Không cho vượt đường ngang, nhiều gác chắn tàu từng bị... đánh
Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng, tuy nhiên, những đường ngang bất hợp pháp trên địa bàn Hà Nội vẫn nghiễm nhiên tồn tại. Đặc biệt, tại nhiều nơi có đường sắt chạy qua, mỗi gia đình còn tự ý mở 1 đường ngang đi vào nhà mình.
Trẻ con chơi ở “Xóm đường tàu”. Ảnh: HP
Tai nạn luôn rình rập
Tại phố Ga, thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín (Hà Nội), nhiều đoạn đường ray đã bị người dân, tự ý mở lối đi. Trong khi đó, nơi này từng xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm vì tình trạng liều lĩnh băng qua đường sắt. Nhưng những điều đó dường như vẫn chưa đủ sức cảnh tỉnh người dân. Các hoạt động như làm mộc, xây dựng, sinh hoạt, thậm chí là tận dụng từng tấc đất ven đường ray để trồng rau… vẫn diễn ra thường ngày.
Tại trung tâm TP Hà Nội, có một khu phố mà người dân Thủ đô thường gọi là “xóm đường tàu” bởi cuộc sống của người dân khu phố diễn ra sát bên đường tàu. Đó là đoạn đường tàu có chiều dài khoảng hơn 500m chạy xuyên qua phố Khâm Thiên, quận Đống Đa.
''Xóm đường tàu" nhìn qua có vẻ hiu vắng ấy vẫn có một cuộc sống sôi động không hề thua kém bất cứ một nơi nào trong thành phố. Đất chật, người đông đã biến đường ray tàu hoả trở thành nơi làm việc và chỗ chơi của con trẻ. Nhìn toán trẻ nô dùa sát đường tàu mà chúng tôi thấy “lạnh gáy”.
15 giờ 20 phút hàng ngày, những đứa bé chơi trên đường ray được ông, bà, bố, mẹ hay người giúp việc nhắc nhở trở về nhà hoặc nép vào hai bên hành lang bởi “tàu qua”.
Vậy nhưng ngày 31/5 vừa qua, trước giờ chuyến tàu trở về ga lúc 15h30 ít phút, bà của một em bé hớt hơ hớt hải gọi cháu vì chưa thấy cháu vào nhà. Nhưng rất may ở trước đó một đoạn, đã có người bế cháu bé vào nhà. Khi tiếng còi tàu hú vang kéo dài kéo theo một đoàn tàu dài tiến vào “xóm đường tàu”, có cảm giác như đoàn tàu chui vào hầm khi kẽ hở giữa tàu và hành lang gần như khít nhau.
Khi tàu chạy qua, mọi hoạt động thường ngày như nấu bếp than, phơi quần áo lại diễn ra trong vùng cảnh giới an toàn, những mái che lại được đua ra, xe máy được đẩy từ trong ra ngoài đường, con trẻ lại nô đùa trên đường ray.
Mỗi ngày hàng chục chuyến tàu qua lại đoạn đường nhỏ hẹp này. Người dân dường như đã thuộc lòng giờ tàu. Tuy nhiên, nếu một ai trong đó một lần sai sót không nhớ quy trình hoạt động của tàu hỏa, họ phải chịu hậu quả nặng nề. ''Xóm đường tàu'' không ai không nhớ một trường hợp tàu về muộn, lúc đó có cô gái không ở nhà, cứ tưởng tàu qua rồi nên chủ quan. Thế là bỏ mạng.
Không cho vượt bị đánh
Không tính những vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng liên tục xảy ra thời gian vừa rồi, đợt đầu năm nay, trên đường Lê Duẩn (Hà Nội) tại nút giao Xã Đàn - Đại Cồ Việt, một người đàn ông đi bộ qua đường sắt đã bị tàu hỏa chạy tuyến Hà Nội - Vinh (Nghệ An) tông trúng, phải đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, tuy rào chắn tàu hỏa đã được kéo lại nhưng người đàn ông này vẫn cố tình đi bộ vượt qua.
Đây là vụ tai nạn đường sắt thứ hai trong tháng 2 tại khu vực đường Lê Duẩn, Đại Cồ Việt, Xã Đàn (Hà Nội).
Trước đó, vào ngày 6/2, tàu hỏa mang số hiệu SE 08 chạy từ ga Vinh đến ga Hà Nội, khi chạy đến số nhà 378 đường Lê Duẩn đã va vào người đi bộ cố tình vượt đường ngang dân sinh. Hậu quả, người đi bộ bị tàu hỏa kéo lê hàng chục mét, tử vong tại chỗ.
Đội trưởng Đội chắn đường ngang Giáp Bát (Công ty cổ phần đường sắt Hà Hải) Nguyễn Đào Việt Phương, một người có 30 năm gắn bó với nghề gác chắn đường ngang chia sẻ: “Nghề gác chắn tàu hỏa chỉ một phút lơ là, chủ quan có thể dẫn đến tai nạn. Nếu bất cẩn, để xảy ra sự cố chạy tàu, người gác chắn sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị kỷ luật, thậm chí bị xử lý về mặt hình sự”.
Tuy nhiên, không ít người đi đường cố tình vi phạm an toàn giao thông và bất chấp việc an toàn tính mạng cho chính họ. Theo lời kể của anh Phương, nhiều đồng nghiệp của anh đã bị người đi đường hành hung chỉ vì không cho họ qua khi rào chắn đã đóng lại.
Trong rất nhiều trường hợp những người làm nhiệm vụ bị hành hung thì điển hình là trường hợp của anh Tạ Viết Quy, trong một lần đóng chắn để đón tàu thông qua tại ngã ba Ngọc Hồi - đường 70, có hai thanh niên từ trên ôtô bước xuống xin cho xe đi qua để kịp giờ vào làm lễ hỏa táng cho người thân tại Đài Hóa thân Hoàn vũ gần đó, nhưng do tàu đang tới gần nên anh Quy nhất quyết không đồng ý. Lập tức, hai thanh niên này lao vào hành hung khiến anh bị thương, phải nhập viện cấp cứu, khâu sáu mũi trên cằm và mặt.
Hà Nội là một trong những địa phương có mạng lưới đường sắt lớn nhất cả nước với chiều dài khoảng 160 km, trong đó có năm tuyến hướng tâm, một tuyến vành đai phía Tây. Theo con số khảo sát từ Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, tại thủ đô, bình quân cứ 400m đường sắt thì có 1 đường ngang, chỉ 15 km đường sắt Bắc - Nam từ ga Hà Nội đến địa phận huyện Thanh Trì đã có trên 270 đường ngang dân sinh. Đáng lo ngại là nhiều đường ngang này đều chưa có gác chắn, biển cảnh báo.
Theo thống kê của Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an), có tới 95% số vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại các đường ngang. Bên cạnh đó tình trạng người dân tự ý xé rào sắt mở đường ngang, có hộ bắc cầu gỗ qua đường sắt, rào chắn để vận chuyển đồ đạc, sinh hoạt, buôn bán ngay bên cạnh đường sắt vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Từ sự vô ý thức của một bộ phận người dân khiến cho mối nguy tai nạn đường sắt vẫn luôn rình rập. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý mạnh tay với những vi phạm an toàn giao thông đường sắt thì đường ray mới trở nên an lành.
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), tính từ ngày 16/9/2017 đến 15/4/2018, tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 199 vụ. Tổng chiều dài toàn tuyến ĐSVN là 1.730 km hiện có 1.517 đường ngang hợp pháp trong đó 652 đường ngang có người gác, 380 đường ngang cảnh báo tự động, 485 đường ngang có biển báo, còn 4.211 đường ngang dân sinh trái phép. |
Cư dân ở xóm đường tàu này phải sống trong một không gian chật hẹp, hiểm nguy rình rập mỗi ngày.