Khoan 23 m núi gia cố hầm đường sắt nối Phú Yên và Khánh Hòa
Đơn vị thi công khoan nhiều mũi từ trên đỉnh đèo Cả xuống nóc hầm đường sắt Bãi Gió, bơm hàng nghìn khối bêtông vào để vá các điểm sạt lở.
Hầm đường sắt Bãi Gió được Pháp xây năm 1930, hoàn thành năm 1936, xuyên qua đèo Cả - ranh giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa. Công trình dài 400 m, cao 5 m, rộng 4 m, phía trên hầm là quốc lộ 1. Sau nhiều năm hoạt động, hầm xuống cấp đang trong quá trình tu sửa, cải tạo.
Hôm 12/4, hơn 150 m3 đất đá sạt lở trong hầm khiến tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua đây tê liệt. Đồ họa: Khánh Hoàng
Đơn vị thi công đã khắc phục nhưng khi sắp thông hầm, hơn 50 m3 đất đá tiếp tuc rơi xuống. Sự cố được xác định do đất đá phong hóa lâu năm không còn kết dính. Lực lượng chức năng đã dọn dẹp, lắp mái vòm bằng sắt, phun bêtông gia cố vỏ hầm, nhưng việc khắc phục chưa đạt hiệu quả.
Ngành đường sắt sau đó phải bổ sung phương án vá hầm bằng cách khoan nhiều mũi từ trên sườn núi để đổ bêtông vào nóc hầm.
Trong ngày 15/4, nhà thầu thực hiện hai mũi khoan trên núi, một mũi sâu 23 m (chạm đến nóc hầm), mũi còn lại khoảng 18 m, sau đó sẽ dùng máy bơm bêtông vào. Khi xi măng đông kết, công nhân vào hầm thu dọn đất đá, vận chuyển ra ngoài. Dự kiến 9 mũi được khoan xuống hầm.
Quá trình khoan núi được thực hiện trong nhiều tiếng. Cứ xuống khoảng 5 m, mũi khoan gặp các tầng địa chất khác nhau. Công nhân phải tháo cần, kéo mũi khoan lên rồi tiếp tục cắm xuống núi. "Việc này tránh cho máy khoan bị quá tải, để đào đến nóc hầm phải mất hơn một ngày", một công nhân nói.
Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh, cho biết phương án mới có thể cần khối lượng hàng nghìn khối bêtông gia cố các điểm sạt lở. Giải pháp này tốn công sức, thời gian, nhưng bù lại đảm bảo độ an toàn, chắc chắn cho hầm.
Cùng lúc phía bên trong hầm, các mũi thi công tiếp tục lắp đặt trợ lực, gia cố, tăng sức chịu lực cho vòm hầm bằng thép và khung sắt.
"Do địa chất phức tạp, công tác khắc phục gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi cố gắng thông hầm trong thời gian sớm nhất, có thể đến cuối tuần này", ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 85 (đơn vị thi công, Bộ Giao thông Vận tải) nói, cho biết từ khi không cho ôtô đi qua đèo Cả đã giảm lượng đất đá rơi xuống.
Công nhân hàn những ống bơm bêtông vận chuyển lên sườn núi đèo Cả. Cách đó 10 m, máy hơi hỗ trợ phun bêtông hoạt động hết công suất.
Xe cẩu làm nhiệm vụ san gạt đất đá và vận chuyển các vật liệu lên vị trí các mũi khoan. Địa hình đồi núi khó khăn nên đơn vị thi công gặp khó khăn trong việc huy động các phương tiện, thiết bị lớn phục vụ sửa chữa.
Những ngày qua, ngành đường sắt huy động hơn 200 công nhân, cùng các xe chuyên dụng tham gia khắc phục sự cố sạt lở hầm.
Những tàu hàng dừng ở ga Hòa Huỳnh, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa.
Do hầm ách tắc, tàu đi từ phía nam phải dừng ở ga Giã (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa), đi từ phía bắc dừng ở ga Tuy Hòa (Phú Yên). Hơn ba ngày qua, ngành đường sắt phải điều xe trung chuyển khách và hàng hóa giữa hai ga cách nhau hơn 40 km.
Ông Trần Việt Tùng, Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang, cho biết đến sáng 15/4, đơn vị đã chuyển tải 36 chuyến tàu với hơn 10.000 khách. Các tàu hàng đã tạm ngừng hoạt động từ 13/3.
Các tàu hàng thuộc diện hàng đông lạnh, dễ hư hỏng sẽ được ưu tiên chuyển tải bằng ôtô, container. "Ba ngày qua, có khoảng 5-6 đôi tàu chuyển tải trong ngày. Các chi phí vận chuyển sẽ do ngành đường sắt chịu trách nhiệm", ông Tùng nói.
Xuyên đêm khoan núi, gia cố hầm đường sắt bị sạt lở. Video: Thái Toàn
Nguồn: [Link nguồn]
Đến sáng nay, sự cố sập hầm ở Đèo Cả nối Phú Yên - Khánh Hòa vẫn chưa được khắc phục xong