Không thể xử cả làng vì đánh chết "cẩu tặc"
Luật sư cho rằng vụ án “cẩu tặc” bị đánh chết tại Bắc Giang nên được đình chỉ vì không thể quy kết tội cho một số cá nhân khi mà hàng trăm người cùng đánh “cẩu tặc”.
Đến nay, Công an tỉnh Bắc Giang đã khởi tố 7 bị can trong vụ đánh chết 2 cẩu tặc tại làng Danh Thượng (xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) về tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên việc hơn 800 hộ dân của làng cùng nhận tội đã làm dư luận xôn xao.
Chết rồi còn khởi tố “cố ý gây thương tích”
Luật sư Hà Huy Phong (GĐ Công ty luật Inteco, Hà Nội) khẳng định: “Không thể có chuyện xử tội cả làng vì đánh chết trộm chó được!”
Ông Phong cho biết, pháp luật chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự với cá nhân chứ không bao giờ truy cứu tập thể.
Nếu muốn xử lý vụ "cẩu tặc" bị đánh chết tại làng Danh Thượng, cơ quan tố tụng phải điều tra và xác định cụ thể mức độ vi phạm của từng cá nhân. Phải làm rõ cá nhân nào đánh đập nhiều hoặc dùng hung khí gây thương tích nặng, đánh vào chỗ hiểm trực tiếp gây tử vong,... Mặt khác, phải xác định được cá nhân đó đã đánh gây thương tích ở mức độ nào.
“Không thể tùy tiện khởi tố bị can khi chưa làm rõ các tình tiết đó được” – Luật sư Phong nói.
Người dân làng Danh Thượng cho biết, "cẩu tặc" vào tận ngõ ngách trong làng để bắt chó
Một người tay không đánh một cái hoặc ném một viên gạch trúng tay chân người khác, khó có thể gây thương tích nặng, chưa nói chuyện làm chết người. Cái chết có thể do nhiều cú đánh cộng hưởng của cả làng gây nên. Nếu vậy, không đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một cá nhân nào về tội giết người hay cố ý gây thương tích.
Theo ông Phong, kể cả xác định được người cuối cùng đánh "cẩu tặc" khi sắp chết, cũng không thể truy cứu được. Bởi lẽ, có thể người này chỉ đánh nhẹ. Dù anh ta có đánh hay không thì người kia vẫn sẽ chết.
Trên thực tế, từ lâu tại nhiều địa phương đã có "cẩu tặc" bị cả làng đánh chết, nhưng cơ quan pháp luật vẫn chưa truy cứu hình sự được. Bởi trong hàng trăm người tham gia hành hung, khó xác định được ai đánh mạnh hơn ai.
“Cơ quan điều tra vội vàng khởi tố bị can đối với 7 người dân thôn Danh Thượng về tội cố ý gây thương tích là không phù hợp, thiếu cơ sở pháp lý.” – Luật sư Phong nhận xét.
Luật sư này lý giải, muốn truy cứu tội cố ý gây thương tích, phải chứng minh được đối tượng đã làm cho bị hại có tỷ lệ thương tật 11% trở lên. Điều này thể hiện bằng kết quả giám định. Nhưng hàng trăm người cùng đánh, không thể giám định được.
“Người thì đã chết, đâu ai giám định được tỷ lệ thương tật 7 người này gây ra như thế nào?” – Ông Phong nói.
Theo LS Hà Huy Phong, nếu muốn xử lý vụ "cẩu tặc" bị đánh chết, cơ quan tố tụng phải xác định cụ thể những ai dùng hung khí đánh "cẩu tặc" và ở mức độ nào
Theo LS Hà Huy Phong, khởi tố vụ án để điều tra là cần thiết. Nhưng khởi tố bị can với tội danh trên là chưa chuẩn. Cơ quan tố tụng cần xem xét lại.
Còn việc cả làng đứng ra nhận tội, LS Phong cho rằng, không làm sai pháp luật. Tất nhiên, cần xem xét việc nhận tội đó có đúng với sự thật khách quan hay không. Nếu những người ký đơn nhận tội chính xác là đã tham gia đánh "cẩu tặc", dù đánh rất nhẹ, thì họ cùng ký đơn nhận tội là quyền của họ. Nhưng nếu chỉ dăm bảy người đánh mà cả làng lại đứng ra cùng nhận là không được.
Ông Phong cũng nhận định rằng, hành vi của người dân trong vụ đánh "cẩu tặc" tại làng Danh Thượng là chưa đúng.
"Cẩu tặc" vi phạm mức độ nào luật pháp đã quy định, có cơ quan thực thi pháp luật phân xử. Hành động của dân làng Danh Thượng như vậy chứng tỏ còn mang tính manh động, tự phát. Điều đó vẫn thể hiện sự ấu trĩ trong nhận thức của người dân ở đây.
Nhưng theo ông Phong, đó cũng là hành động cho thấy sự bức xúc, phản ứng trước sự thiếu trách nhiệm của cơ quan chức năng. Cần phải nhìn nhận vai trò của những người làm công tác an ninh tại địa phương chưa tốt.
Nếu có trách nhiệm, đâu cần đánh “cẩu tặc”
Còn theo luật sư Ngô Ngọc Thủy (Trưởng Văn phòng Luật sư Ngô Ngọc Thủy, Hà Nội), vẫn có thể điều tra truy cứu được từng cá nhân trong vụ án này. Kể cả mỗi người đánh nhẹ một cái thì cơ quan pháp luật sẽ truy cứu người đánh cuối cùng trực tiếp làm chết người.
Ông Thủy cho rằng, hành vi đánh chết trộm chó của người dân như thế là không được. Theo ông, dù bức xúc, cũng không thể tự ý hành xử coi thường pháp luật. Đổ lỗi cho cơ quan chức năng địa phương chỉ là cách để giảm nhẹ chứ không thể nói là không có tội. Luật pháp vẫn phải được thực thi.
Ông Thủy nêu vấn đề: Các vụ phạm tội vẫn luôn có trách nhiệm của cơ quan chức năng, cá nhân, tập thể trong bộ máy chính quyền. Nhưng người trực tiếp phạm tội vẫn là người phải tự chịu lấy. Đó là triết lý thông thường.
“Nếu cơ quan thực thi pháp luật làm tốt thì xã hội đâu có nhiều kẻ trộm chó, giết người, bảo kê.” – Luật sư Ngô Ngọc Thủy kết luận.
Khu ruộng nơi “cẩu tặc” bị đánh chết
Luật sư Tạ Ngọc Sơn (GĐ Công ty Luật Kosy, Hà Nội) cho rằng, vụ đánh chết "cẩu tặc" cho thấy một thực tế là người dân đang muốn tự xử. Theo ông Sơn, kinh tế xã hội thiếu sự ổn định, nhiều thanh niên lêu lổng, không có việc làm sinh ra nhiều tệ nạn. Trong khi đó, người dân không còn tin vào cách làm của cơ quan thực thi pháp luật.
Luật sư Sơn cũng cho rằng, cơ quan pháp luật không nên truy cứu vụ người dân đánh chết cẩu tặc ở làng Danh Thượng vì rất khó xác đinh được đối tượng cụ thể.
“Công an tỉnh Bắc Giang nên đình chỉ điều tra vụ án này”. – Luật sư Sơn nêu quan điểm.
Cũng theo vị luật sư này, Nhà nước cần xem xét tăng chế tài xử lý với hành vi trộm chó nói riêng và trộm cắp tài sản nói chung.
“Nếu "cẩu tặc" bị xử lý hình sự thì đã không có chuyện người dân phải tự hành xử như thế.” – Luật sư Tạ Ngọc Sơn nhấn mạnh.