Không nhận người đồng tính: “Lan truyền tâm lý kỳ thị”
Quy chế đã khiến uy tín nhà trường bị tổn hại khá lớn, fanpage của trường bị cộng đồng xếp hạng ở mức thấp nhất.
Quy chế tuyển sinh của trường THCS, THPT Việt Anh.
Trường THCS và THPT Việt Anh (TP.HCM) vừa đưa ra quy chế tuyển sinh cho năm học 2016-2017. Theo quy chế, trường không nhận học sinh đồng tính hoặc bệnh nguy hiểm, lây nhiễm ở nội trú.
Uy tín nhà trường giảm sút
TS.Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, Trưởng Bộ môn Tâm lý học Ứng dụng, ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng, những quy định “kỳ quặc” này không nên xuất hiện trong tiêu chí tuyển sinh.
Theo TS. Hiếu, trường xếp đồng tính cùng với các bệnh nguy hiểm, bệnh truyền nhiễm là kỳ thị và xem đồng tính ngang hàng với các bệnh nguy hiểm.
Theo lý giải của nhà trường, không nhận học sinh đồng tính vào nội trú vì sợ các em có hành vi ôm nhau. Tuy nhiên, nếu cấm thì phải cấm cả tất cả chứ không riêng gì học sinh đồng tính. Việc phân biệt đối xử này khiến cộng đồng hiểu rằng, trường xem học sinh đồng tính ôm nhau là xấu, còn học sinh dị tính ôm nhau là bình thường.
Ngoài ra, theo TS. Hiếu, những cụm từ trong quy chế như "đưa đi khám bác sĩ", "nam ra nam, nữ ra nữ" khiến các bạn đồng tính cảm thấy bị xúc phạm. Do đó, nhà trường nên biết, không thể thay đổi xu hướng tính dục của con người và cũng không cần phải thay đổi và nên chấp nhận và tôn trọng họ.
Với những quy chế này, TS Hiếu cho rằng, sự việc sẽ khiến uy tín nhà trường bị tổn hại khá lớn, fanpage của trường bị cộng đồng xếp hạng rating 1 sao (mức thấp nhất) và rất nhiều comment gay gắt. Đây là một bài học kinh nghiệm sâu sắc về tính nhân văn và tính cởi mở của môi trường giáo dục ngày nay.
“Trường phải làm sao để mọi người cảm nhận là "trường lo cho các em" chứ không phải "trường kỳ thị và từ chối các em", Trưởng Bộ môn Tâm lý học Ứng dụng nói.
Do đó, theo TS.Hiếu, học sinh đồng tính nên được đảm bảo quyền ở nội trú. Chỉ khi em nào thấy ngại ở chung với các bạn cùng giới thì em đó có thể chủ động từ chối.
Theo TS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, những quy định kỳ quặc này không nên xuất hiện trong trường học.
Nếu trường lo một số em đồng tính "làm phiền" bạn cùng phòng, nên nhớ là không phải ai đồng tính cũng "làm phiền" người khác. Hơn nữa, trong môi trường nội trú, nam sinh dị tính còn "làm phiền" nữ sinh có khi còn nhiều hơn.
“Thế nên, quan trọng không phải cấm đồng tính vào nội trú mà là cách quản lý sao cho không phát sinh các hành vi tình dục không lành mạnh”, TS.Hiếu cho hay.
Lan truyền tâm lý kỳ thị trong trường học
TS.Vũ Thu Hương, Giảng viên Khoa Tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, giáo dục phổ thông dành cho tất cả học sinh nhưng trường THCS-THPT Việt Anh lại ứng xử khác.
Đây là nơi đào tạo ra các công dân tương lai nhưng lại đưa ra quy chế này khiến lan truyền tâm lý kì thị người đồng tính trong thế giới học đường.
“Việt Nam đã có luật công nhận hôn nhân đồng tính. Phải chăng nhà trường đã cố tình vi phạm luật, tạo tiền đề cho làn sóng kì thị người đồng tính và những bệnh nhân mắc bệnh nguy hiểm, truyền nhiễm?”, TS.Vũ Thu Hương đặt câu hỏi.
Theo bà Hương, một xã hội kì thị người đồng tính sẽ tạo ra những mâu thuẫn gây bất ổn làm giảm khả năng hòa nhập với thế giới trong thời điểm các nước có nhiều những chính sách ủng hộ hôn nhân đồng tính.
Bà Hương cho rằng, với một trường học, đây là cách ứng xử không được chấp nhận, bởi giáo dục hòa nhập và tôn trọng sự khác biệt của cá nhân là một trong những mục tiêu của trường.
Hơn nữa, nhà trường thực hiện thông báo này cũng không dễ dàng, bởi những học sinh đồng tính sẽ tìm cách che giấu. Những học sinh khác sống trong môi trường tồn tại sự kỳ thị sẽ gây khó khăn.
TS.Vũ Thu Hương, hiện nay, tất cả các trường THPT trong cả nước, hiện tượng người đồng tính không còn là xa lạ. Bởi ngoài những tiết học thông thường, một số trường đã tổ chức một số tiết ngoại khóa chuyên đề về giáo dục giới tính cho học sinh trong đó có nội dung rất quan trọng là chống kì thị người đồng tính.