Không buộc người dân nộp xe máy, ô tô hết niên hạn

“Không có chuyện bắt buộc người dân phải mang xe máy, ô tô, các sản phẩm điện tử hết niên hạn sử dụng hoặc cũ nát đi giao nộp. Nếu như chiếc xe máy, tivi của người dân cũ mà vẫn dùng tốt thì người dân vẫn sử dụng bình thường. Người dân có quyền không mang sản phẩm đi giao nộp”.

Ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường - đã chia sẻ như vậy.

Người dân hiểu “nhầm” quyết định

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 16 về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, bao gồm các sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc sản phẩm được thải ra sau quá trình sử dụng. Cụ thể, từ ngày 1.7.2016 sẽ thu hồi pin, ắc-quy, bóng đèn compact, bóng đèn huỳnh quang, máy vi tính, máy in, máy fax, máy quét hình, máy chụp ảnh, máy quay phim, điện thoại di động, máy tính bảng, tivi, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt, dầu nhớt các loại... Từ ngày 1.1.2018, sẽ thu hồi, xe mô tô, xe gắn máy, xe ô tô các loại…

Ông Tùng cho biết, nhiều người đang hiểu nhầm rằng, Quyết định số 16 của Chính phủ bắt buộc người dân phải phải mang ô tô, xe máy hết niên hạn, hoặc cũ nát đến nơi thu gom để giao nộp.

Không buộc người dân nộp xe máy, ô tô hết niên hạn - 1
Người dân có quyền không mang sản phẩm cũ nát đi giao nộp (ảnh minh họa). Nguồn: Internet
“Trong quyết định không nêu bắt buộc người dân phải mang xe máy, ô tô, các sản phẩm điện tử hết niên hạn sử dụng, hoặc cũ nát đi giao nộp. Nếu như chiếc xe máy, tivi của người dân cũ mà vẫn dùng tốt thì người dân vẫn sử dụng bình thường. Người dân có quyền không mang đi giao nộp các sản phẩm này”, ông Tùng nói

Ông Tùng cho biết thêm, Quyết định 16 của Chính phủ có nêu là khuyến khích các nhà sản xuất có trách nhiệm đối với cả vòng đời sản phẩm của mình bán ra. Nhà sản xuất không chỉ dừng lại ở câu chuyện sản xuất sản phẩm bán ra thị trường mà phải mở rộng đến trách nhiệm của nhà sản xuất đối với sản phẩm của mình sau khi nó cũ nát.

Mặt khác, trong quyết định, không bắt buộc các nhà sản xuất sản phẩm phải mở bao nhiêu điểm thu gom sản phẩm mà là trên tinh thần khuyến khích. Khi thực hiện thu gom sản phẩm, nhà sản xuất sẽ phải nghiên cứu phương thức làm sao có lợi nhất cho người dân. Làm sao để họ coi các điểm thu gom nhà sản xuất mở ra là nơi tin cậy nhất mỗi khi họ muốn bỏ đi một sản phẩm nào đó.

Sẽ có chính sách ưu đãi người dân khi nộp sản phẩm cũ

“Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ các nhà sản xuất sản phẩm về khâu thu gom, vận chuyển các sản phẩm, chất thải nguy hại. Còn về khâu hỗ trợ, ưu đãi cho người dân khi mang sản phẩm đến là do nhà sản xuất tự quyết định. Họ sẽ phải đưa ra chính sách để người dân thấy lợi hơn so việc mang sản phẩm đó đi bán đồng nát”, ông Tùng nói.

Không buộc người dân nộp xe máy, ô tô hết niên hạn - 2
Ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường.
Theo ông Tùng, nếu người dân mang sản phẩm điện tử hết niên hạn, cũ nát tới điểm thu gom của nhà sản xuất sản phẩm sẽ tốt hơn rất nhiều so việc mang đi bán đồng nát. Bởi vì ngoài lợi ích nhà sản xuất dành cho người dân thì nhà sản xuất còn am hiểu về sản phẩm của mình. Nhà sản xuất sẽ biết rằng linh kiện nào tái sử dụng được, linh kiện nào gây nguy hại cho môi trường. Khi đó, nhà sản xuất xử lý chất thải này an toàn, không ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Ông Tùng cho hay, các nhà sản xuất sản phẩm điện tử ở nước Thụy Điển, Nhật Bản, Úc, Thái Lan đã thực hiện thu gom sản phẩm cũ nát từ khá lâu. Khi thực hiện, cũng có nhà sản xuất áp dụng chính sách, đổi sản phẩm cũ lấy sản phẩm mới và yêu cầu người dân phải nộp thêm một khoản tiền… Nhưng cũng có nhà sản xuất họ áp dụng hình thức hỗ trợ tiền cho người dân khi mang sản phẩm cũ đến giao nộp.

Ông Tùng cho biết, hiện nay, nhiều làng đồng nát, người dân tái chế linh kiện điện tử bằng cách thủ công. Khi tái chế, ở trong linh kiện điện tử có nhiều chất nguy hại nhưng chủ cơ sở không thu hồi được đã để ngấm xuống nước gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Theo thống kê, rác thải điện tử ở Việt Nam tăng mạnh thời gian qua và sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới. Đặc biệt ở TP.HCM, rác thải điện tử còn lớn hơn nhiều so với các thành phố khác. Mỗi năm, ở khu vực nội thành TP.HCM thải ra từ 300.000-400.000 sản phẩm tivi, điện thoại, điều hòa, máy giặt. Như vậy, nếu các nhà sản xuất sản phẩm điện tử thu hồi được sản phẩm của mình và có xử lý, mức độ môi ô nhiễm sẽ giảm đáng kể.

Theo Quyết định số 16 về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, bao gồm các sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc sản phẩm được thải ra sau quá trình sử dụng.

Nhà sản xuất khuyến khích tiếp nhận sản phẩm cùng loại với sản phẩm mình đã bán ra thị trường mà không phân biệt nhãn hiệu hoặc nhà sản xuất. Người tiêu dùng có trách nhiệm chuyển giao các sản phẩm thải bỏ theo các hình thức: Tự chuyển đến điểm thu hồi; chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thu gom để vận chuyển đến các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ...

Người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân thu gom khi chuyển sản phẩm thải bỏ đến điểm thu hồi có các quyền lợi như được hưởng quyền lợi theo chính sách của nhà sản xuất; có quyền yêu cầu nhà sản xuất tiếp nhận các sản phẩm thải bỏ do chính nhà sản xuất đó đưa ra thị trường...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN