“Khối vàng lộ thiên” chết khô, nằm phơi nắng mưa bên Hồ Hoàn Kiếm
Cây sưa đỏ khoảng 100 năm tuổi chết khô nhiều năm nay bên Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) nhưng chưa được chặt hạ, di dời.
Cây sưa đỏ khoảng 100 năm tuổi nằm gần cầu Thê Húc bị chết khô. Ảnh chụp năm 2023 (phải) và ảnh chụp năm 2017 (trái)
Thời gian gần đây, người dân và du khách đi dạo quanh Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) chứng kiến một cây gỗ to, cỡ một người ôm không xuể bị chết.
Theo quan sát của PV, cây cao chừng hơn 10m, đường kính thân khoảng 70cm, nằm ngay sát mép hồ, phía gần với cầu Thê Húc. Phần vỏ cây đã khô và bong tróc nhiều chỗ.
Bà Hoa, một thợ chụp ảnh ven hồ cho biết, trước kia cây có gắn biển cây sưa đỏ. Trên biển có ghi cây sưa đỏ này đã trên 100 tuổi. Năm 2019, cây này có dấu hiệu khô héo. Từ đó đến nay thì cây chết hẳn; cành lá khô, gãy, rơi xuống đất.
Trước đây, cành lá cây xum xuê, xanh tốt nhưng hiện tại đã khô và bong tróc nhiều phần vỏ
Việc một cây cổ thụ to, chết nằm ở ngay Hồ Hoàn Kiếm – di tích Quốc gia đặc biệt vừa gây mất mỹ quan với du khách, vừa tiềm ẩn nguy cơ tai nạn nếu cây gãy đổ khi có mưa bão.
Liên quan đến vụ việc, ngày 30/3, trao đổi với PV, ông Nguyễn Kim Quỳnh - Phó phòng quản lý dự án và hạ tầng kỹ thuật (Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội) cho hay, ông đã nhận được thông tin phản ánh về cây bị chết ở bờ hồ.
Thân cây rộng khoảng 70cm, một người ôm không xuể
Ông Quỳnh xác nhận rằng, cây gỗ bị chết là cây sưa đỏ. Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cũng muốn chặt hạ ngay để đảm bảo mỹ quan nhưng vì cây sưa đỏ có giá trị lớn nên thủ tục xin phép chặt hạ phải qua nhiều khâu.
“Ví dụ, một cây ít giá trị như cây sấu hay cây bằng lăng… thì chúng tôi có thể chặt hạ, thay thế ngay nhưng đây là cây sưa đỏ, giá trị lớn nên chúng tôi phải báo cáo quận để xin chặt hạ.
Ngoài ra, khi chặt hạ chúng tôi không có kho để lưu trữ, bảo quản lại phải xin chỉ đạo của Sở Xây dựng, rồi báo cáo Sở Tài chính, UBND TP xem xét xử lý gỗ như thế nào…”, ông Quỳnh chia sẻ.
Những cành cây xum xuê lá trước đây tỏa ra phía mặt hồ giờ đã trơ trọi lá
Theo ông Quỳnh, trước đây, những cây cối xung quanh Hồ Hoàn Kiếm do Sở Xây dựng quản lý. Sau đó, TP Hà Nội phân cấp về cho các quận, huyện quản lý.
Số cây xanh xung quanh Hồ Hoàn Kiếm sẽ do quận Hoàn Kiếm quản lý, mà trực tiếp là Ban Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội chịu trách nhiệm. Đơn vị này ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội để duy tu, duy trì những cây xanh này.
Theo khảo sát của PV, hiện xung quanh Hồ Hoàn Kiếm còn khoảng 30 cây sưa đỏ, tuổi đời mấy chục năm.
Cây chết khô nằm bên bờ hồ gây mất mỹ quan với du khách
Bên cạnh đó, cây khô tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ khi có mưa bão
Sưa đỏ là cây gỗ quý thuộc nhóm 1A (nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại). Mỗi cây sưa 20 năm tuổi trở lên đều có giá vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng nên nhiều người săn tìm nó với mong ước đổi đời. Thậm chí, có thời điểm người ta còn thu mua cả lá, rễ cây với giá hàng vài triệu đến vài chục triệu đồng/kg. Có rất nhiều lời đồn đoán về công dụng thực sự của gỗ sưa. Tuy nhiên đến nay, chưa có ai tìm ra được giá trị thực của gỗ sưa đỏ. Năm 2016, cây sưa hơn 200 tuổi tại đình làng Đông Cốc (thôn Đông Cốc, xã Hà Mãn, Thuận Thành, Bắc Ninh) được bán cho là ông Nguyễn Văn Hùy (Bắc Ninh) với giá 26 tỉ đồng. |
Nguồn: [Link nguồn]
Những cây sưa đỏ hàng trăm năm tuổi còn sót lại ở Hà Nội được ví như những “khối vàng lộ thiên” bởi sự đắt đỏ của loại gỗ này.