Không nộp phạt vi phạm giao thông, bị từ chối đăng kiểm

Sự kiện: An toàn giao thông

Không ít tài xế có hành vi vi phạm Luật GTĐB cố tình trốn nộp phạt, kể cả những người bị camera của CSGT ghi hình phạt nguội rất bất ngờ khi bị đăng kiểm từ chối tiếp nhận đăng kiểm xe…

Không nộp phạt vi phạm giao thông, bị từ chối đăng kiểm - 1

Lái xe, chủ xe vi phạm và trốn nộp phạt sẽ không được tiếp nhận kiểm định (ảnh minh họa)

Đi đăng kiểm, lộ trốn nộp phạt vi phạm

Mới đây, tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-06V (Hà Nội), PV Báo Giao thông chứng kiến anh Hùng, chủ xe ôtô con 29T- 455... tỏ ra ngỡ ngàng khi bị từ chối tiếp nhận kiểm định phương tiện, cho dù đã xuất trình đầy đủ các giấy tờ cần thiết. Lý do được đơn vị đăng kiểm đưa ra là chiếc xe trên nằm trong danh sách dừng tiếp nhận kiểm định mà Cục Đăng kiểm VN thông báo trong toàn hệ thống đơn vị đăng kiểm. Nội dung thông báo nêu rõ, do người điều khiển xe BKS 29T-455... đã bị CSGT tỉnh Thừa Thiên - Huế lập biên bản vi phạm tốc độ, nhưng đã quá hạn nộp phạt mà chủ xe chưa chấp hành quyết định xử phạt.

"Khi có đề nghị của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan đăng kiểm sẽ cảnh báo, dừng tiếp nhận kiểm định phương tiện giao thông. Việc này đã được quy định cụ thể tại Thông tư 70/2015 của Bộ GTVT. Thời gian gần đây, lượng phương tiện bị đề nghị dừng kiểm định gia tăng, phần lớn do người điều khiển phương tiện vi phạm và không chấp hành nộp phạt vi phạm giao thông”.

Ông Ngô Hồng Hệ Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới

Xin xỏ mãi cũng không được, anh Hùng cho biết sẽ tìm cách để được nộp tiền phạt cho các cơ quan chức năng nếu không sẽ không được kiểm định xe và bị phạt thêm vì lỗi xe quá hạn kiểm định. “Cách đây nửa năm tôi bị CSGT ở Huế lập biên bản vi phạm tốc độ, tưởng bỏ lại GPLX là xong và “né” được. Không ngờ đến đơn vị đăng kiểm nào cũng bị từ chối”, anh Hùng trần tình.

Theo lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-06V, đây chỉ là một trong số hàng chục trường hợp xe ô tô bị đơn vị từ chối tiếp nhận kiểm định trong 3 tháng gần đây do không chấp hành nộp phạt vi phạm giao thông. “Các chủ xe đều ngỡ ngàng khi bị từ chối kiểm định, nhưng sau khi chúng tôi cho xem công văn của cơ quan chức năng, đa số đành chấp thuận. Khi các xe nằm trong danh sách của Cục Đăng kiểm VN thông báo dừng tiếp nhận kiểm định, các trung tâm đăng kiểm đều phải từ chối kiểm định cho đến khi được dỡ khỏi danh sách cảnh báo”, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm trên cho biết.

Có lẽ bất ngờ hơn là những chủ xe bị ghi hình “nguội” vi phạm và chỉ khi đưa xe đi đăng kiểm mới biết không được tiếp nhận đăng kiểm xe do chưa chấp hành nộp phạt. “Tôi mới mua lại chiếc xe khách 16 chỗ này nhưng chưa đi sang tên đăng ký nên chắc thông báo vi phạm, quyết định xử phạt “nguội” của CSGT Hà Nội gửi đến chủ cũ. Tôi đành đi nộp phạt rồi đưa xe đi kiểm định lại vậy”, tài xế xe BKS 29K- 697..., người đưa xe đi kiểm định tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02 V (Hà Nội) kể và công nhận từng có lần vượt đèn đỏ tại một ngã tư tại nội thành Hà Nội.

“Cửa chặn” vi phạm chây ì

Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 29-02V (Hà Nội), hầu hết trường hợp bị từ chối tiếp nhận đăng kiểm lần đ ầu rơi vào tình huống trên nên cũng có người phản ứng. Có những trường hợp trung tâm phải đề nghị Cục Đăng kiểm VN gửi các bằng chứng cụ thể, chủ xe mới chấp nhận. “Các đơn vị không được phép kiểm định các phương tiện đã được Cục Đăng kiểm VN đưa vào danh sách cảnh báo dừng tiếp nhận kiểm định trong toàn hệ thống. Vì vậy, trước khi tiếp nhận kiểm định phương tiện, chúng tôi phải tra cứu danh sách phương tiện bị cảnh báo dừng kiểm định. Phương tiện được cảnh báo dừng tiếp nhận cũng kèm theo hướng dẫn chủ xe cách giải quyết, như hướng dẫn đến đơn vị CSGT, TTGT cụ thể để chấp hành nộp phạt để được dỡ cảnh báo”, ông Toàn cho biết thêm.

Ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) thông tin, trong năm 2016 có hơn 2.800 trường hợp ô tô được đưa vào danh sách cảnh báo dừng tiếp nhận đăng kiểm trên toàn quốc. Do lượng phương tiện bị cảnh báo ngày càng nhiều nên hiện phòng phải giao 2 người chuyên thực hiện công việc trên.

“Đây là những trường hợp do các cơ quan quản lý Nhà nước ở Trung ương, các địa phương như: Tòa án, cơ quan thi hành án, CSGT, TTGT có văn bản đề nghị dừng kiểm định để yêu cầu chủ phương tiện thực hiện các nghĩa vụ liên quan. Khoảng 90% trong số dừng cảnh báo là do chủ phương tiện vi phạm pháp luật giao thông và quá hạn chấp hành việc xử phạt nhưng không nộp phạt”, ông Hệ nói và cho biết, sau khi cơ quan chức năng thông báo cho tiếp nhận đăng kiểm trở lại hoặc chủ phương tiện chứng minh đã hoàn thành nghĩa vụ của mình thì được tiếp nhận đăng kiểm trở lại.

Cũng theo ông Hệ, việc dừng tiếp nhận kiểm định các phương tiện không chỉ giúp cơ quan chức năng nâng hiệu quả xử lý đối với tài xế vi phạm Luật GTĐB mà còn giúp phát hiện ra một số trường hợp lái xe, phương tiện gây tai nạn. “Có trường hợp xe ở Thanh Hóa gây tai nạn rồi bỏ trốn, sau đó xe được bán cho nhiều chủ. Chiếc xe được đưa lên mạng cảnh báo và 3 năm sau khi xe được đi đăng kiểm, cơ quan công an đã truy tìm được người gây tai nạn để xử lý”, ông Hệ kể.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huy Lộc (Báo Giao thông)
An toàn giao thông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN