"Không có chữ 'Trung Quốc' nào trong dự thảo luật đặc khu"

“Mình phải mạnh dạn làm. Làm thận trọng là đúng nhưng không vì thế mà không làm”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng trao đổi với phóng viên liên quan đến vấn đề đặc khu kinh tế, đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau.

Bộ KH&ĐT là cơ quan soạn thảo dự án Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế). Trước nhiều ý kiến gần đây về đặc khu, trao đổi với phóng viên bên lề Quốc hội sáng 6/6, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, cơ quan soạn thảo, thẩm tra cũng đã nói rất nhiều và quyền quyết định thuộc về Quốc hội.

Trước thông tin dư luận phản ứng vì “gắn yếu tố Trung Quốc”, ông Dũng khẳng định, trong dự thảo Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt “không có một chữ nào về Trung Quốc hết".

"Không có chữ 'Trung Quốc' nào trong dự thảo luật đặc khu" - 1

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

"Dự thảo không có một chữ nào về Trung Quốc, chỉ có những người cố tình hiểu theo hướng đó và đẩy vấn đề lên. Luật quy định bình đẳng trong một môi trường chung, với tất cả thành phần kinh tế và với tất cả các quốc gia. Trong môi trường hội nhập quốc tế, ta phải bình đẳng, không phân biệt, không hạn chế người này người khác”, ông Dũng khẳng định.

“Không một ai có thể vào đây làm việc gì khi đất nước ta đang có chủ quyền”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

“Có một số người đang hiểu sai, thậm chí cố tình hiểu sai. Những góp ý đúng, các cơ quan soạn thảo phải cầu thị lắng nghe, tiếp thu chỉnh sửa. Cái gì chưa rõ thì cơ quan soạn thảo giải trình, giải thích. Còn có người cố tình đẩy câu chuyện này lên.

“Chúng ta phải làm khách quan, nếu không sau này phải trả lời lại. Trong thời khắc lịch sử, ai là người phải chịu trách nhiệm, không phải cứ nói cho sướng mồm không có suy nghĩ, tư duy. Cái gì cũng sợ thì không làm được”, ông Dũng nói.

Bộ trưởng KH&ĐT lấy ví dụ, năm 1988, khi Trung Quốc mở đặc khu Thẩm Quyến cũng có rất nhiều ý kiến. Thời điểm đó, ông Đặng Tiểu Bình đã nói: “Thôi, hãy làm đi, không bàn nữa”. Năm 1992, cũng có những ý kiến về đặc khu, Đặng Tiểu Bình lại nói câu trên.

"Và bây giờ câu đó của ông Đặng Tiểu Bình được khắc trên bia đá ở Thẩm Quyến. Cái gì hay mình phải học, bất kể là học ai. Trung Quốc hay mình cũng phải học Trung Quốc. Chúng ta có chủ quyền, có độc lập, có trí tuệ thì sao cái gì cũng sợ. Phải chú ý lắng nghe nhưng đừng có quá sợ.”, ông Dũng nhấn mạnh.

“Mình phải mạnh dạn làm đi. Cái gì cần chặt chẽ thì thiết kế cho chặt chẽ. Làm thận trọng là đúng nhưng không vì thế mà không làm”, ông Dũng cho hay.

Trước câu hỏi có thể giảm thời gian cho thuê đất trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc từ 99 năm xuống còn 70 năm hay không, Bộ trưởng Dũng cho biết: “Việc này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Nếu có thể, chúng ta thiết kế điều kiện chặt chẽ hơn, thế nào là đặc biệt, thế nào là thật đặc biệt, thế nào mới được phép? Thứ hai là quy trình chặt chẽ và thẩm quyền phải cao hơn”.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, khi dẫn lời đại biểu Quốc hội, cho rằng chỉ nên thí điểm trước với một đặc khu, ông Dũng nói: “Cái đó tôi không có quyền”. Ông cũng nói thêm, việc này phải khách quan, công tâm, bình tĩnh, trí tuệ, bản lĩnh, không nên dẫn dắt sai dư luận, không thì về sau có lỗi với lịch sử.

Nói về cảnh báo không đánh đổi quốc phòng an ninh với kinh tế mà đại biểu Quốc hội nêu trước đó, ông Dũng nói: "Có ai đánh đổi không? Trong thiết kế luật không hề có chủ đích đánh đổi quốc phòng an ninh lấy kinh tế, không có điều nào nói về điều đó. Đó là nguyên tắc số một khi thiết kế luật này. Nguyên tắc số 1 phải đảm bảo quốc phòng an ninh".

Đại biểu lo ”nước ngoài mua đất đặc khu”, Bộ trưởng TN-MT nói gì?

Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà khẳng định không có việc người nước ngoài mua đất đặc khu, nếu có là vi phạm pháp luật...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Luân Dũng (Tiền Phong)
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN