Không nghĩ HS "thù" môn Sử đến thế!

Đó là tâm trạng của GS Văn Như Cương trước hình ảnh hàng trăm học sinh “xé đề cương” môn sử khi môn này không nằm trong danh sách thi tốt nghiệp.

Lẽ ra môn sử là môn thích thú

Ngày 6/4, trên các trang mạng xuất hiện đoạn clip ghi lại hình ảnh học sinh tập trung đồng loạt xé giấy, đề cương môn Lịch sử. Trong đoạn clip này, học sinh từ trên tầng 4 của ngôi trường la hét và tung giấy đã được xé vụn trắng xóa xuống sân trường. Địa điểm xé được cho là ở THPT Nguyễn Hiền (TPHCM).

Theo GS Văn Như Cương, đề cương này có thể do giáo viên hoặc tập thể nhà trường làm trước khi Bộ GD & ĐT công bố môn thi chính thức. Bởi có thể, người ta đoán rằng, kỳ thi tốt nghiệp có môn sử như các năm trước. Bộ GD & ĐT chỉ phát tài liệu cho học sinh 6 môn thi tốt nghiệp, những môn không thi như Lịch sử không có đề cương.

Không nghĩ HS "thù" môn Sử đến thế! - 1

GS. Văn Như Cương không nghĩ rằng học sinh thù ghét môn Sử đến mức độ xé đề cương như vậy

GS Cương cho rằng, trên thực tế, thi môn lịch sử khó “kiếm” điểm. Khi biết không phải thi tốt nghiệp môn này, học sinh vui mừng nên có những biểu hiện thái quá đến phản cảm. Tuy nhiên, đọc trên báo, có thông tin, không phải học sinh nào cũng “xé đề cương”, có những em xé giấy. Điều này hoàn toàn có lý, vì “làm gì có nhiều đề cương mà xé trắng như thế”.

Hình ảnh trên cho thấy học sinh khó khăn, không hứng thú với môn sử học. Ông nói: “Mặc dù vậy, Tôi không nghĩ rằng học sinh thù ghét môn Sử đến mức độ xé trắng đề cương như vậy”.

“Xé đề cương” chỉ diễn ra ở một trường phổ thông, không phải số nhiều nên theo GS. Văn Như Cương, chưa đủ căn cứ nói rằng thảm cảnh giáo dục như một số ý kiến trên báo chí. “Nếu căn cứ hiện tượng nhỏ này để nói về ngành giáo dục không được đúng lắm. Bản chất ở chỗ học sinh không thích học sử, nội dung sách giáo khoa, chương trình, trình độ giáo viên... tất cả chưa tạo được hứng thú cho học sinh”, ông Cương cho biết.

Đáng lẽ môn Lịch sử là môn học thích thú, những thứ đã qua được kể lại để rút ra bài học kinh nghiệm, lòng yêu nước... Nhưng học học sinh được học ở trường phổ thông các học con số, trận này xảy ra ngày nào, bắt sống bao nhiêu người, bắn bao nhiêu máy bay... gây chán nản cho học sinh.

Có ý kiến cho rằng, đây là biểu hiện rõ ràng nhất của tâm lý “học gì thi nấy”. Tại sao cả quá trình ba năm học có bao nhiêu môn, nhưng thi tốt nghiệp chỉ có 6 môn học. Học sinh chỉ học những môn trong diện thi tốt nghiệp. Học sinh sẽ không học và vứt tài liệu môn không thi.

GS Cương cho rằng: “Không thể thi hết tất cả các môn học. Khi nói học gì thi nấy không phải các môn đều phải thi. Chỉ nên lựa chọn một số các môn thi, nhưng vấn đề là chọn sao cho hợp lý”.

Không nghĩ HS "thù" môn Sử đến thế! - 2

Học sinh xé giấy và đề cương, vứt trắng sân trường

Cần nhìn lại nền giáo dục

Theo ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ứng xử của các bạn trẻ cho thấy cái lõi giáo dục, học chỉ để thi cử. Có thể một năm nào đó, thi sử, không thi môn khác lại có hện tượng xé đề cương. Giáo dục nước ta không thể hiện bản chất đào tạo nguồn nhân lực con người.

“Tôi rất thất vọng về giáo dục của chúng ta. Trách nhiệm không chỉ giáo dục, mà cả xã hội, trong đó có những người làm nghề như chúng tôi. Điều này đã nói nhiều lần, nhưng vẫn diễn ra, cho thấy đây là vấn nạn cần giải quyết căn cơ. Hội Sử học cùng ngành giáo dục có nhiều cuộc trao đổi nhưng có lẽ chưa chạm đến vấn đề cơ bản”, theo ông Quốc.

Quốc hội đã nhiều lần trao đổi, giáo dục đã khủng hoảng hay chưa, có cần những cuộc cải cách, hay cách mạng trong nền giáo dục không? Theo vị Tổng thư ký Hội Sử học, học sinh vui mừng “xé đề cương” là thêm bằng chứng thấy rằng, cần nhìn lại nền giáo dục Việt Nam.

Clip học sinh đồng loạt xé giấy, đề cương môn Lịch sử:

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN