Không có sự thay đổi về độc lực của virus sởi

Sự kiện: Dịch sởi

Chủ tịch Hội đồng chuyên môn phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế khẳng định, đến nay chưa phát hiện có biến đổi gen và các týp sởi lưu hành tại Việt Nam và không có sự thay đổi nào về độc lực của virus sởi.

Hiện nay có nhiều trẻ mắc sởi có  diễn biến rất “lạ”. Trẻ mắc sởi sáng nhập viện vẫn chơi đùa nhưng chiều đã thở gấp, tối phải thở máy. Có bé rút được máy thở sau 10 ngày nhưng vẫn tử vong. Những trẻ ca bệnh  “lạ” này khiến các chuyên gia không thể dự đoán được.

Trao đổi với phóng viên, PGS. TS. Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn phòng chống dịch bệnh, Bộ Y tế cho biết, đến nay chưa phát hiện có biến đổi gen và các týp sởi lưu hành tại Việt Nam.

Ông Kính khẳng định, không có sự thay đổi nào về độc lực của virus sởi hoặc cũng có thể do trùng lặp ngẫu nhiên giữa sởi với các bệnh đường hô hấp do các vi khuẩn và virus khác, khiến làm tăng nguy cơ tử vong trên trẻ mắc sởi.

Không có sự thay đổi về độc lực của virus sởi - 1

Một trẻ mang virus sởi, sẽ có nguy cơ lây sang nhiều trẻ khác

“Tôi lo ngại về việc nhiễm vi khuẩn đa kháng sinh tại bệnh viện, khiến cho “vũ khí” kháng sinh bị vô hiệu hóa, không thể cứu chữa cho trẻ.”, ông Kính nói.

Để đánh giá độc lực của virus sởi rất khó dựa vào quan sát trên một bệnh nhân hay vài bệnh nhân. Đối với trẻ tử vong, không thể xác định nguyên nhân tử vong một cách dễ dàng được. Số trẻ tử vong vì sởi năm nay đúng là bất thường so với 10 năm gần đây nhưng các nhà khoa học chưa có đủ chứng cứ để nói động lực của virus sởi năm nay độc hơn mấy năm trước.

(Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, Sydney, Úc).

Ông Kính lý giải, một trẻ mang virus sởi, sẽ có nguy cơ lây sang nhiều trẻ khác. Những virus, vi khuẩn khác cũng có khả năng lây truyền. Ngoài ra, mỗi trẻ còn kèm theo 2-3 người lớn đi cùng, trở thành kênh lây truyền virus nói chung và virus sởi nói riêng.

Ông Kính cho biết, để đối phó với sự suy giảm miễn dịch nhanh chóng, đồng nhiễm nhiều virus một cách bất thường của bệnh nhi mắc sởi, Bộ đã yêu cầu Hội đồng chuyên môn họp bàn và bổ sung phác đồ điều trị sởi cho phù hợp. Chẳng hạn như: sử dụng thuốc tăng cường miễn dịch cho trẻ mắc sởi khi trẻ có các biểu hiện suy hô hấp, nhằm “vực” nhanh sức đề kháng của trẻ.

Theo PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, đến thời điểm hiện tại cũng có 2 ca mắc sởi, suy giảm miễn dịch rất “lạ”.  Sự suy giảm miễn dịch ở 2 trẻ này không phải ở giai đoạn đầu của bệnh mà cả giai đoạn sau nữa.

Không có sự thay đổi về độc lực của virus sởi - 2

PGS. TS. Nguyễn Văn Kính khẳng định, không có sự thay đổi về độc lực của virus sởi

PGS Dũng cho biết, đối với những ca có diễn biến “lạ”, nhiều cháu có thể suy giảm miễn dịch cả tháng.  Các bác sĩ không thể dự đoán được được diễn biến của bệnh. Bởi ngay cả khi bệnh nhân đỡ rồi cũng phải theo dõi kỹ, không nên chủ quan.

Theo BS Dũng,  điều “lạ” ở dịch sởi  năm nay không giống với những năm khác. Những năm trước bác sĩ Dũng từng chứng kiến nhiều trẻ mắc sởi bị hoại tử, mù lòa, tiêu chảy, suy sinh dưỡng... nhưng năm nay, dịch sởi diễn biến còn đặc biệt hơn, nhất là có nhiều ca sởi gây biến chứng viêm phổi rất nặng. Dù các bác sĩ đã điều trị tăng cường miễn dịch, dùng kháng sinh ngay từ đầu nhưng tình trạng bệnh của trẻ vẫn rất nặng.

Theo các chuyên gia, đến nay biện pháp tiêm vắc xin vẫn là biện pháp bảo vệ trẻ an toàn nhất. Nó không chỉ có lợi cho cá nhân người được tiêm mà còn cho cả cộng đồng.

Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đến hết ngày 22/4/2014, cả nước ghi nhận thêm 46 trường hợp mắc sởi xác định trong số 219 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 25 tỉnh, thành phố. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 3.527 trường hợp mắc sởi xác định trong số 9.692 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 119 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Dịch sởi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN