Không thể rời mắt trước những công trình nổi tiếng bằng tăm qua bàn tay của “phù thủy” người Việt
Nhiều công trình, kiến trúc nổi tiếng của Việt Nam và thế giới được kiến trúc sư người Việt “xây” bằng tăm giang kết hợp mica khiến nhiều người chiêm ngưỡng thán phục, thích thú.
Vừa qua, tại TP.HCM, Liên Minh kỷ lục thế giới Worldkings đã trao tặng kỷ lục thế giới cho kiến trúc sư Hoàng Tuấn Long (46 tuổi), là người đầu tiên sáng tạo mô hình các công trình kiến trúc nổi tiếng, kết hợp giữa tăm giang và mica. Đây cũng là kỷ lục thế giới thứ 43 đến từ Việt Nam.
Anh Long cho biết có sở thích sưu tầm mô hình thu nhỏ của những nhân vật, công trình kiến trúc yêu thích. Khoảng gần 10 năm nay, anh bắt đầu thực hiện việc đam mê của mình là tạo mô hình. Sau nhiều lần thực hiện, anh Long đã tìm ra hai loại vật liệu ưng ý nhất để làm mô hình là tăm (vót từ cây giang) và mica.
Trong ngày triển lãm nghệ thuật tăm giang ở TP.HCM, anh Long đã mang đến cho khách tham quan nhiều mô hình công trình kiến trúc nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới như: Chùa Một Cột, tòa nhà Quốc Hội Mỹ, Nhà Trắng, Tháp đồng hồ Big Ben...
Anh Long chia sẻ, thời gian đầu anh làm mô hình các kiến trúc công trình bằng tăm giang và mica chỉ vì đam mê chứ không có ý định kinh doanh. Nhưng sau đó, nhiều bạn bè thích thú các tác phẩm của anh làm ra nên đề nghị anh “thương mại hóa”.
Khi bắt đầu làm một mô hình nào đó, anh Long sẽ tìm hiểu thông số kỹ thuật, tham khảo các hình ảnh sau đó vẽ lại trên máy tính. Sau đó anh sẽ làm khung bằng mica kết nối bằng các cây tăm giang với nhau. Công việc đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ.
Năm 2016, mô hình Chùa Một Cột sử dụng hơn 100.000 cây tăm, được làm trong vòng 6 tháng của anh Long, đã được xác lập kỷ lục Việt Nam.
“Choáng ngợp”, “khâm phục”, “thích thú” là những cảm xúc mà nhiều người có mặt tại buổi triển lãm của anh Long chia sẻ.
“Tôi choáng ngợp vì mức độ chi tiết, lung linh của các mô hình này được thể hiện rất công phu và tỉ mỉ. Những công trình này thường mất rất nhiều thời gian để làm ra, từng chi tiết phải biểu hiện ý tưởng kiến trúc của những người xây nó trước kia”, chị Lê Thị Linh người dân đế tham quan chia sẻ.
“Bản thân mình rất khâm phục người làm ra những công trình thu nhỏ này. Vì khi làm những tác phẩm này, tác giả mất rất nhiều công sức, thời gian và tình cảm. Ngoài ra, tác giả phải có đôi tay tài hoa mà tôi ví nó là đôi tay “phù thủy” mới làm được những mô hình đẹp hút hồn như thế”, anh Nguyễn Hoàng Tứ Quý một khách tham quan triển lãm cho biết.
Một số mô hình được anh Long thực hiện bằng tăm giang kết hợp với mica trưng bày tại triển lãm
“Sắp tới, tôi mong muốn phổ biến loại hình nghệ thuật này tới nhiều học sinh cấp 2, cấp 3, sinh viên đại học bằng cách cùng nhau thực hiện mô hình các công trình di sản kiến trúc. Các bạn sẽ làm ra những mô hình để học tập trực quan thay vì chỉ nhìn trên hình ảnh. Sau đó, tổ chức triển lãm giới thiệu đến bạn bè quốc tế về vật liệu tăm giang truyền thống, tay nghề của nghệ nhân Việt”, anh Long chia sẻ thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
Tăm giang là loại tăm làm từ cây giang thuộc họ tre nhưng có độ dẻo hơn tre bình thường.