Không còn Hiến pháp ràng buộc, Nhật sẽ "ra tay" với TQ?
Tờ CNBC đặt câu hỏi, Nhật Bản diễn giải lại Điều 9 Hiến pháp để cho phép sử dụng quyền phòng vệ tập thể đã khiến Trung Quốc khó chịu, nhưng liệu sự việc này có khiến nguy cơ va chạm giữa hai nước trở nên cao hơn không?
Hồi đầu tuần, Nhật Bản đã xóa bỏ một lệnh cấm trong Hiến pháp hòa bình từ năm 1945, theo đó quân đội Nhật Bản giờ đây đã có thể sử dụng quyền phòng vệ tập thể để bảo vệ các đồng minh. Sự kiện này là một bước ngoặt lịch sử đối với quốc phòng Nhật Bản.
Động thái được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo đang tăng cao do những tranh chấp ở biển Hoa Đông và việc Trung Quốc đang trỗi dậy, ngày càng hung hăng với nhiều các nước láng giềng trong khu vực.
Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Sophia ở Tokyo, bà Tina Burrett, cho rằng thay đổi trên là cần thiết. Bà nói: “Trong một khu vực ngày càng nguy hiểm, không chỉ vì Trung Quốc và yêu sách lãnh thổ của nước này mà còn vì Triều Tiên và các cuộc thử nghiệm tên lửa, Nhật Bản cần có nhiều công cụ hơn trong 'hộp công cụ phòng vệ' của mình".
Bà Burrett nhận định: "Tôi không nghĩ thay đổi trên sẽ dẫn đến sự va cham giữa Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng động thái trên sẽ gặp phải phản ứng tiêu cực ở Trung Quốc và hiện tại [ở Trung Quốc] đã phát sinh những cáo buộc rằng Nhật Bản đang ngày càng hung hăng và chủ nghĩa dân tộc đang ngày càng gia tăng tại Nhật Bản”.
Nhiều người dân Nhật Bản không đồng tình với việc diễn giải lại hiến pháp.
Bà cho rằng, việc gỡ bỏ lệnh cấm "phòng vệ tập thể" giúp quân đội Nhật Bản có nhiều phương án hành động hơn và phù hợp hơn với quân đội của các nền kinh tế phát triển khác.
Ngoài ra, bên cạnh việc bỏ lệnh cấm "phòng vệ tập thể", chính phủ Nhật Bản cũng nới lỏng những hạn chế đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Do đó, ông Stephen Nagy, Phó Giáo sư tại Đại học Công giáo Quốc tế cho rằng mục đích của sự thay đổi này là nhằm phòng thủ và tăng cường mối quan hệ với các đồng minh.
Ông Nagy nói: "Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khẳng định rõ ràng là Nhật Bản sẽ không bao giờ trở thành một đất nước khơi mào chiến tranh một lần nữa. Và có những hạn chế nhất định trong việc diễn giải lại hiến pháp, đó là không được đưa quân đội tới các vùng chiến sự. Vì vậy, đó không phải là một khái niệm về tấn công mà là một khái niệm về phòng thủ, hợp tác với các quốc gia khác”.
Ông Tony Nash, Phó Chủ tịch của Tổ chức nghiên cứu kinh tế Delta Economics, cũng có nhận định tương tự khi cho rằng, động thái trên nên được nhìn nhận trong bối cảnh ông Abe đang có kế hoạch hiện đại hóa Nhật Bản, cũng như muốn hỗ trợ đồng minh quan trọng là Mỹ.
Ông Nash nói: "Nhìn qua có thể thấy nó mang chủ nghĩa dân tộc, nhưng những gì mà ông Abe đang làm là tạo ra một bản sắc mới cho Nhật Bản khi ông đang hiện đại hóa đất nước”.
"Ngoài ra, nhìn vào những động lực của “trục châu Á” của Mỹ và việc quân đội Mỹ đang bị cắt giảm ngân sách, có thể thấy, động thái trên là điều không thể tránh khỏi”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, đây là một chủ đề nhạy cảm, không chỉ với người dân Nhật Bản mà còn với châu Á, nơi những kí ức về chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ II vẫn còn rất sâu đậm.