội nghị trung ương khóa 13, chiều 24/1. Ảnh: Gia Hân

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, công tác tuyển dụng, đánh giá và quy hoạch cần được đổi mới căn bản, toàn diện. Trung ương yêu cầu các cấp, ngành khẩn trương xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách mới, ưu tiên cán bộ có đức, có tài, có tâm phục vụ nhân dân. Công tác thanh tra, kiểm tra phải được tăng cường để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, loại bỏ những cán bộ không đủ phẩm chất. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành là yêu cầu cấp thiết để hiện đại hóa bộ máy nhà nước.

Theo Tổng Bí thư, trên cơ sở kết luận tại hội nghị hôm nay, các cơ quan cần nhanh chóng thể chế hóa để sắp xếp các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ, hoàn thành trong quý I. Đề án tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy công an địa phương thực hiện theo mô hình công an ba cấp, bộ, tỉnh, xã và không tổ chức công an cấp huyện. Cơ quan thanh tra sắp xếp đảm bảo tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, báo cáo Bộ Chính trị xem xét quyết định.

Ông yêu cầu quá trình triển khai sắp xếp tổ chức, bộ máy mới cần bảo đảm mọi hoạt động của các cơ quan diễn ra liên tục, không ngắt quãng, không ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của người dân và doanh nghiệp; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức bị tác động. Cán bộ đảng viên phải phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân vì sự phát triển chung của đất nước.

Trung ương thống nhất tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030

Tổng Bí thư cho biết Trung ương cũng thống nhất với các Đề án bổ sung phát triển kinh tế xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên và tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 liên tục đạt hai con số. Những mục tiêu này phải phấn đấu thực hiện để Việt Nam thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Mọi nguồn lực phải được giải phóng, tận dụng mọi cơ hội, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh phát triển nhanh và bền vững. Ba đột phá chiến lược cần tập trung đẩy mạnh, nhất là thể chế vì đây là "đột phá của đột phá". Trước mắt, trong năm 2025, các cơ quan hướng dẫn, điều chỉnh một số luật liên quan đến đất đai, đầu tư công, luật doanh nghiệp, tháo gỡ mọi điểm nghẽn, rào cản; thực hiện phương pháp "quản lý theo kết quả", chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.

Trung ương yêu cầu có cơ chế chính sách ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục, đất công không sử dụng, tài sản tranh chấp và kéo dài; tháo gỡ các điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản, thị trường vốn, nhất là trái phiếu doanh nghiệp để tăng nhanh nguồn cung.

Đại biểu dự hội nghị Trung ương khóa 13, ngày 24/1. Ảnh: Gia Hân

Đại biểu dự hội nghị Trung ương khóa 13, ngày 24/1. Ảnh: Gia Hân

Nguồn lực đầu tư công cần khơi thông và sử dụng hiệu quả; thúc đẩy đầu tư tư nhân; thu hút vốn FDI có chọn lọc. Các cơ quan điều hành chính sách tài khóa linh hoạt để chất lượng tăng trưởng tín dụng phù hợp, bảo đảm đúng, trúng mục tiêu; động lực tăng trưởng hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế cho nhân dân.

Trung ương yêu cầu đẩy mạnh tiêu dùng, tăng cường các giải pháp thu hút khách du lịch, thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng, kiểm soát lạm phát ở mức phù hợp với mục tiêu tăng trưởng. Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách về thuế để hỗ trợ tăng sức mua, kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa; kích thích tiêu dùng, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các nhóm thu nhập thấp.

Hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng số cần tập trung hoàn thiện; thúc đẩy các dự án điện hạt nhân, điện gió ngoài khơi; đẩy nhanh tiến độ sửa đổi và triển khai hiệu quả Quy hoạch điện 8, bảo đảm đáp ứng đủ năng lượng cho tăng trưởng hai con số.

Tập trung thực hiện Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ

Trung ương yêu cầu tập trung thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ban chỉ đạo Trung ương đã họp phiên đầu tiên để xác định các nhiệm vụ cụ thể cho từng quý trong năm 2025, yêu cầu các cơ quan triển khai ngay để tránh gây thất vọng cho xã hội. Ban chỉ đạo cũng sẽ áp dụng chỉ số theo dõi hiệu quả thực hiện Nghị quyết.

Các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây và công nghiệp giải trí phải được ưu tiên phát triển, đồng thời khai thác không gian vũ trụ và phát triển công nghệ viễn thông như 5G và 6G; xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút các chuyên gia Việt Nam và quốc tế để phát triển khoa học và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Doanh nghiệp và chính quyền cần triển khai các giải pháp đồng bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội, và ngoại giao nhằm thúc đẩy thương mại công bằng và bền vững với các đối tác lớn, đồng thời mở rộng thị trường và chuỗi cung ứng xuất khẩu. Các cơ quan chủ động ứng phó với những yếu tố bất lợi như thiên tai, dịch bệnh, và khủng hoảng kinh tế.

Từng cấp, ngành, địa phương cần cụ thể hóa kế hoạch hành động để đạt mục tiêu tăng trưởng chung, đặc biệt là những nhiệm vụ cụ thể để đạt mức tăng trưởng hai con số. Nghị quyết phải được triển khai ngay sau Đại hội, không chờ chỉ thị từ cấp trên. Tính chủ động, sáng tạo và dám chịu trách nhiệm của các cấp ủy là yếu tố quyết định thành công.

Cần sửa đổi thể chế để xác lập tư duy bình đẳng giữa Trung ương và địa phương, cho phép địa phương đề xuất cơ chế hỗ trợ phát triển. Những kiến nghị của địa phương cần được Trung ương xem xét nhanh chóng và nghiêm túc. Sau khi giao việc, cần có kế hoạch theo dõi và kiểm tra, lãnh đạo cấp trên phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ. Hệ thống chính trị cần hoạt động thông suốt từ Trung ương đến cơ sở, với tinh thần "công việc là trên hết."

Bộ Chính trị, Ban Bí thư 'là tập thể bản lĩnh, đoàn kết, thống nhất cao'

Ban chấp hành Trung ương thống nhất với báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024. Trung ương đánh giá cao tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, cầu thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong tổ chức kiểm điểm, phê bình và tự phê bình; khẳng định Bộ Chính trị, Ban Bí thư "là một tập thể bản lĩnh, đoàn kết, thống nhất cao về ý chí và hành động, tất cả vì mục tiêu chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc; có khát vọng lớn, tầm nhìn xa, có tư duy đổi mới, sát với thực tiễn với nhiều nội dung chỉ đạo mang tính đột phá, qua đó đã tăng hiệu ứng tích cực và lan tỏa niềm tin trong toàn xã hội về kỷ nguyên phát triển mới của đất nước".

Tổng Bí thư cho biết việc kiện toàn Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bổ sung Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ góp phần tăng cường sức mạnh lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, đồng thời chuẩn bị một bước cho nhân sự đại hội 14.

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ Trung ương sẽ thảo luận cho ý kiến với 5 nội dung, trong đó có 3 nhóm vấn đề quan trọng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Viết Tuân ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN