Không có chuyện phạt xe không chính chủ
Đại diện phòng CSGT Hà Nội khẳng định không có chuyện xử phạt xe không chính chủ. Đây là cách "hiểu sai thuật ngữ".
Những ngày qua, thông tin xử phạt xe không chính chủ đang khiến nhiều người bất an. Trong đó, nhiều sinh viên, học sinh lo lắng rằng, khi mượn xe của người thân, gia đình, nếu bị CSGT kiểm tra, sẽ phiền toái, mất thời gian. Một số người nói rằng không dám đi xe ra đường vì sợ không chứng minh được xe do mình mượn, sẽ bị phạt.
Sáng nay, 12/11, trả lời chúng tôi, Trung tá Lương Đình Hợi (Đại diện phòng Khám nghiệm và Tuyên truyền - Phòng CSGT TP. Hà Nội) cho biết, không có chuyện đi xe không chính chủ bị phạt. Đưa thuật ngữ như vậy là không chính xác. Trong quy định pháp luật, chỉ xử phạt với những trường hợp đi xe qua mua, bán, cho, tặng nhưng không chuyển quyền sở hữu phương tiện.
"Học sinh, sinh viên hay người đi xe mượn yên tâm, sẽ không gặp phiền phức nào hết!" - Trung tá Hợi nhấn mạnh.
Đã lái xe ra đường là phải mang theo giấy đăng ký xe. Người đi xe không chính chủ hiện nay rất đông, ai cũng nói rằng xe mình mượn. Làm sao để xác định được ai đi xe "mua bán, cho tặng"?
Điều đó thông qua biện pháp nghiệp vụ của cơ quan công an để kiểm tra, đánh giá. Bằng cách rà soát lại những người mua bán phương tiện. Người mượn xe phải có trách nhiệm chứng minh không phải là xe mua bán, cho tặng. Ví dụ chứng minh xe mượn của bố, mẹ, anh chị, bạn bè...
Nhưng nếu ai cũng phải kiểm tra, xác minh liệu có làm mất thời gian, gây rắc rối?
Trên thực tế, những người đi xe của gia đình như bố mẹ, anh, chị em..., thường thì địa chỉ ghi trong giấy phép lái xe, CMND và đăng ký xe sẽ trùng nhau. Khi CSGT kiểm tra, sự trùng khớp đó là một cách để chứng minh.
Thời gian tới, học sinh, sinh viên xa nhà mang xe đi nên làm giấy ủy quyền sử dụng - Trung tá Lương Đình Hợi nói
Nếu xe mượn mà địa chỉ không trùng khớp. Vì mỗi người trong gia đình ở một nơi, hoặc bạn bè mượn của nhau, và nhiều trường hợp mượn khác...?
Trường hợp trên giấy tờ không thể hiện sự trùng khớp địa chỉ hộ khẩu, theo tôi, thời gian tới, người cho mượn xe có thể viết giấy ủy quyền sử dụng (cho mượn). Tất nhiên giấy này phải được công chứng, hoặc xác nhận chính quyền địa phương nơi cư trú. Ví dụ như trường hợp mình đi công tác lâu ngày, cho bạn mượn xe.
Nếu xe đăng ký trên địa bàn Hà Nội, tất cả dữ liệu đã được chúng tôi quản lý hết. Chúng tôi có thể dùng nghiệp vụ để rà soát, xác định xe do mua bán hay mượn của người nhà. Còn đối với xe tỉnh ngoài, có thể còn khó khăn.
Cho nên học sinh, sinh viên học tại Hà Nội, mang xe của gia đình lên Thủ đô sử dụng lâu dài, nên làm giấy ủy quyền sử dụng. Như vậy sẽ đỡ mất thời gian của chính người sử dụng xe để chứng minh và thuận tiện cho lực lượng chức năng kiểm tra, rà soát.
Nếu mượn xe trong thời gian ngắn (trong ngày, thi thoảng) thì sao? Ví dụ hôm nay xe tôi hỏng, mượn tạm xe bạn đi làm?
Theo tôi, ngoài xe và giấy đăng ký xe, có thể mượn thêm các loại giấy tờ khác của chủ xe như CMND, GPLX, bảo hiểm. Đây là những thứ có thể chứng minh rằng xe do mình đi mượn, và không cơ quan chức năng nào làm khó mình được.
Một số độc giả đặt câu hỏi, nếu cho mượn cả chì lẫn chài như vậy có sợ người ta lừa bán mất xe?
Đã cho mượn thì phải có niềm tin. Không tin thì không cho mượn. Không ai dại gì cho một người không quen, không biết tung tích ở đâu để cho mượn cả. Mặt khác, theo pháp luật, người mượn không có quyền bán xe đó cho ai vì giấy tờ đó chỉ chứng minh xe do anh ta mượn chứ không phải xe đã là của anh ta.
Nếu thời điểm đó, chưa đủ điều kiện chứng minh xe mình mượn? Ví dụ: Sáng mượn xe, bạn chưa kịp đưa đủ giấy tờ cho mình ngoài giấy đăng ký xe thì làm thế nào?
Lúc đó CSGT có thể lập biên bản tạm giữ giấy đăng ký xe và cho đi, hẹn sau đó người điều khiển xe quay lại giải quyết. Sau khi mang đủ giấy tờ chứng minh điều đó, người làm nhiệm vụ sẽ ghi vào biên bản là đã xuất trình đầy đủ giấy tờ.
Thực tế hiện nay có những trường hợp bị lập biên bản tạm giữ giấy tờ, đã không quay lại giải quyết nữa. Có người còn cho rằng, họ có thể làm lại giấy tờ khác. Bởi chúng ta chưa có hệ thống rà soát việc này. Trong trường hợp nói trên cũng vậy. Ông nghĩ sao?
Quả thật là vẫn có một số người như vậy. Tất cả trường hợp bị giữ đó, lâu nay, chúng tôi đều gửi thông báo đến địa chỉ ghi trong giấy tờ, yêu cầu đến giải quyết. Nếu vẫn không đến, chúng tôi sẽ gửi thông báo cho cơ quan quản lý địa phương và đề nghị không cấp lại các giấy tờ trên cho người đó nữa.
Nếu giấy phép lái xe mô tô, một vài người có thể sang địa phương khác học và lấy giấy phép khác. Điều này vẫn còn khó quản lý. Nhưng riêng giấy đăng ký xe, nếu đã bị gửi thông báo thì không thể cấp lại được. Còn nếu cơ quan địa phương nào đã nhận được thông báo đề nghị mà vẫn cấp, để xảy ra vấn đề gì thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.
Hiện nay, liệu người dân đã kịp thực hiện đầy đủ những quy định, thủ tục để chứng minh xe của mình không phải là "mua bán, cho tặng" chưa sang tên?
Quy định xử phạt những người đi xe mua, bán, cho, tặng nhưng "không làm thủ tục sang tên đổi chủ" không chỉ từ khi có Nghị định 71 mà các văn bản pháp luật liên quan của Nhà nước đã quy định từ rất lâu rồi.
Điều này nhằm siết chặt quản lý, ví dụ để tránh đi xe gây tai nạn, hoặc vi phạm pháp luật khiến cơ quan chức năng không thể xác định được. Những năm qua, quy định xử phạt này ít được quan tâm và còn nhiều khó khăn.
Hiện nay do mới áp dụng chế tài xử phạt nặng, có thể gây ảnh hưởng đời sống kinh tế của người sử dụng phương tiện. Cho nên lực lượng làm nhiệm vụ chỉ mới nhắc nhở. Tuy nhiên, về lâu dài, việc tăng mức phạt là cần thiết, sẽ tác động tới ý thức tuân thủ quy định pháp luật về việc mua bán phải sang tên