Khó chống lại thảm họa thiên thạch

Với thiên thạch nhỏ có kích thước 15 mét rơi xuống Nga hôm 15/2 thì radar cũng chịu thua! Tại Việt Nam, việc nghiên cứu về thiên thạch chỉ để biết, từ đó có thể khai thác giá trị kinh tế, còn chống lại thì không tưởng.

Thiên thạch rơi vào Nga: Trăm năm mới có một lần

Theo ông Đặng Tuấn Duy, Chủ nhiệm Câu lạc thiên văn nghiệp dư TP. HCM, sự việc xảy ra tại Nga thực ra là một thiên thạch cỡ lớn (có thể xem là một tiểu hành tinh cỡ nhỏ (đường kính 15m) đi vào bầu khí quyển với vận tốc xấp xỉ 18 km/s và phát nổ, như cơ chế của một sao băng. Nhưng vật thể này thuộc loại sao băng rất sáng và lớn. Vật thể thể dạng này cũng hay đi vào bầu khí quyển hành tinh chúng ta nhưng đa phần đi vào các đại dương nên không gây nguy hại gì. Sự kiện này ước tính khoảng 100 năm mới có một lần.

Trong tương lai, tiểu hành tinh 99942 Apophis (2004MN4) theo ước tính có khả năng va chạm với hành tinh chúng ta vào năm 2029 hay 2036 với xác suất 1/250.000 lần.

Dự án nghiên cứu các vật thể gần Trái đất Lincoln

Thực tế, khí quyển Trái Đất hằng ngày vẫn luôn bị “tấn công” bởi khoảng vài trăm tấn mảnh vỡ đá bụi đủ mọi kích cỡ. Tuy nhiên, phần lớn kích thước của chúng rất nhỏ nên tất cả đã bị tan vỡ thành nhiều mảnh nhỏ và cháy rụi trước khi kịp chạm đất. Khi đi vào khí quyển chúng sẽ chịu áp suất nén rất lớn, nóng lên, phát sáng, vỡ vụn và tan chảy mà chúng ta vẫn gọi những vệt lửa mà chúng để lại trên bầu trời khi cháy là “sao băng”.

Các thiên thạch ở mức kích thước nhỏ hơn 10m này đa phần không gây ra một sự cố gì nghiêm trọng khi rơi xuống mặt đất, nếu có tới được mặt đất thì cũng nằm rải khác và gây tổn thất không đáng kể.

Khó chống lại thảm họa thiên thạch - 1

Theo TS Hoàng Ngọc Kỷ, thiên thạch rơi xuống sẽ làm biến đổi khí hậu nội tại và ảnh hưởng tới sinh vật và con người xung quanh do nhiệt độ tăng cao

Theo các nhà khoa học NASA, vụ thiên thạch rơi ở Nga vừa qua là sự kiện hiếm khi xảy ra. Kể từ năm 1908, khi một thiên thạch phát nổ phía trên vùng trời sông Tungkuska tại vùng Siberi của nước Nga làm gãy đổ và san phẳng 2137 km2 đất rừng không có người ở, mới có 1 thiên thạch có sức tàn phá đến vậy. Theo nhà khoa học Paul Chodas, làm việc tại văn phòng của chương trình nghiên cứu các vật thể gần Trái Đất của NASA (NASA's Near-Earth Object Program Office), một sự kiện sao băng (thiên thạch bốc cháy khi đi vào bầu khí quyển) đạt tới độ sáng như ở Nga vừa qua thì trung bình khoảng 100 năm mới có 1 lần.

Ứng phó thiên thạch là công việc toàn cầu

Theo TS Hoàng Ngọc Kỷ, nguyên cán bộ Tổng hội Địa chất Việt Nam, bản thân thiên thạch rơi xuống sẽ làm biến đổi khí hậu nội tại và ảnh hưởng tới sinh vật và con người xung quanh do nhiệt độ tăng cao.

Sự kiện lần này không thể được bất cứ cơ quan nghiên cứu về thiên thạch nào trên thế giới cảnh báo trước, xảy ra hoàn toàn bất ngờ. Lý giải cho nguyên nhân này, TS Kỷ cho rằng hệ thống radar của Nga không thể phát hiện do kích thước khối thiên thạch quá bé (15m). Radar thường chỉ phát hiện vật thể từ 100m - 1 km đường kính với vật chất bằng kim loại.

“Đối với Việt Nam, hiện chưa có đủ các điều kiện về kỹ thuật, con người để nghiên cứu sâu vấn đề này. Nhưng chúng ta cần nghiên cứu về chúng để giải thích về giả thuyết một số hồ như: hồ Ba Bể, hồ Lắc hay vùng Điện Biên... có thể do thiên thạch rơi và tạo nên. Từ đó, khai thác các giá trị về kinh tế du lịch. Nói như vậy, việc nghiên cứu về thiên thạch chỉ để biết, hiểu về nó, từ đó khai thác các giá trị kinh tế thì được. Còn việc chống lại nó là điều không tưởng. Để làm được điều này thì cần cả thế giới chung tay làm mới được”, TS Kỷ cho biết.

Một số vụ thiên thạch lớn đã xảy ra trong lịch sử:

- Thiên thạch phát nổ phía trên vùng trời sông Tungkuska (Nga) vào năm 1908, khiến gãy đổ và san phẳng 2.137 km2 đất rừng không có người ở;

- Năm 2002, một vật thể 10m phát nổ cũng đi vào và phát nổ trên vùng trời biển Địa Trung Hải;

- Năm 2008, tại Sudan, một tiểu hành tinh cỡ nhỏ đã đi vào bầu khí quyển và đây là lần đầu tiên việc va chạm của một tiểu hành tinh lên Trái Đất được dự đoán chính xác từ trước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đan Thư ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN