Không phát hiện thuốc sâu trong mẫu cua đồng
Ngày 6/12, Cục an toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, không phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu trong các mẫu cua đồng được kiểm nghiệm trên địa bàn Hà Nội.
Sau thông tin cua đồng đánh bắt bằng thuốc trừ sâu từ các tỉnh miền Trung bán tại Hà Nội khiến người dân hoang mang, ngày 26/11, Cục An toàn thực phẩm chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội đã kiểm tra, lấy mẫu cua đồng và xét nghiệm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để xác minh liệu có dư lượng thuốc trừ sâu trong mẫu cua đồng hay không.
Theo đó, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã lấy mẫu 08 mẫu cua đồng tại 08 chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội để xét nghiệm dư lượng thuốc trừ sâu.
Các mẫu cua đồng được gửi về Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia để xét nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy không phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu trong 08 mẫu cua đồng.
Đừng “tẩy chay” cua đồng Theo các nhà khoa học, cua đồng rất giàu canxi, giàu đạm, chất béo và sắt... Trong 100g thịt cua đồng chứa 12,3% protid; 3,3% lipid; 5.040mg% Ca; 430mg% P; 4,7mg% Fe; 0,01mg% vitamin B1; 0,51mg% vitamin B2; 2,1mg% vitamin PP; 0,12mg% vitamin B6; 125mg% cholesterol; 0,25mg% melatonin... Theo Đông y, cua đồng có vị mặn, tính hàn, hơi độc, có tác dụng sinh phong liền gân nối xương; dùng trị nhiệt tà, bạt độc, trừ ghẻ lở và máu kết cục, giải được độc do thức ăn. Theo y học cổ truyền, cua đồng được dùng chữa trẻ nhỏ còi xương, chậm biết đi, chữa vết thương đụng dập, lở loét, tâm trạng bồn chồn, kém ăn, ít ngủ, giải nhiệt mùa hè, trị lở ngứa, viêm thận cấp, trướng bụng, chứng phù tim, sưng tấy… Cua đồng có nhiều calci phosphat nên rất tốt cho trẻ còi xương hay người bị loãng xương. |