Khởi động cưỡng chế ngôi mộ cổ chắn ngang tuyến đường 1.900 tỉ đồng
Phú Thọ hôm nay khởi động cưỡng chế bằng thủ tục đo đạc, kiểm kê tài sản, vật kiến trúc liên quan ngôi mộ cổ chắn ngang dự án đường 1.900 tỷ đồng.
Video: Khởi động cưỡng chế ngôi mộ cổ chắn ngang tuyến đường 1.900 tỉ đồng
Đây là thủ tục bắt buộc trong quy trình cưỡng chế, thu hồi đất theo pháp luật, áp dụng cụ thể với ngôi mộ cổ tổ 9 đời dòng họ Hoàng ở xã Sơn Tình, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ, đang chắn ngang dự án tuyến đường liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 70B, quốc lộ 32C tỉnh Phú Thọ đi Yên Bái, mà PLO đã thông tin.
Phú Thọ triển khai thủ tục cưỡng chế ngôi mộ tổ 9 đời họ Hoàng đang chắn ngang dự án đường liên vùng.
Ông Nguyễn Đình Xuyên - Chủ tịch xã Sơn Tình cho biết: “Quyết định cưỡng chế, kế hoạch cưỡng chế của huyện Cẩm Khê được ban hành ngày 7-11, niêm yết công khai đồng thời vận động thuyết phục đến 13-11. Tuy nhiên, ông trưởng họ không hợp tác, nên hôm nay bắt đầu triển khai trên thực địa”.
Chỉ là cưỡng chế một ngôi mộ, nhưng thành phần tham dự từ khi lên kế hoạch đến triển khai có sự tham gia đầy đủ từ đại diện lãnh đạo UBND huyện Cẩm Khê, đại diện Công an, Ban chỉ huy quân sự, Văn phòng Đăng ký đất đai của huyện đến các phòng Tài chính, Tư pháp, Thanh tra, Tài nguyên môi trường, Y tế, cùng lãnh đạo UBND xã Sơn Tình và chủ đầu tư dự án.
Việc đo đạc, kiểm đếm hoàn tất gọn trong sáng nay, 15-11. Do trưởng họ là ông Hoàng Văn Luận không hợp tác nên địa phương đã mời một trưởng chi họ Hoàng đang có mặt ở địa phương đến buổi cưỡng chế. Tuy nhiên, ông này cũng nói việc họ không ai thay được bác trưởng, nên nay không đến chứng kiến...
Theo kế hoạch, sau bước kiểm đếm này, hội đồng bồi thường sẽ tiếp tục tiến hành các bước cưỡng chế. Dự kiến khoảng cuối tháng 12, ngôi mộ sẽ được dời vào nghĩa trang nhân dân cách đó khoảng 500 mét.
“Ngoài các quy định của pháp luật, chúng tôi sẽ mời thầy xem ngày, giờ, hướng theo phong tục, tập quán chung sau đó mới tiến hành di dời. Các bước làm hết sức chặt chẽ” - ông Xuyên nói.
Chỉ là một ngôi mộ nhưng việc cưỡng chế thu hồi đất đòi hỏi phải có thủ tục làm việc chặt chẽ.
Ngoài trường hợp này, trên địa bàn huyện Cẩm Khê còn một số hộ ở xã Tạ Xá có đất, nhà và các công trình nằm trong diện phải di dời. Đa phần người dân đang chờ khu tái định cư hoàn thành để chuyển đến sinh sống.
Gần đây nhất, huyện Cẩm Khê đã vận động thành công hộ gia đình ông Đỗ Hải Lý ở xã Đồng Lương có ngôi nhà giữa tim đường di dời, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, mà không cần cưỡng chế.
Theo Luật Đất đai và văn bản quy định chi tiết hiện hành, việc cưỡng chế thu hồi đất được bắt đầu bằng việc Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế. Tiếp theo, Ban thực hiện cưỡng chế thuyết phục, đối thoại với người bị cưỡng chế. Nếu người bị cưỡng chế chấp hành thì lập biên bản ghi nhận sự chấp hành.
Trường hợp người bị cưỡng chế không chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức cưỡng chế với việc đầu tiên là buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế.
Trường hợp người bị cưỡng chế tiếp tục không chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế có quyền di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế.
Tại xã Vĩnh Khê, thị trấn Bến Quan, xã Vĩnh Hà của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), nhiều người dân xây nhà, trồng cây, mở chuồng trại trái phép để chờ… đền bù từ dự án...
Nguồn: [Link nguồn]