Khói rơm bủa vây cao tốc Hà Nội - Ninh Bình: Ẩn họa khôn lường mùa nắng nóng
Trên đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình, rơm rạ được người dân chất thành đống và đốt ngay tại ruộng 2 bên đường khiến khói mù mịt khắp nơi, lan lên cả đường cao tốc ảnh hưởng tới việc tham gia giao thông của người dân.
Việc đốt rơm rạ đã trở thành thói quen của người nông dân những năm gần đây. Ở khu vực ngoại thành Hà Nội, nơi tập trung các huyện còn trồng lúa, tình trạng đốt rơm rạ sau khi thu hoạch tác động trực tiếp tới chất lượng không khí của Thủ đô. Không chỉ có vậy, việc đốt rơm rạ gần đường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tầm nhìn cho người điều khiển phương tận, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông, nhất là trên những cao tốc.
Theo ghi nhận của PV, chiều ngày 28/5, trên đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình, rơm rạ được người dân chất thành đống và đốt khiến khói âm ỉ tỏa ra khắp nơi, bay lan lên cả đường cao tốc.
Đốt rơm rạ sau mà thu hoạch lúa đã thành thói quen của người nông dân ở nhiều nơi.
Anh Đào Mạnh Hùng (lái xe từ Nam Định lên Hà Nội) chia sẻ: “Khi lái xe từ Nam Định lên Hà Nội, tôi rất khó chịu với cảnh người dân đốt rơm rạ ngay tại ruộng vào mùa thu hoạch lúa làm khói bay ra đường. Khói rơm rạ mù mịt làm tôi mất bị kiểm soát, nhất là về cuối giờ chiều khi tôi đi qua địa phận huyện Thường Tín, Hà Nội. Hơn nữa, trên tuyến đường này cho phép lái xe chạy 100km/h, vì thế việc đốt rơm rạ này không những ảnh hưởng đến môi trường mà nó ảnh hưởng rất lớn đến người tham gia giao thông”.
Ven đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình, người dân đốt rơm rạ làm khói tỏa rộng, ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn của lái xe.
Anh Cù Văn Quân - một người dân xã An Nội (Bình Lục, Hà Nam) cho biết, do gia đình không có nhu cầu dùng đến rơm rạ nên sau khi thu hoạch xong hơn một mẫu ruộng, anh đã phơi khô và đốt ngay tại cánh đồng.
"Tôi là người nông dân nên làm theo phong trào, thấy người khác đốt tôi cũng đốt theo, còn việc nguy hại thế nào thì cũng không biết hết được. Nếu không đốt, máy cày họ sẽ không làm cho, cũng không được. Trong xã tôi chỉ có một số người dân nuôi trâu, bò, có mùa thì họ lấy rơm về, nhưng có năm không cho được rơm thì đa số nông dân chúng tôi đốt đi cả.
Trước đây trong xã tôi cũng có chương trình làm nấm rơm, thế nhưng làm không đạt năng suất, người dân chán không làm nữa. Tôi cũng là người tham gia giao thông, vào những hôm nhiều người đốt rơm rạ tôi cũng thấy khó chịu vì khói”, anh Quân nói.
Anh Cù Văn Quân đốt rơm ngay trên cánh đồng ven đường cao tốc Hà Nội - Ninh Bình.
Những năm gần đây, người dân ít sử dụng rơm rạ làm chất đốt, vì vậy, sau mùa gặt họ thường đốt ngay tại cánh đồng. Theo các nhà khoa học, khói bụi khi đốt rơm, rạ làm ô nhiễm không khí, gây tác hại lớn đối với sức khỏe con người. Không những vậy, việc đốt nhiều rơm rạ trong cùng một lúc sẽ làm nhiệt độ trở nên nóng hơn, đẩy nhiệt độ lên cao, đặc biệt là ở Hà Nội.
Việc đốt rơm rạ không những ảnh hưởng đến môi trường mà còn rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Trước đây rơm rạ dùng để đun nấu, nhưng nay do đời sống nâng cao, người dân đã đun bằng gas và điện nên rơm rạ đã bị... bỏ rơi.
Đây là việc làm đã trở thành thói quen của bà con nông dân sau mỗi vụ thu hoạch.
Rơm rạ được phủ lên thành luống trên gốc lúa sau khi gặt và đốt, những cơn gió mùa hè đưa ngọn lửa cháy lan khắp cả ruộng.
Nguồn: [Link nguồn]
Một vụ khói đốt đồng uy hiếp cao tốc TP HCM – Long Thành - Dầu Giây lại đang diễn ra khiến nhiều người lo sợ.