"Khó chứng minh việc cán bộ đòi để nhận hối lộ"

Góp ý dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền cho hay, từ "đòi" trong điều luật về quy định đối tội danh "Nhận hối lộ" là không hợp lý, bởi lẽ không ai chứng minh việc đòi để nhận tiền hối lộ.

Sáng 30.10, tại Quốc hội, góp ý về quy định đối tội danh "Nhận hối lộ" trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho hay, trong điều luật nói người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi vật chất hoặc phi vật chất để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ... Theo ĐB Thuyền, từ "đòi" trong điều luật trên là không hợp lý, bởi lẽ không ai chứng minh việc đòi để nhận tiền hối lộ.

"Nếu chúng ta ghi thêm từ "đòi" vào chẳng khác nào tiếp tay cho tội phạm tham nhũng" - ĐB Thuyền nói.

"Khó chứng minh việc cán bộ đòi để nhận hối lộ" - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thuyền.

Theo ĐB Thuyền phải bỏ chữ đó, bởi thực tiễn người dân thấy cán bộ gây khó khăn cho công việc thì họ phải đưa tiền để được việc. Người dân mất lòng tin với cán bộ nhưng họ cũng phải đưa tiền để việc của mình được giải quyết, chứ không phải cán bộ phải đòi họ thì mới đưa.

ĐB Thuyền cũng bày tỏ sự băn khoăn khi chứng kiến một vị bộ trưởng trả lời trên truyền hình rằng cán bộ của ông không ai đòi đưa hối lộ cả, chỉ là dân tự đưa.

Về phi hình sự hóa một số loại tội phạm, theo ĐB Thuyền, với tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" cần phải có sự cân nhắc hết sức kỹ.

"Khi đi tiếp xúc cử tri, có người dân nói là "có phải các ông phi hình sự hóa để giải cứu cho cán bộ ra tù". Tôi đề nghị Ban soạn thảo phải nghiên cứu kỹ vấn đề này. Cần có thông tin đầy đủ cho ĐBQH, hiện có bao nhiêu cán bộ đang nằm tù về tội cố ý làm trái, bao nhiêu cán bộ đang bị điều tra, truy tố về tội cố ý làm trái? Nếu bỏ tội danh này thì đương nhiên những người đang bị điều tra, truy tố về tội đó sẽ được đình chỉ, bao nhiêu người đang thi hành án được ra tù, kể cả trường hợp những người phạm tội trong vụ án Vinashin?" - ĐB Thuyền nói.

Về bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh, sau khi xem xét, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến chỉnh lý theo hướng bỏ hình phạt tử hình ở các tội danh: "Cướp tài sản"; "Tàng trữ trái phép chất ma túy"; "Chiếm đoạt chất ma túy"; "Phá huỷ công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia"; "Chống mệnh lệnh"; "Đầu hàng địch"; "Phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược"; "Chống loài người"; "Tội phạm chiến tranh".

"Riêng tội vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn giữ hình phạt tử hình đối với kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây hoặc người thực hiện việc vận chuyển ma túy với số lượng lớn" - ông Nguyễn Văn Hiện (Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội) cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lương Kết ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN