"Không đưa "nghĩa vụ thay thế" vào Hiến pháp"

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu với báo chí bên lề Quốc hội về việc nhiều ý kiến cho rằng nên áp dụng “nghĩa vụ thay thế” bằng cách nộp tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: “Không quy định nghĩa vụ thay thế vào Hiến pháp vì Hiến pháp chỉ quy định nghĩa vụ cơ bản của công dân thôi, mà nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ và là trách nhiệm thiêng liêng cao quý của mỗi công dân cho nên quy định nghĩa vụ quân sự chứ không quy định nghĩa vụ thay thế. Còn sau này, Luật nghĩa vụ quân sự nếu tính vào thực tiễn để quy định trường hợp A hay trường hợp B một cách cụ thể thì tính để đưa vào trong luật, chứ không đưa vào Hiến pháp".

"Không đưa "nghĩa vụ thay thế" vào Hiến pháp" - 1

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (Ảnh: Xuân Hải)

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng nên áp dụng “nghĩa vụ thay thế” trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự bằng việc đóng tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ này, bên cạnh đó nhiều ý kiến cũng cho rằng quy định như vậy có thể trái với Hiến pháp, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Mỗi công dân có nghĩa vụ thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự, còn việc thực hiện nghĩa vụ quân sự có thay thế hay không thay thế thì phải tính vào điều kiện cụ thể. Vì một bên ta đang nói tới việc thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ của công dân, thiêng liêng và cao quý như vậy, mà đồng thời lại mở ra điều kiện thay thế trong Hiến pháp là không nên. Chúng tôi tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội không đưa vấn đề này vào Hiến pháp.

Thưa ông, hiện nay đang có hai ý hiểu khác nhau về "nghĩa vụ thay thế" trong thực hiện nghĩa vụ quân sự: Nộp tiền thì không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc những người không thực hiện nghĩa vụ quân sự thì phải làm nghĩa vụ khác. Ông có thể giải thích thêm không?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Cái đấy thì sau này sẽ tính, sau khi làm Luật nghĩa vụ quân sự sẽ tính cụ thể vì trong Luật nghĩa vụ quân sự quy định cụ thể những điều kiện để làm nghĩa vụ quân sự, thí dụ như tuổi, điều kiện gia đình, sức khỏe… Nếu như đáp ứng đủ các điều kiện đó thì thực hiện nghĩa vụ quân sự, còn nếu không đáp ứng những điều kiện đó thì không phải làm nghĩa vụ quân sự. Còn vấn đề có thay thế bằng hình thức gì khác thì phải tính thêm, phải có tổng kết đã chứ bây giờ tôi chưa thể nói cụ thể được.

Thưa ông, nếu được đóng tiền để không phải thực hiện nghĩa vụ quân sự thì liệu có hiện tượng thương mại hóa trong việc này?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Sau này khi sửa đổi bổ sung Luật nghĩa vụ quân sự trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành luật đó thì mình mới tính đến có trường hợp có thể thay thế nghĩa vụ quân sự bằng các nghĩa vụ khác không, chứ bây giờ trong Hiến pháp thì không nên.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Hải (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN