"Không chém lợn coi như mất lễ hội"

Người dân làng Ném Thượng cho rằng không còn màn chém lợn thì coi như họ mất một lễ hội truyền thống tốt đẹp.

Ngày 27.1, Tổ chức Động vật châu Á đề nghị chấm dứt Lễ hội Chém lợn ở Bắc Ninh.

Nguyên nhân được đưa ra là những tác động tiêu cực của nó đối với xã hội về nhiều mặt. Điều này làm xấu đi hình ảnh của đất nước khi cổ vũ việc đối xử tàn ác đối với động vật, đi ngược với lối đối xử nhân đạo, tôn trọng và bảo vệ động vật trên toàn thế giới. Những màn chém giết gây ảnh hưởng về tâm lý đối với người xem, đặc biệt là với trẻ em (dựa trên những nghiên cứu khoa học thực tế).

"Không chém lợn coi như mất lễ hội" - 1

Tổ chức Động vật châu Á đã đề nghị chấm dứt Lễ hội Chém lợn ở Bắc Ninh

 

Phải chém mới thành lễ hội

Lễ hội chém lợn của làng Ném Thượng (Tiên Du, Bắc Ninh) được tổ chức vào mùng 6 Tết hằng năm. Trong đó nghi lễ chém lợn được cho là “rùng rợn” nhất.

Trong nghi lễ này, các “ông lợn” bị kéo căng bốn chân, chặt ra làm hai khúc… máu me bê bét sân đình. Hàng nghìn người phấn khích hò reo cổ vũ, tranh nhau nhúng tiền vào máu lợn để cầu may.

Ngày 28.1, một ngày sau khi Tổ chức Động vật Châu Á phát đi thông cáo đề nghị chấm dứt Lễ hội chém lợn. Các cụ già ở làng Ném Thượng vẫn họp bàn để tổ chức lễ hội theo lịch hằng năm.

Ông Nguyễn Đăng Quy, 86 tuổi, giận dữ khi biết thông tin lễ hội của làng đang bị đề nghị chấm dứt. “Chém lợn là lễ hội của làng chúng tôi từ hàng trăm năm nay. Diễn lại tích để tưởng nhớ vị tướng quân chém lợn rừng nuôi quân. Tại sao lại gọi việc đó là dã man?”, ông Quy nói.

Theo ông Quy, cắt cổ hay chọc tiết lợn ở chỗ kín đáo thì không còn giữ được tính nguyên bản nghi lễ.

Lễ hội chém lợn bắt nguồn từ một truyền thuyết xưa, vị tướng Đoàn Thượng khi đánh trận chạy đến vùng núi Ném Thượng đồn trú đã chém lợn rừng nuôi quân. Từ đó, hằng năm người dân mở hội chém lợn để tưởng nhớ người có công khai khẩn đất đai.

Ông Nguyễn Hưng Thể, 58 tuổi, người thủ đao trực tiếp chém lợn trong 2 năm liền cũng cho rằng đây không phải hành động tàn bạo mà chỉ là một tập tục bình thường của địa phương.

Ông Thể cho biết: “Nếu nói giết lợn dã man thì to tát quá. Đầu năm mổ lợn để lấy thực phẩm dùng trong ngày Tết, cúng giỗ ở đâu chẳng có. Từ bao nhiêu năm nay, hàng ngàn người xem lễ hội, tôi chưa thấy trẻ con trong làng bị ảnh hưởng nặng nề khi chứng kiến chém lợn. Trái lại, lễ hội đem đến cho mọi người sự vui vẻ, phấn khởi ngày đầu năm mới”.

Đồng tình với việc chém lợn giữa chốn đông người gây phản cảm nhưng theo ông Bùi Quang Nhật, 71 tuổi, đây là phong tục đã ăn sâu vào tiềm thức của dân làng. Vì thế không thể nói bỏ là bỏ ngay được. "Chúng tôi đã tránh chém lợn và thay bằng cắt cổ lợn. Giờ ngay cả việc cắt cổ lợn cũng làm chỗ khuất thì coi như mất luôn lễ hội. Lễ hội thì phải có người xem, năm nay chúng tôi vẫn quyết định tổ chức nghi lễ ở giữa sân đình”, ông Nhật nói.


Lệ làng khó bỏ

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó chủ tịch phường Ném Thượng cho biết, lễ hội làng Ném Thượng năm nay vẫn diễn ra như bình thường. Phần nghi lễ vẫn được duy trì, đảm bảo nội dung theo nghi thức truyền thống nhưng không thực hiện tục “chém lợn”.

Theo ông Chương, từ năm 2013, lễ hội đã không còn màn chém lợn giữa sân đình nữa, thay vào đó “cứa cổ cắt tiết lợn làm đồ lễ”.

Tuy nhiên, những hình ảnh của Tổ chức Động vật Châu Á cho thấy việc cắt cổ lợn vẫn diễn ra ngay tại sân đình.

Giải thích về điều này, ông Chương cho biết: “Đề thay đổi tập tục lâu đời của người dân rất khó. Chúng tôi đã trực tiếp xuống lễ hội năm 2014 yêu cầu thay đổi nhưng đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối của người dân. Lễ hội rất đông, không thể cản người dân vào xem lễ hội, quết tiền lẻ cầu may được”.

Phó chủ tịch phường khẳng định lễ hội làng Ném Thượng năm 2015 sẽ không thực hiện màn chém lợn, việc cắt cổ, chọc tiết lợn không diễn ra tại sân đình nữa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tất Định ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN