Không cần thí nghiệm vẫn đoạt giải Nobel Hóa
Ba nhà nghiên cứu giành giải Nobel Hóa học 2013 vì đã mô hình hóa các phản ứng hóa học trên máy tính mà không cần thí nghiệm.
Ngày 9/10, giải Nobel Hóa học năm 2013 đã được trao cho 3 nhà nghiên cứu trong lĩnh vực mô hình máy tính giúp nghiên cứu sâu sắc hơn các phản ứng phức tạp như sự quang hợp và sự cháy cũng như cấu trúc của các loại thuốc mới.
Ba nhà khoa học Martin Karplus đến từ Harvard và Đại học Strasbourg ở Pháp, Michael Levitt đến từ Stanford và Arieh Warshel đến từ Đại học Nam California cùng chia nhau giải thưởng khoảng 1,2 triệu USD.
Từ trái qua phải: Arieh Warshel, Martin Karplus và Michael Levitt
Công trình nghiên cứu về mô hình máy tính của họ kết hợp các lý thuyết vật lý cổ điển giúp theo dõi nhiều loại nguyên tử và các cơ chế lượng tử cần thiết để phá vỡ và hình thành các liên kết hóa học.
Ba nhà khoa học này đều mang quốc tịch Mỹ. Tiến sĩ Karplus sinh ra ở Áo và cũng mang cả quốc tịch Áo. Tiến sĩ Levitt sinh ra ở Nam Phi, đồng thời có thêm quốc tịch Anh và Israel, còn Tiến sĩ Warshel mang 2 quốc tịch Mỹ và Israel.
Theo Ủy ban Nobel, 3 nhà khoa học này được trao giải “vì đã phát triển các mô hình đa cấu trúc cho các hệ thống hóa học phức tạp”.
Trong một cuộc phỏng vấn được phát trên Nobel Web, ông Sven Lidin, chủ tịch Ủy ban Nobel nói rằng các mô hình máy tính trước đây sơ khai đến mức nếu lý thuyết mâu thuẫn với thí nghiệm thì “chúng tôi luôn chắc chắn rằng các nhà lý thuyết học đã sai”.
Ông Lidin cho biết với những tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật trong những năm qua, các mô hình máy tính đã đem lại nhiều thông tin cho giới nghiên cứu như các thí nghiệm thực tiễn, và “lý thuyết đã trở thành một loại thí nghiệm mới”.
Năm ngoái, 2 nhà khoa học Mỹ là Robert J. Lefkowitz và Brian K. Kobilka đã cùng giành giải Nobel Hóa học sau khi giải mã được hệ thống liên lạc mà cơ thể người sử dụng để cảm nhận thế giới bên ngoài và gửi đi các thông điệp tới bên trong tế bào.