Khởi tố ông Trần Xuân Giá

Ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB cùng 3 ông Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang là các nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB đã bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.

Chiều 27/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã công bố quyết định khởi tố 4 người, gồm: ông Trần Xuân Giá - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB cùng 3 ông Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang và Phạm Trung Cang là các nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB.

Các ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang đều bị khởi tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ Luật Hình sự.

Trả lời báo chí ngày 21/9 vừa qua, ông Trần Xuân Giá từng tỏ ra bất ngờ trước thông tin nói ông bị khởi tố. “Tôi buồn vì tin đồn xảy ra ngay sau khi tôi từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB" - ông Giá nói khi trả lời phỏng vấn một tờ báo.

Tuy nhiên, theo Cơ quan điều tra, xét thấy các ông Trần Xuân Giá, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang có nhân thân tốt, có thái độ khai báo thành khẩn, tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra, có nơi cư trú rõ ràng và xét mức độ hành vi vi phạm, Cơ quan điều tra đã thống nhất với Viện KSND áp dụng biện pháp cấm rời khỏi nơi cư trú và cho tại ngoại.

4 cá nhân nêu trên bị khởi tối vì liên quan tới vụ án Huỳnh Thị Huyền Thư và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại TPHCM và TP Hà Nội.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang thụ lý điều tra vụ án Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại TPHCM và TP Hà Nội theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số: 04/C46 (P10) ngày 28/9/2011.

Quá trình điều tra vụ án đến nay đã có căn cứ xác định Huỳnh thị Huyền Như đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt của Ngân hàng ACB số tiền 718,908 tỉ đồng.

Ông Trần Xuân Giá, SN 1939 tại Thừa Thiên-Huế, tốt nghiệp cử nhân kinh tế, có bằng Tiến sỹ kinh tế tại Liên Xô cũ. Từ 1966, là giảng viên tại Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội.

Năm 1981, ông làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Vật giá Nhà nước. Từ 1989, làm Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ). Từ 1992, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (nay là Bộ KH-ĐT). Năm 1996-2002, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT. Từ năm 2003, ông làm Trưởng Ban Nghiên cứu của Thủ tướng về đổi mới chính sách kinh tế - xã hội và hành chính.

Sau khi nghỉ hưu, từ tháng 11/2006, ông làm cố vấn HĐQT Ngân hàng ACB. Từ tháng 3/2008, làm Chủ tịch HĐQT.

Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo N.Quyết (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN