"Không có quyền cấm uống rượu bia sau 10h đêm"

"Quy định cấm uống rượu bia sau 10h đêm của Bộ Y tế đồng nghĩa với việc cấm uống rượu bia hoàn toàn".

Bộ Y tế vừa ban hành dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia. Theo đó, người bán rượu bia sau 10h đêm có thể bị cấm. Thậm chí, người uống rượu sau 10h đêm cũng có thể bị phạt. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi có cuộc trao đổi với TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Thưa ông, trước đây, Bộ Y tế đưa ra Luật Phòng chống tác hại thuốc lá. Luật này đã có hiệu lực thi hành nhưng tính khả thi còn hạn chế, nay Bộ Y tế lại đề xuất cấm bán rượu bia sau 10h đêm. Là người làm trong cơ quan lập pháp, ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?

Đây là chủ trương đúng nhưng Bộ Y tế cần nghiên cứu một cách toàn diện để khắc phục những hạn chế về tính khả thi như Luật phòng chống tác hại thuốc lá đax đươc Quốc hội ban hành mà vẫn nhiều người hút thuốc lá tại nơi công cộng nhưng không có tổ chức, cá nhân nào xử lý, tính tuân thủ pháp luật rất thấp,  do công tác tuyên truyền vận động hạn chế.

Về quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ quy định cấm uống rượu, bia nhưng chỉ là khi đang tham gia giao thông hoăc trong giờ làm việc vì thuốc lá, rượu bia đều ảnh hưởng đến sức khỏe, gây tai nạn hoặc làm mất trật tự xã hội, đôi khi còn xảy ra bạo lực gia đình. Tuy nhiên, đây là thói quen của người Việt nên cấm hẳn nhanh quá sẽ rất khó mà phải làm chuyển biến từ nhận thức, có bước đi phù hợp, lấy ý kiến rộng rải trong nhân dân, tạo sự đồng thuận cao, để khi ban hành có tính khả thi trong cuộc sống.

Bộ Y tế giải thích, đề xuất cấm bán rượu sau 10h đêm để tránh mất an ninh trật tự, giảm tai nạn giao thông?Vậy lý do Bộ Y tế đưa ra có thuyết phục, thưa ông?

Cả hai lý do Bộ Y tế đưa ra đều không thuyết phục mà chỉ là đúng trong từng trường hợp, từng địa điểm, từng đối tượng cụ thể. Cấm bán rượu không phải là hạn chế tai nạn giao thông mà cấm uống rượu trong khi điều khiển phương tiện giao thông và trong giờ làm việc mới là giải pháp ngăn chặn tai nạn có thể xảy ra. Người ta nghỉ quyền người ta được uống có quyền gì mà cấm, cấm làm sao được điều này không thuyết phục.

"Không có quyền cấm uống rượu bia sau 10h đêm" - 1

Quy định cấm uống rượu bia sau 10h đêm đồng nghĩa với việc cấm uống rượu bia hoàn toàn? (Ảnh minh họa)

Hiện tại chưa ban hành luật phòng chống tác hại rượu bia mà phải định hướng dần phòng chống tác hại rượu bia là cần thiết, có thể ban hành Nghị định trước khi đủ điều kiện thì luật hoá. Lâu nay tai nạn giao thông, gây rối trật tự xã hội, bạo lực gia đình do ảnh hưởng từ rượu bia là những điều cần thiết phải nghiên cứu xem xét để có chế tài xử lý. Tuy nhiên vấn đề quan trọng là ra nghị định này phải phù hợp với hệ thống pháp luật và các chế tài quy định có tính khả thi.

Hơn nữa, khi có nghị định, quá trình tổ chức triển khai thực hiện phải nghiêm túc, cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật phải cương quyết thực hiện và xử lý đúng quy định. Nâng cao tính thượng tôn pháp luật của người dân.

Có ý kiến cho rằng, cấm bán rượu bia sau 10h đêm, xử phạt người uống rượu sau khung giờ này không có căn cứ. Ông nghĩ sao?

Nếu quy định người uống rượu bia sau 22 giờ phạt là vô lý. Cái thứ nhất, cơ quan chức năng dựa vào đâu để phạt? Dựa vào mùi bia rượu hay dựa vào nồng độ cồn để phạt. Và liệu sau 22h, nồng độ còn tác dụng hay còn đo đếm được hay không. Do đó, Bộ Y tế phải cân nhắc kỹ.

Theo tôi được biết, trong Luật phòng chống tác hại rượu bia chỉ cấm người uống rượu bia trong giờ làm việc, đang điều khiển phương tiện giao thông. Còn sau 22 giờ cấm thì gần như là cấm cả ngày không được uống điều này không khả thi.

Chính vì vậy, cơ quan chức năng xử lý uống rượu sau 10h đêm đồng nghĩa với việc cấm uống rượu bia hoàn toàn.

Có ý kiến cho rằng, ở những điểm du lịch lớn cũng cần những dịch vụ về đêm để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Ông có nghĩ rằng, có quá nhiều quy định cấm về ban đêm có ảnh hưởng đến phát triển du lịch?

Theo tôi, cấm bán hàng về đêm sẽ ảnh hưởng đến du lịch. Nếu cấm bán rượu bia sau 10h đêm, các cơ quan chức năng nên khoanh vùng. Bình thường chỉ nên cấm uống rượu về đêm ở những nơi công cộng, còn nơi du lịch nên khoanh vùng lại. Nơi du lịch, nơi ăn chơi phải cho phép người ta uống rượu sau 10h đêm.

"Không có quyền cấm uống rượu bia sau 10h đêm" - 2

TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Muốn phát triển du lịch, muốn người ta đến mà cấm bán rượu sau 10h đêm khác nào cấm 12h đêm không được ngủ.

Trên thực tế đã từng có chuyện uống rượu ở vũ trường sau đó gây rối trật tự công cộng. Vì vậy có ý kiến cho rằng, đề xuất này sẽ giúp giảm các hiện tượng trên, thưa ông?

Bộ Y tế không được lấy lý do quán bar, vũ trường gây rối loạn trật tự để đề xuất cấm bán rượu bia trên cả nước. Trên thực tế, nhiều người có nhu cầu mua rượu, uống rượu lúc đêm nên tính khả thi trong đề xuất này không cao. Nếu cấm nhà hàng, quán bar, vũ trường bán rượu thì có tính khả thi cao hơn. Bộ Y tế không được lấy nhóm (vũ trường, quán bar) để làm luật chung cho cả nước.

Vậy theo ông, Bộ Y tế cần quy định cấm uống rượu bia như thế nào để sát với thực tiễn hơn?

Muốn đi vào cuộc sống trước hết phải cấm những gì người dân thấy bức xúc như: xử lý người điều khiển phương tiện giao thông uống rượu gây hại cho người khác và cho bản thân. Cấm ngay người uống rượu bia khi đang làm việc, khiến năng suất lao động giảm, ảnh hưởng đến người khác, không tốt cho sức khỏe.

Theo tôi, Bộ Y tế cần quy định cấm uống rượu bia đúng đối tượng, đúng mục tiêu, sát thực với thực tiễn cuộc sống. Nên thăm dò ý kiến, giải thích, tạo sự đồng thuận cho nhân dân.

Trong dự thảo nên quy định nhóm nào cấm hoàn toàn và chế tài xử lý phải mạnh, còn nhóm khác khuyến khích để người ta thấy được việc uống rượu ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn xã hội, an toàn giao thông.

Đây là quy định đúng nhưng thể hiện tinh thần khuyến khích vận động để chính người dân họ tự chuyển biến.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Phượng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN