Kho lương thực sót lại từ thời bao cấp ở miền Bắc
Công trình kiến trúc lạ mắt của thời kỳ Pháp thuộc với tường dày, mái vòm uốn cong, các kho nhỏ nối tiếp nhau tách biệt là kho chứa thóc gạo của một thời kỳ tem phiếu con sót lại tại xã Đông Phong, Đông Hưng, Thái Bình.
Kho chứa thóc gạo của một thời kỳ tem phiếu còn sót lại tại xã Đông Phong, Đông Hưng, Thái Bình.
Nằm bên cạnh quốc lộ 39 đường đi huyện Diêm Điền (Thái Bình), cách trung tâm thành phố 7km vẫn còn sót lại một nhà kho mang vẻ kiến trúc thời Pháp thuộc. Đây từng là chi nhánh lương thực Đông Hưng, kho lương thực Cầu Gọ.
Theo những người dân sinh sống quanh đây, nhà kho này được xây từ những năm 1956-1958 để chứa thóc gạo, đồng thời còn là nơi tránh bão cho các hộ dân của xã.
Nằm trên mảnh đất rộng hàng nghìn mét với 3 dãy nhà thiết kế đối xứng nhau, mỗi dãy có 9 kho nhỏ, từng kho có cửa ra vào. Hai cửa chớp và phần mái lợp ngói đua ra để che mưa, nắng.
Kho nhỏ kích thước 5 mét mặt tiền, 19 mét dài sâu vào trong kiên cố. Trên là mái vòm lợp ngói đỏ còn giữ nguyên bản. Hiện tại còn 2 kho vẫn đang được sử dụng.
Phía bên hông của các dãy nhà kho được xây thêm các bể nước nhỏ dùng hứng nước mưa phục vụ ăn uống.
Nhiều kho nhỏ đã xuống cấp, cỏ cây mọc um tùm rêu phong phủ kín.
Các mảng tường phía bên trong được viết những dòng khẩu hiệu có tính chất tuyên truyền.
Không gian bên trong có diện tích khoảng 100 mét vuông, có thể chứa được từ 150 tấn tóc đến 200 tấn gạo.
Một kho nhỏ vẫn đi vào hoạt động, đây là nơi thu mua và bán thóc gạo giống cho người dân xã Đông Phong và các xã vùng ven.
Trước kia nền kho được gia cố bằng xỉ vôi. Khi đổ lúa gạo vào kho thì được lót thêm một lớp trấu giúp chống ẩm. Sau này để thuận tiện cho việc vận chuyển, nền của kho đã được tôn cao lên so với mặt đường và lát gạch. Kho đã thành nơi tránh bão của các hộ gia đình trong xã. Nhà kho vẫn hiển hiện như ký ức về thời kỳ tem phiếu của Việt Nam cách đây không lâu.