Khốn khổ từ những dòng kênh ô nhiễm…
Để chỉnh trang đô thị, cải tạo môi trường sống, TP Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ cải tạo nhiều tuyến kênh rạch như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè đến sông Vàm Thuật), kênh Tham Lương - Bến Cát- rạch Nước Lên, kênh Hàng Bàng, rạch Bà Tiếng, kênh Hy Vọng…
Điểm chung của tất cả các con kênh này trước khi cải tạo là những con kênh “chết”, nước đen ngòm, đầy rác rưởi và bốc mùi hôi thối. Đáng nói là sau khi cải tạo, nhiều tuyến kênh rạch nước vẫn màu đen, vẫn đầy rác…
Kênh Hy Vọng dài khoảng 1,8km đảm nhận tiêu thoát nước cho toàn bộ diện tích phía Tây và Bắc sân bay Tân Sơn Nhất thuộc quận Tân Bình. Hiện tuyến kênh này nước đen ngòm, đầy rác, bốc mùi hôi thối ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.
Theo tờ trình thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án cải tạo kênh Hy Vọng có tổng mức đầu tư là 1.980 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách. Dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2027, hiện nay đang trong giai đoạn tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư, thiết kế bản vẽ thi công và lựa chọn nhà thầu. Tháng 5/2024, chúng tôi tìm đến một đoạn kênh Nước Đen chảy qua địa phận phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Mặc dù tuyến kênh này đã được cải tạo nhưng rác và lục bình lấp đầy đoạn kênh dài khoảng 500m.
Một đoạn kênh Hy Vọng nước đen ngòm và đầy rác.
Nguyên nhân được xác định là do dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên chưa hoàn thành nên kênh Nước Đen chưa thể đấu nối vào, dẫn đến tình trạng rác và lục bình bị dồn ứ. Giữa tháng 5/2024, chính quyền địa phương đã cho ra quân vớt rác làm sạch tuyến kênh này. Tuy nhiên, về lâu dài không có gì để đảm bảo tuyến kênh này sẽ không còn rác…
Ngân sách Nhà nước chi hơn 1.100 tỷ đồng để cải tạo kênh Ba Bò qua địa phận phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) và phường Bình Hòa, TP Thuận An (Bình Dương), nhưng hiện nay tuyến kênh này vẫn bốc mùi hôi thối, hồ điều tiết của dự án thì không hoạt động.
Theo tính toán của cơ quan chức năng, hàng ngày kênh Ba Bò tiếp nhận từ 18.000 - 20.000m³ nước thải công nghiệp từ khu công nghiệp Sóng Thần 1, 2; Đồng An (Bình Dương) và nước thải sinh hoạt của gần hàng chục ngàn người dân ở Bình Dương và TP Hồ Chí Minh trước khi chảy ra sông Sài Gòn.
Theo thông báo kết luận thanh tra của Thanh tra TP Hồ Chí Minh vào năm 2023, kênh Ba Bò là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Kết quả giám sát của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) từ năm 2004 cho thấy chất lượng nước kênh Ba Bò ô nhiễm rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân trong khu vực và hạ lưu sông Sài Gòn. Từ đó, hai địa phương TP Hồ Chí Minh và Bình Dương đã thực hiện dự án đầu tư, cải tạo kênh Ba Bò. Trong đó phía TP Hồ Chí Minh đầu tư cải tạo với tổng kinh phí 744 tỷ đồng.
Thanh tra TP Hồ Chí Minh xác định, trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư và các đơn vị tư vấn đã có vi phạm trong nhiều khâu từ lập, thẩm định phê duyệt dự toán, điều chỉnh dự án, bản vẽ thiết kế cơ sở, công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nghiệm thu, thanh toán. Các vi phạm này dẫn đến dự án kéo dài, ảnh hưởng đến tính cấp bách, hiệu quả của dự án, gây lãng phí và không đạt được mục tiêu xử lý ô nhiễm nước thải và cải thiện môi trường đặt ra từ đầu.
Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị và được Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đồng ý là giao Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải và chủ đầu tư thẩm định phương án khắc phục, sửa chữa đưa dự án vào vận hành theo mục tiêu được duyệt. Trong trường hợp không khắc phục được thiệt hại phải chuyển cơ quan điều tra để thụ lý làm rõ.
Thực hiện văn bản trên, Sở Khoa học và Công nghệ đã có công văn gửi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (đơn vị chủ đầu tư) để đề nghị Ban Quản lý chủ động nghiên cứu, xây dựng phương án và lên kế hoạch để khắc phục những tồn tại của dự án gửi các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền phù hợp với lĩnh vực quản lý của dự án. Tuy nhiên đến nay Sở Khoa học và Công nghệ vẫn chưa nhận được phương án và lên kế hoạch để khắc phục những tồn tại chính thức từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị…
Người dân khổ sở vì ô nhiễm các dòng kênh. Chính quyền địa phương đã có biển cảnh báo xử phạt, lắp camera giám sát để xử lý người vi phạm nhưng kết cục rác vẫn xả bừa bãi xuống kênh, rạch và người bị xử phạt thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi trên thực tế việc bắt quả tang một người xả rác là chuyện chẳng dễ dàng vì họ vứt rác lén lút vào ban đêm, vứt rác nơi khu vực không có camera… thì không thể “bắt tại trận” và chính quyền cũng không có đủ nhân lực để thực thi nhiệm vụ này.
Do chưa có đủ nhân lực, phương tiện giám sát… xử lý triệt để người xả rác, nên lâu nay, các địa phương chỉ dừng lại ở mức kêu gọi người dân cần có ý thức bảo vệ môi trường sống. Tuy nhiên, trên thực tế ý thức không xả rác bừa bãi nơi công cộng ở TP Hồ Chí Minh vẫn còn xa xỉ đối với rất nhiều người… Và đến khi cống nghẹt, kênh rạch không thể tiêu thoát nước bởi rác, mưa đến ngập đường, nước ô nhiễm tràn vào nhà thì chính người vứt rác cũng là “nạn nhân”…
Nguồn: [Link nguồn]
Đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho biết, thành phố sẽ phun nước rửa đường trở lại nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí, đồng thời triển khai nhiều giải pháp khác để cải thiện chất lượng môi trường không khí.