Khó xử phạt uống rượu tại quán karaoke
Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao và du lịch, trong đó phạt ba triệu đồng người uống rượu tại quán karaoke, khó "đi vào cuộc sống".
Người trong cuộc kêu bất cập
Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao và du lịch, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, vừa công bố, lấy ý kiến góp ý của nhân dân, đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Anh Lê Tuấn Nam – kinh doanh karaoke ở đường Nguyễn Trãi (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, dự thảo còn nhiều bất cập.
“90% khách đến quán karaoke sau khi đã uống rượu, bia. Họ đi hát karaoke để giải trí, xả stress. Nếu không phục vụ, chỉ một hai lần sẽ mất khách, quán dựa vào nguồn thu nào để tồn tại? Không những thế, quán còn bị phạt từ 1 - 3 triệu đồng với hành vi để người say rượu, bia vào phòng karaoke là chưa hợp lý!” – anh Nam nêu quan điểm.
Theo anh Nam, chỉ nên xử phạt khách say rượu sẽ hợp lý hơn.
Việc xử phạt bán rượu tại quán karaoke, theo anh Nam, sẽ hạn chế tối đa khách say, không làm chủ được bản thân, có thể gây sự, đánh nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, các điểm kinh doanh karaoke hiện nay chủ yếu bán bia, nước ngọt và hoa quả phục vụ khách. Khách đến quán uống rượu không nhiều. Có khi, cả tháng mới bán được một chai rượu - người kinh doanh dịch vụ karaoke này nói.
“90% khách đến quán karaoke sau khi đã uống rượu, bia. Họ đi hát karaoke để giải trí, xả stress." (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, dự thảo quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu sử dụng từ 2 - 3 nhân viên phục vụ trong một phòng karaoke, là không phù hợp.
Theo anh Nguyễn Thành Nam (32 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội), người kinh doanh dịch vụ này, thông thường, mỗi phòng karaoke có 8 - 10 người, nếu chỉ một nhân viên phục vụ sẽ không thể đáp ứng kịp yêu cầu của khách.
Luật sư: Chưa hợp lý!
Luật sư Trần Đình Triển – Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc cấm uống rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông không làm chủ được phương tiện là hợp lý. Tuy nhiên, với vũ trường, phòng karaoke, nếu có đầy đủ giấy phép kinh doanh, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, thì cấm bán rượu, uống rượu tại đây chưa thực sự hợp lý.
Theo luật sư Triển, đây là nơi vui chơi, giải trí lành mạnh. Khách được giao lưu, mời nhau hai ba chén rượu, cốc bia đã thành thói quen của người dân. Nếu cấm bán rượu sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động kinh doanh, thu lợi của các cửa hàng, vũ trường.
Ngược lại, cũng theo Luật sư Triển, nếu các địa điểm này tổ chức cho khách vui chơi, giải trí, dẫn đến say rượu, gây mất trật tự công cộng, thì cần xử phạt tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, kể cả chủ quán và khách hàng.
Theo dự thảo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 – 3 triệu đồng đối với hành vi để người say rượu, bia vào vũ trường, nơi khiêu vũ công cộng, phòng karaoke. Hành vi này hiện nay theo Nghị định 75/2010/NĐ-CP bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500 nghìn đồng - 1 triệu đồng. Phạt từ 1-3 triệu đồng đang được đề xuất áp dụng với hành vi uống rượu tại phòng karaoke, thay cho mức phạt 500 nghìn đồng - 1,5 triệu đồng đang áp dụng. Còn hành vi bán rượu tại phòng karaoke dự kiến bị phạt 3 – 5 triệu đồng, thay cho mức phạt từ 1 - 3 triệu đồng hiện nay. Dự thảo này khi được thông qua và ban hành, dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. |