Khóc, cười ở chợ sâm Ngọc Linh

Lần đầu tiên một phiên chợ toàn sâm quý Ngọc Linh được tổ chức ngay nơi mệnh danh là thủ phủ sâm Nam Trà My (Quảng Nam). Cánh phóng viên đi chợ chỉ để ngắm, bởi đơn giản, theo nhẩm tính của anh em nhuận bút mười bài viết chưa đủ để mua nổi nửa ký... lá sâm! Chợ sâm “cháy hàng”, khi các đại gia vung tiền mua sâm bởi khó có mấy khi được dịp như thế này.

Khóc, cười ở chợ sâm Ngọc Linh - 1

Cân đo, đong đếm từng lạng sâm quý ở hội chợ. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cân như cân vàng

Thị trấn Tắk Pỏ (Nam Trà My) những ngày diễn ra hội chợ và Lễ hội sâm Ngọc Linh nhộn nhịp hẳn. Khu hội chợ quảng bá sâm Ngọc Linh đông nghẹt người. Các gian hàng bày bán la liệt sâm, từ sâm tươi, sâm lá, sâm nguyên cây, đến những sản phẩm từ sâm đã qua chế biến. Muôn hình vạn trạng sâm khiến người mua hoa mắt. Tiền tươi sâm thật, cảnh mua bán diễn ra rầm rộ. Khách mua đa phần là những người có điều kiện từ nơi khác đến. Các đại gia sẵn sàng bỏ ra vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng để mua sâm bởi mấy khi mua được sâm chính hãng ngay tại thủ phủ sâm. Bên cạnh những quầy hàng của các doanh nghiệp, công ty chế biến sâm là những quầy hàng của dân địa phương, của người thu mua sâm bán lại kiếm lời. Cảnh mua bán sâm tiền chục đến trăm triệu khiến nhiều người choáng ngợp.

Nắng hừng hực nhưng quầy hàng của nhóm hộ gia đình trồng sâm thôn 3 xã Trà Linh lại mát rượi bởi cây điều hòa bật hết công suất để sâm cây nguyên củ, lá, hoa được tươi. Hai cây sâm đoạt giải nhất cuộc thi sâm được trưng bày ở vị trí trang trọng nhất, treo biển giá mỗi cây 35 triệu đồng. Khách trả giá, bớt một đồng người dân tuyệt đối không bán. Giải nhất, mỗi cây chỉ được huyện trao thưởng 500 ngàn, người dân bảo: dễ gì có cây sâm như vậy. Bởi phải mất 7 - 10 năm mới có được cây và củ to đến thế. Hồ Văn Thái, cùng nhóm thanh niên trông nom quầy sâm 2 ngày nay thay nhau canh gác để phòng kẻ gian cuỗm mất sâm, dù rằng vòng ngoài lực lượng công an huyện được huy động bảo vệ hội chợ. Gian hàng có khoảng hơn 10 xô sâm tươi nguyên cây, Thái cho biết từng đó khoảng gần 1 tỷ đồng. Hai ngày bán ở hội chợ, nhóm của Thái bán được 7 - 8 ký sâm các loại, thu về gần 500 triệu đồng.

Khóc, cười ở chợ sâm Ngọc Linh - 2

Giá sâm cao ngất, người dân thu tiền tươi tại chợ.

Một bọc sâm nhỏ đã cắt lá độ 3 - 5 năm tuổi được đưa ra, khách xúm lại, Thái tách ra từng cặp một, dùng dây buộc lại với nhau. Khách hỏi mua 2 củ sâm, Thái bỏ lên cân nhỏ, rồi hét giá 9 triệu đồng. Khách chê đắt, bỏ đi, Thái không chèo kéo mà chỉ: “Không mua lát không có mà mua”. Lúc sau, một nhóm khách Hà Nội, ghé quầy. Sâm lại được đặt lên cân, 2 lạng giá 9 triệu. Khách yêu cầu đổi củ khác vì cân còn thiếu. Thái cởi dây thay củ sâm khác. Đặt lên cân, kim chỉ 2,2 lạng, Thái liền kêu lên giá 10 triệu. Khách cò kè nhưng Thái không đổi ý. Một cán bộ huyện đi ngang, ghé tai khách: “giá đó mua đi. Sâm thật 100%”. Khách thuận lòng, rút ví đếm tiền xoèn xoẹt đưa Thái. Hai túi quần Thái chặt tiền, phải bỏ ra bao.

Cạnh quầy hàng của Thái, là quầy hàng của chị Ngô Thị Minh Thùy, thu mua sâm của người dân rồi bán lại. Chiếc bàn nhỏ chật kín khách. Những mớ sâm được bỏ trong những khay nhỏ, trên đó gắn giá 10, 20, 30, 50 triệu đồng, cùng với tấm biển lớn yêu cầu khách không sờ vào sâm. Khách mua liên tục, chị Thùy và một người khác đếm tiền mỏi tay. Một vị khách cân một mớ sâm với giá 20 triệu đồng. Trả tiền, khách đại ý bớt 100 ngàn lấy hên nhưng chị nhất quyết từ chối. Bàn sâm của chị Thùy, cộng dồn đã vài trăm triệu, chưa kể la liệt sâm cây ở dưới bàn.

Sâm đắt hơn vàng, thế nhưng sức mua ngoài dự kiến của lãnh đạo huyện Nam Trà My. Sau hơn 2 ngày khai mạc, chiều ngày 11/6 hội chợ sâm “cháy hàng”, khách đến mua, nhiều quầy không còn sâm bán. Riêng gian hàng của xã Trà Linh, hai ngày bán hết gần 60 kg sâm Ngọc Linh với nhiều độ tuổi khác nhau. Giá mua trung bình từ 50 - 90 triệu đồng/kg, người xã Trà Linh đã thu về từ 4 - 5 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu của khách, xã Trà Linh đã phải điện thoại về các thôn, huy động người dân lên vườn, nhổ thêm sâm rồi chở ra huyện bán.

Sáng ngày 12/6, qua điện thoại, ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My đang dự Hội thảo phát triển sâm Ngọc Linh tại TP Tam Kỳ, phấn khởi cho biết: Theo dự kiến tổng doanh thu Hội chợ quảng bá sâm Ngọc Linh và đặc sản miền núi sẽ thu về 10 tỷ đồng, trong đó tiền bán sâm là 5 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay riêng tiền bán sâm đã hơn 7 tỷ đồng. Người dân các nơi vẫn đổ về đông, trong ngày (12/6) hôm nay tiền bán sâm khả năng đạt con số 10 tỷ đồng.

Khóc, cười ở chợ sâm Ngọc Linh - 3

Tiền tươi không thiếu một đồng, sâm thật không non một lạng tại hội chợ sâm.

Dở khóc dở cười

Chị Hồ Thị Mười (thôn 1 xã Trà Mai) mang sâm thu mua của bà con, dân làng xuống hội chợ bán. Ngày đầu tiên suôn sẻ, ngon lành. Ngày thứ hai, một nhóm khách từ Kon Tum qua xem sâm chị bán rồi phán câu xanh rờn: sâm giả! Chuyện của chị bán sâm giả đồn khắp, xôn xao cả hội chợ. Khách không ghé mua, chị Mười như ngồi trên đống lửa, bởi bỏ vốn ra trăm triệu mua sâm của dân làng. Cán bộ huyện tá hỏa vì Hội chợ quảng bá sâm quý Ngọc Linh mà có sâm giả là không thể chấp nhận được. Huyện chỉ đạo quản lý thị trường, công an đến xác mình, tìm hiểu thực hư. Nhưng đứng trước một mớ sâm, công an, quản lý thị trường cũng chịu, chỉ biết ghi lời khai, hỏi cụ thể chị Mười mua sâm của ai, ở đâu. Vì bị oan, nên chị khai ngay, giá 4 củ sâm mà khách nói là giả chị mua 17,5 triệu của người quen trong làng. Chị khẳng định: không thể nào là sâm giả. Nhưng lời nói của chị nào ai tin?

Để minh oan cho mình, chị Mười phải tất tả tìm ông Hồ Văn Du một đại gia trồng sâm nổi tiếng khắp vùng đến để kiểm chứng. Trước sự chứng kiến của công an, quản lý thị trường, già Du cầm mấy củ sâm, chau mày ngắm nghía, quan sát từng đốt sâm, rễ của 4 củ sâm. Cắn một miếng sâm bé xí, nhai nuốt, già Du khẳng định là sâm thật!

Tình cờ đi ngang quầy hàng, ông Đặng Ngọc Phái, nguyên Phó GĐ Cty Dược, vật liệu y tế tỉnh Quảng Nam, người có đóng góp bảo tồn gene quý sâm Ngọc Linh, ghé vào. Cùng với già Du xem kỹ mấy củ sâm, ông Phái bảo: đúng là sâm Ngọc Linh nhưng trồng ở ngoài Bắc! Chị Mười và người dân lại xôn xao bàn tán. Để kiểm chứng thêm, ông Phái kéo PGS.TS Trần Công Luận, nguyên GĐ Trung tâm sâm và dược liệu TPHCM cùng vào xem. Ông Luận sau một hồi cùng già Du, ông Phái đối chứng, kiểm tra mấy củ sâm rồi cho biết: sâm này là sâm Ngọc Linh nhưng ở vùng khác. Chị Mười như “mở được trói” tiếng oan bán sâm giả, liền nhờ quản lý thị trường viết biên bản minh oan cho mình. Sáng hôm sau, gặp chị Mười ở quán ăn, thấy chị cười toe toét: “Nhờ đó mà em được nổi tiếng. Được minh oan, hôm qua giờ, gian hàng của em đông khách. Bán được mấy ký sâm rồi”. Riêng 4 củ sâm bị cho là giả, chị đã bán với giá 18 triệu. Khách hàng tin tưởng vì có già làng Du chứng thực sâm thật.

Kéo tay PGS.TS Trần Công Luận ra góc hội chợ nói chuyện sâm, ông cho hay bây giờ trên thị trường có nhiều loại sâm về hình dạng rất giống sâm Ngọc Linh nhưng không phải. Ông Luận cho biết: Từ 2010 về trước, trung tâm đem mẫu về đánh giá, trong một rổ sâm chỉ lấy một củ để test kiểm tra. Nếu có chất sâm Ngọc Linh thì kết luận đó là sâm Ngọc Linh. Nhưng từ 2010 về đây không dám làm như vậy nữa mà chỉ nói có hay không có chất sâm Ngọc Linh thôi, vì bắt đầu có nguồn sâm không còn chính thống nữa. Trung Quốc cũng có dòng sâm tương tự và gần đây có thêm dòng sâm từ bên Lào. Đặc biệt, trong vòng 5 năm lại đây trung tâm không còn dám test ngẫu nhiên nữa mà test từng củ một vì sâm giả nhiều quá. Thậm chí trên một củ, có 3 khúc được dán với nhau. Khúc giữa là sâm Ngọc Linh nhưng khúc đầu và khúc cuối không biết là sâm gì. Tất cả vì lợi nhuận!

Cũng theo ông Luận, ở Trung Quốc cũng có loại sâm gọi là Trúc tiết nhân sâm, hình thức giống sâm Ngọc Linh nhưng không được đánh giá cao.

Cần chính sách đặc thù cho sâm Ngọc Linh

Theo ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, thực tế vấn đề bảo tồn và phát triển sâm núi Ngọc Linh tại Quảng Nam và Kon Tum đang gặp những khó khăn. Nhiều năm qua, cây sâm bị khai thác, mua bán, sử dụng thiếu kiểm soát. Nhà nước chưa có nhiều chính sách, giải pháp đầu tư, quy hoạch phát triển sâm Ngọc Linh khiến cho các vùng sâm của Quảng Nam và Kon Tum dần cạn kiệt, hàng nghìn ha nguyên sinh bị tàn phá.

Nhiều ý kiến cho rằng, để bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh cần có chính sách đặc thù. Từ chính sách sử dụng rừng để phát triển nuôi trồng sâm Ngọc Linh với quy mô lớn đến các ưu đãi về giao đất, miễn giảm thuế, vay vốn, các thủ tục hành chính để kéo các doanh nghiệp có năng lực đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sâm trên cả hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.

Hoài Văn


Tận thấy cây sâm cổ cực quý trong vườn sâm 70 tỷ đồng

Trong một lần đi rừng đào được cây sâm bảy nhánh cực quý, ông Lĩnh đã đem về nhân giống trong vườn nhà.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thành (Tiền phong)
Quảng Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN