“Không gọi 'thằng, con' nơi công sở"
“Vì những từ “thằng”, “con” trong tiếng Việt có sắc thái suồng sã, bỗ bã và thiếu tôn trọng”.
Xưng hô thân mật như trong gia đình theo kiểu "bác bác – cháu cháu"... là chuyện thường tại công sở. Nhiều ý kiến cho rằng, cách xưng hô “gia đình hóa” giúp đồng nghiệp nhanh chóng gần gũi nhau hơn. Nhưng cũng có người cho rằng, “chú chú – cháu cháu” tại công sở tiêu diệt tính độc lập của con người khi nêu ý kiến, triệt tiêu sự tranh luận, đối thoại. PV có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Kim Ngọc, Phó Trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, về vấn đề này. |
Trong giao tiếp hàng ngày, người Việt khi nói chuyện với người lớn tuổi thì gọi là: cụ, ông, bác, chú, cô, anh…; nói chuyện với người nhỏ hơn gọi là em, cháu... Vậy, cơ sở của lối xưng hô này xuất phát từ đâu, thưa bà?
PGS.TS Hoàng Kim Ngọc |
PGS.TS Hoàng Kim Ngọc: Lối xưng hô này có thể lí giải bằng nhiều nguyên nhân ngôn ngữ học và văn hoá - xã hội. Theo tôi, trước hết xuất phát từ cơ cấu tổ chức xã hội của làng xã cổ truyền Việt Nam.
Đó là tổ chức làng xã theo huyết thống, địa vực với nhu cầu cần bổ sung và hỗ trợ cho nhau trong công việc và cuộc sống đã dẫn đến khuynh hướng thân thuộc hoá mối quan hệ làng xóm bằng xưng hô. Do vậy, chúng ta thường thấy người Việt xưng hô với người trong xã hội như trong gia đình.
Cơ sở thứ hai là lối sống nặng về tình cảm của người Việt. Nguồn gốc văn hoá nông nghiệp với đặc điểm trọng tình đã dẫn người Việt Nam tới chỗ lấy tình cảm, sự yêu ghét làm nguyên tắc ứng xử: "Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng; Yêu nhau chín bỏ làm mười... Chính vì vậy, người Việt Nam muốn nhấn mạnh đến sự ràng buộc tộc họ bằng cách dùng từ thân tộc để xưng hô.
Thưa bà, có thể nhận thấy, phần lớn cách xưng hô nơi công sở hiện nay theo hướng gia đình hóa “bác bác - cháu cháu”, đồng nghiệp trẻ gọi người nhiều tuổi hơn như cha chú; đồng nghiệp lớn tuổi gọi người ít tuổi hơn như con cháu trong nhà. Bà nghĩ sao về cách xưng hô thân mật này? Liệu rằng, người trẻ có nghĩ mình là bậc con cháu mà mất đi sự tự tin không?
PGS.TS Hoàng Kim Ngọc: Người ít tuổi xưng hô với người nhiều tuổi như: “Thưa chú ...”, “Thưa cô ” là tôn trọng người lớn tuổi. Đó là truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Việt, “kính lão đắc thọ” mà.
Chẳng phải vì việc xưng hô này mà làm ảnh hưởng đến sức sáng tạo và sự tự tin của họ đâu, sự xưng hô phải đạo ấy chỉ làm gia tăng giá trị con người họ thôi.
Tôi lấy ví dụ, một vị giáo sư hết tuổi quản lí, thôi giữ chức hiệu trưởng trường đại học, về làm giảng viên bình thường ở một khoa chuyên môn. Người trưởng khoa này là học trò cũ vẫn gọi giáo sư là “thầy” xưng “em”.
Tôi không thấy vì sự xưng hô đó mà người trưởng khoa này bị giảm uy tín và vai trò lãnh đạo của mình. Tôi thấy không thể chấp nhận được nếu anh ấy gọi giáo sư là “ông” xưng “tôi” để thể hiện quyền uy của mình.
Tuy nhiên, vị giáo sư này không vì thế mà gọi “thủ trưởng” là “em” xưng “thầy”, ông sẽ gọi trưởng khoa bằng tên và xưng “mình” hoặc “tôi” để thể hiện sự tôn trọng.
Tại công sở, cần tránh từ ngữ xưng hô có sắc thái suồng sã và thiếu tôn trọng. (Ảnh minh họa)
Nhưng cách xưng hô “cha chú” ấy cũng dễ làm người nhiều tuổi có tâm lý kẻ cả, bề trên. Chắc hẳn, trong cơ quan công quyền hiện nay, không thiếu cảnh người dân đến làm việc khúm núm “bác bác – con con” như: “Bác cho con xin cái dấu đỏ”. Cách xưng hô nơi cơ quan hành chính như vậy làm người ít tuổi có cảm giác như đi xin, người nhiều tuổi như đi ban ơn, bà có nghĩ vậy không?
PGS.TS Hoàng Kim Ngọc: Theo tôi, người đến cơ quan hành chính giao dịch cần xưng hô lịch sự, đúng mực, hạn chế những từ thể hiện mối quan hệ họ hàng quá gần gũi như: dì, thím, con...
Còn trong trường hợp cụ thể này, tôi nghĩ, người đề nghị nói như thế cũng không sao nếu như họ thấy người mình cần gặp đáng tuổi bác, bởi nó thể hiện sự kính trọng, lễ phép, (có lẽ đây là một người miền Nam, tuy nhiên nếu xưng “cháu” trong ngữ cảnh này thì sẽ hợp lý hơn “con”, vì đúng mực hơn).
Sẽ thật khó nghe nếu người đó nói: “Chào ông, ông đóng cho tôi cái dấu”. Chúng ta đừng nghĩ rằng vì từ “con”, từ “cháu”, từ “xin” có trong lời đề nghị mà cho như thế là họ hạ mình và nhân viên hành chính sẽ nể tình mà đóng dấu không theo nguyên tắc đâu.
Tuy nhiên, trong công sở nói chung, cần tránh từ ngữ xưng hô có sắc thái suồng sã. Ví dụ, nếu cấp trên gọi cấp dưới là “thằng Ba”, “con Tám” hoặc “con A lùn”, “thằng B vẩu”, “C lé”,... thì tôi nghĩ là không nên. Vì những từ “thằng”, “con” trong tiếng Việt có sắc thái suồng sã, bỗ bã và thiếu tôn trọng.
Hơn nữa, nêu những khiếm khuyết cơ thể của con người ra để ghép với tên gọi là vô văn hóa và thiếu nhân văn. (Tôi còn nhớ 2 câu ca dao của người Việt đã bị chê là không hay: “Chồng hen lấy vợ cũng hen/ Đêm nằm cò cử như kèn thổi đôi”; “Chồng còng lấy vợ cũng còng/ Nằm phản thì chật nằm nong thì vừa”. Sở dĩ nó không hay vì thiếu tính nhân văn, lôi cái tật nguyền của người khác ra chế giễu là bất nhã).
Là người nghiên cứu về ngôn ngữ - văn hóa và thường giảng dạy, làm việc với người nước ngoài. Phó giáo sư thấy người nước ngoài đánh giá thế nào về cách xưng hô của người Việt nơi công sở?
PGS.TS Hoàng Kim Ngọc: Tôi thấy nhiều người nước ngoài thích cách xưng hô của người Việt. Một nhà báo phương Tây đã bày tỏ rằng, họ thấy thú vị về con người và văn hóa Việt thông qua từ xưng hô: “Dựa vào tuổi tác, mối quan hệ mà người Việt Nam lựa chọn cách gọi để vừa thể hiện sự tôn trọng, vừa thể hiện sự thân mật như với người trong gia đình, cách gọi này đem đến cho tôi cảm giác xã hội Việt Nam là một đại gia đình gắn bó”, nhà báo phương Tây nhận xét.
Vậy theo bà, trong công sở nên xưng hô như thế nào cho hợp lý và thuận tiện cho công việc, nhất là với người trẻ tuổi cần sự tự tin, sáng tạo?
PGS.TS Hoàng Kim Ngọc: Tôi nghĩ giao tiếp trong công sở hay giao tiếp nói chung, chúng ta cứ tuân thủ các yêu cầu của chuẩn mực giao tiếp. Cụ thể như: lịch sự, lễ phép, đúng mực, đúng vai giao tiếp, đúng hoàn cảnh và có tính khuôn mẫu trong văn hóa người Việt... thì chắc chắn cuộc giao tiếp sẽ tốt đẹp.
Có lẽ, mỗi người nên biết cách “thay vai giao tiếp” trong những hoàn cảnh khác nhau. Một người có thể sắm nhiều vai giao tiếp với cùng một đối tượng.
Chẳng hạn, có hai cô gái là bạn thân của nhau, hàng ngày nói chuyện suồng sã “mày – tao”. Nhưng nếu trong một hoàn cảnh công việc nhất định, chẳng hạn như trong một buổi họp chấm luận văn thạc sĩ, một người là thí sinh, một người là chủ tịch hội đồng chấm thi thì vai giao tiếp trong hoàn cảnh ấy phải thay đổi. Lúc này không thể gọi nhau “mày – tao” hoặc “cậu - tớ” trước cả hội đồng chấm thi được.
Cũng như vậy, trong các buổi lễ trang trọng, nghi lễ, trên diễn đàn phải gọi “ông", "bà” xưng “tôi”, trong họp Đảng thì gọi “đồng chí” xưng “tôi”, khi đi tham quan ăn uống, giải trí thì có thể xưng hô thân mật…
Ngôn ngữ Việt thể hiện văn hóa Việt. Tiếng Việt với các đại từ xưng hô phong phú đã diễn tả được nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau vô cùng tinh tế. Cách xưng hô trong ngôn ngữ Việt đã đóng góp một phần lớn vào sự lành mạnh của gia đình và xã hội người Việt.
Xin trân trọng cảm ơn Phó giáo sư!
"Sự nghèo nàn trong đại từ xưng hô ở trong câu “I love you” (tiếng Anh) dễ bị hiểu nhầm đã dẫn đến những quan hệ trái luân thường đạo lý. Chương trình truyền hình Jerry Springer ở Mỹ đã đưa nhiều trường hợp loạn luân của một số gia đình người Mỹ lên Đài truyền hình quốc gia". PGS.TS Hoàng Kim Ngọc |