Không có chỉ thị ép dân dùng Quốc hoa
“Nếu sen hồng trở thành Quốc hoa, nó sẽ được dùng rộng rãi hơn. Nhưng không có quy định nào bắt buộc người dân phải dùng hoa sen”.
Đó là ý kiến của ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ VHTTDL), Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam – đơn vị soạn thảo Đề án Quốc hoa Việt Nam.
Ngày 11/3, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để lựa chọn Quốc hoa Việt Nam. Thủ tướng yêu cầu việc lựa chọn Quốc hoa cần có hình thức thích hợp để đông đảo nhân dân trong cả nước lựa chọn, suy tôn.
Không ép dùng Quốc hoa
Ông Vi Kiến Thành cho biết, mục đích chọn Quốc hoa là để có một biểu tượng tinh thần, văn hóa, bên cạnh biểu tượng về chính trị khác như Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca...
Theo ông Thành, có Quốc hoa, chúng ta không mất mát gì, nhưng có nhiều lợi ích cho quốc gia, dân tộc. Đó là lợi ích về mặt văn hóa, tinh thần, giáo dục... Bên cạnh đó, Quốc hoa góp phần quảng bá hình ảnh đất nước với thế giới. Ví dụ, bạn bè nước ngoài đến Việt Nam, tặng họ bó hoa sen (nếu là Quốc hoa), mời uống trà và những sản phẩm từ sen... sẽ để lại ấn tượng khó phai. Hoặc Nhật Bản mang hoa Anh đào đi triển lãm ở các nước khác, trong đó có Việt Nam. Hoa sen cũng có thể làm vậy - một cách để giới thiệu văn hóa Việt Nam.
Tháng 11/2011, Bộ VHTTDL đã công bố khảo sát lấy ý kiến bình chọn quốc hoa, hoa sen chiếm ưu thế hơn cả với 62,2% phiếu bầu. Điều đó cho thấy, đa số người dân ủng hộ hoa sen. Tuy nhiên, cũng có nhiều đề xuất các loại hoa khác, mang giá trị về mặt tinh thần.
Bản thân ông Thành cũng ủng hộ hoa sen, bởi thẩm mỹ và tạo hình của hoa Sen đặc biệt là ý nghĩa nhân văn hàm chứa trong hoa sen rất phù hợp với Quốc hoa. Hoa sen màu sắc đẹp, hồng phớt ở đầu cánh, trắng dần xuống phía dưới, ở giữa là nhụy vàng. Màu sắc gợi được nhiều liên tưởng đẹp mỗi khi nghĩ đến. Hoa sen không chỉ đẹp, mà ẩn chứa nhiều hình ảnh thiêng liêng, thể hiện cốt cách của người Việt Nam: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.
Trong thực tế, hoa sen đang dần đi vào đời sống (Ảnh minh họa)
Thực tế thời gian qua, hoa sen đang dần đi vào đời sống để khẳng định là Quốc hoa. Nhiều sự kiện lớn của đất nước, sen hồng được lựa chọn trở thành biểu tượng. Tổng cục Du lịch Việt Nam, hãng hàng không Vietnam Airlines... chọn sen hồng làm hình ảnh của logo.
“Nếu sen hồng trở thành Quốc hoa, nó sẽ được dùng rộng rãi hơn. Nhưng không có quy định nào bắt buộc người dân phải dùng hoa sen. Quốc hoa chỉ là biểu tượng tinh thần, biểu tượng văn hóa, người dân tự nguyện sử dụng không ép buộc”, ông Thành nói.
Ông Thành cho hay, ở Nhật Bản, hoa Anh đào đến mùa, người dân đến chơi, chụp ảnh, tổ chức lễ hội, coi như niềm vui hạn phúc thiên nhiên ban tặng. Quốc hoa nước ta có thể sử dụng ở các dịp lễ lớn, họa tiết chính trong chiếc áo dài Việt Nam nếu áo dài trở thành lễ phục... không có chuyện áp đặt dùng Quốc hoa.
Ai phê duyệt Quốc hoa?
Ông Vi Kiến Thành cho rằng, không nhất thiết phải có văn bản nào phê duyệt Quốc hoa. Ví dụ như ở Nhật Bản, người dân tự coi hoa Anh đào là Quốc hoa, không có văn bản nào nói rằng, từ giờ phút này, hoa Anh đào là Quốc hoa của Nhật Bản.
Do vậy, theo ông Thành, ở Việt Nam cũng vậy, để loài hoa đã được chọn nhiều nhất tự đi vào đời sống xã hội, trở thành Quốc hoa.
Hiện nay, hoa sen được sử dụng rộng rãi qua các hình thức trong cuộc sống như loogo du lịch, máy bay, họa tiết áo dài Việt Nam... Dần dần những buổi lễ, hội ở địa phương, nhiều nơi chọn hoa sen trang trí. Không cần phải đợi văn bản, hoa sen sẽ dần đi vào cuộc sống, đến một thời điểm nào đó, mặc định thành Quốc hoa trong lòng dân.
Theo đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, cần phải có quy chế về đơn vị phê duyệt Đề án Quốc hoa.
Theo ông, trong điều kiện nước ta hiện nay không có công cụ bầu chọn tạo ra được sự chuẩn mực. Do vậy, có thể giao cho những người có tính đại diện, ví dụ như Quốc hội. Bởi những người ở trong Quốc hội là những người được bầu đại diện cho dân, ít nhiều ý kiến của họ cũng có tính chất định lượng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, nên cân nhắc có nên đưa ra Quốc hội hay không?.
“Nếu đưa ra Quốc hội quyết, cũng đúng chức năng thẩm quyền Quốc hội. Nhưng có đáng để đưa ra không? Đây chỉ là biểu tượng văn hóa, không phải biểu tượng chính của đất nước như Quốc kỳ, Quốc Huy... Làm vậy, thành ra Quốc hội bàn những việc quá cụ thể”, ông Thuyết nói.
Ông Thuyết đề xuất, chọn Quốc hoa là nguyện vọng của dân, nên để hội quần chúng điều tra ý kiến, đưa ra kết luận. Theo ông Thuyết, Hội di sản văn hóa Việt Nam có thể đứng ra tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Quốc hoa.