Khối gỗ "khủng" do 2 nông dân mò ốc nhặt được dưới suối giờ ra sao?
Lãnh đạo UBND huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, việc xử lý khối gỗ do 2 nông dân tìm thấy sẽ mất nhiều thời gian, công sức và tiền của. Chi phí thuê người bảo vệ mấy tháng thậm chí còn nhiều hơn giá trị khối gỗ.
Cây gỗ “khủng” hai người đàn ông phát hiện và trục vớt dưới khe suối vẫn chưa được xử lý sau hơn 5 tháng trôi qua.
Sau hơn 5 tháng kể từ khi nhặt được khối gỗ có kích thước khủng dưới khe suối ở thôn 1, anh Nguyễn Đức Chung (SN 1984, ở thôn 9) và anh Trần Đức Hạnh (SN 1977, ở thôn 8) cùng trú xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn đang đau đáu nỗi lo khi nợ nần chồng chất. Trong khi đó, khối gỗ nhặt được vẫn đặt nguyên tại hiện trường phơi nắng, phơi mưa chưa được xử lý.
Số tiền nợ hơn 20 triệu đồng thuê nhân công, máy móc đến hiện trường trục vớt khối gỗ vẫn chưa trả xong. Nhiều người cứ nghĩ, hai anh chàng nông dân có thể “đổi đời” khi phát hiện khối gỗ được cho là lim xanh, bị vùi lấp từ hàng chục năm trước dưới suối nhưng ít ai biết, đằng sau đó cả nỗi cơ cực, khó khăn.
“Đến nay gỗ vẫn còn nằm ở hiện trường, chưa ai xử lý. Chúng tôi giờ chỉ mong họ xử lý nhanh để có tiền mà trả nợ cho những người tham gia trục vớt, họ lên nhà nhắc chuyện tiền nợ mà chúng tôi không có tiền để trả”, anh Chung chia sẻ.
Cũng từ khi khối gỗ được hai nông dân trục vớt lên từ khe suối, các lực lượng chức năng được phân công, túc trực và lập chốt để bảo vệ khối gỗ.
Trước đó, lãnh đạo Chi cục Kiểm Lâm Hà Tĩnh cho biết, đơn vị đã về kiểm tra, hiện nay Sở Tài Chính Hà Tĩnh đã giao cho UBND huyện Hương Sơn giải quyết. "Gỗ này khoảng 80-100 tuổi, bị vùi lấp thời gian lâu nên có nhiều chỗ bị mục", vị này nói.
Cận cảnh khối gỗ “khủng”
Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Quang Thọ, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, hiện huyện đang chờ ý kiến của tỉnh để xử lý khối gỗ. Việc xử lý giải quyết tài sản này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Trong thời gian qua, đơn vị đã làm theo đúng quy trình để có hướng xử lý đối với khối gỗ này. Cụ thể phải thông báo 1 tháng rộng rãi đến toàn dân để xem có người nào đến nhận, sau đó mới làm quy trình đưa vào tài sản công để đấu giá.
“Sự việc này giải quyết rất khó khăn và mất nhiều thời gian, công sức và tiền của. Chi phí thuê người bảo vệ mấy tháng trên đó thậm chí còn nhiều hơn giá trị khối gỗ nhặt được. Tuy nhiên chúng tôi vẫn đang thực hiện theo đúng quy trình chưa biết khi nào mới hoàn thành”, ông Thọ cho hay.
Trước đó, vào khoảng 21h ngày 21/7/2019, anh Nguyễn Đức Chung và anh Trần Đức Hạnh đi bắt ốc trên khúc suối thuộc địa bàn thôn 1 cùng xã. Trong lúc mò ốc, hai người vấp phải một cành cây lớn. Nghi là nhánh của một thân cây cổ thụ nên lặn xuống xem thì phát hiện một cây gỗ dài nằm sâu phía dưới lòng suối.
Sau khi phát hiện, hai anh đã thuê một nhóm thợ cùng máy đào đến hiện trường. Ròng rã suốt 4 ngày liên tục đào bới ở độ sâu khoảng hơn 3m, nhóm thợ đã kéo lên được một cây gỗ dài khoảng 15m, đường kính 80cm, toàn thân có màu nâu đen lên bờ. Nhiều người dân có kinh nghiệm về cây gỗ cho rằng đây là cây gỗ lim xanh khoảng 100 năm tuổi.
Anh Hạnh chia sẻ, gia đình đang nợ nần hàng trăm triệu, vợ lại đau ốm nuôi 3 đứa con nên khi mò được khối gỗ vợ chồng mừng rơi nước mắt. Tuy nhiên, khối gỗ vừa được đưa lên bờ lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương đã lập biên bản, yêu cầu giữ nguyên hiện trạng để báo cáo các cấp có thẩm quyền tìm phương án xử lý.
Nguồn: [Link nguồn]
Khi hai người đàn ông đang đi mò ốc tại khe suối Đá Dốc tại địa bàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) thì phát hiện một một...