Kho báu vua Hàm Nghi, sự thật và huyền thoại: Kết cục bi thương

Sự kiện: Tin nóng

Sau nhiều ngày không thấy ông Nguyễn Hồng Công xuống núi đi mua thức ăn như thường lệ, người dân Hoá Sơn đã lên núi Mã Cú tìm kiếm và phát hiện xác ông đang phân huỷ trong chiếc lán xiêu vẹo. Ông Công ra đi trong cô độc, lạnh lẽo bên “cửa kho báu” sau 31 năm tìm kiếm.

Chiếc lán mà ông Công dựng lên ngay “cửa kho báu” để tiện cho việc khai quật

Chiếc lán mà ông Công dựng lên ngay “cửa kho báu” để tiện cho việc khai quật

Niềm tin mê hoặc

Theo ông Phan Văn Chương, ngày mới ra Hoá Sơn ông Nguyễn Hồng Công nhanh nhẹn, lực lưỡng, thông minh và có phần hiểu biết vượt trội so với người dân bản địa. Vốn là một sỹ quan Biên phòng giải ngũ, trong đời thường ông Công sống rất có kỷ luật và sạch sẽ. Tuy nhiên, do suốt ngày đào bới, chui rúc trong các hầm hào, hốc đá nơi rừng thiêng nước độc để tìm kiếm kho báu, nên sức khoẻ ông Công xuống dần và qua đời lúc 61 tuổi do bị bệnh phổi hành hạ.

Sở dĩ ông Công chọn nhà ông Chương tá túc để tìm kiếm kho báu là do nhà ông Chương nằm cạnh con đường lên núi Mã Cú. “Những ngày đầu tìm kiếm kho báu, ông Công bỏ tiền thuê dân làng đào bới và gửi tiền cho vợ tôi lo cơm nước. Sau nhiều năm, ông Công cạn tiền, không thuê được người, ông tự mình đào bới, tiền cơm cũng không còn để gửi cho vợ tôi. Thương ông cô độc, vất vả gia đình tôi nuôi cơm ông hơn chục năm không lấy một đồng nào”, ông Chương kể.

Ông Chương nhớ lại: “Nhiều đêm cùng nhau tâm sự, tôi khuyên ông Công từ bỏ việc tìm kiếm kho báu vì sức khoẻ của ông ngày càng yếu. Ông ấy lắc đầu bảo: Không phải ông hám tiền, vàng mà việc ông đang làm là sứ mệnh. Ơn trên sẽ cho ông sức khoẻ và cho ông tìm thấy kho báu trong một thời điểm thích hợp”.

Theo ông Chương, ông Công rất mê tín, có thể nhịn cơm nhưng phải dành tiền để mua đồ lễ thắp hương nơi ông đào bới trong ngày 30 và ngày rằm hàng tháng. Khoảng 5 năm cuối đời, sức khỏe ông Công xuống hẳn do bị bệnh phổi, lên xuống núi khó khăn, ông quyết định dựng một chiếc lán nhỏ ngay “cửa kho báu” để ở lại trên núi tiện cho việc khai quật. Mỗi tháng ông Công chỉ xuống núi 2 lần để mua gạo, thức ăn và lễ vật thắp hương cầu khấn.

Chồng chết, vợ đi tù, gia đình li tán

“Khoảng mươi hôm trước khi qua đời, ông Công xuống núi đi chợ như thường lệ. Khi về qua nhà, tôi thấy ông ấy xiêu vẹo không vác nổi bao gạo 10kg. Tôi bảo hay ở lại nhà tôi nghỉ ngơi nhưng ông không chịu. Tôi đành bảo đứa con trai mang giùm bao gạo lên lán cho ông ấy. Đến kỳ xuống núi như thương lệ, không thấy ông ấy đâu, linh tính mách bảo, tôi bảo con trai tôi chạy lên xem thế nào. Nó chạy về hớt hải, bảo chú Công đã chết trong lán, mùi bốc lên rồi. Tôi chạy đi báo chính quyền, lúc ấy là vào buổi chiều ngày 6/10/2013. Khám nghiệm pháp y cho biết ông Công đã chết trước đó 6 đến 7 ngày” - ông Chương kể.

Ông Chương cũng là người trực tiếp liên lạc với gia đình ông Công, nhưng vì đường sá xa xôi người thân ông Công không thể đến kịp, chính quyền địa phương cho mai táng ông Công theo phong tục địa phương. Sau khi mai táng xong thì em trai, em gái và người con trai ông Công mới đến được Hoá Sơn. Họ chỉ biết ngậm ngùi bên ngôi mộ của ông Công và ra về từ bấy đến nay không thấy quay lại.

Ông Chương kể: Để có tiền đầu tư cho việc khai quật kho báu, vợ ông Công đã phải vay mượn rất nhiều người chu cấp cho ông Công và đến lúc không có khả năng trả nợ. Cuối cùng vợ ông Công phải đi tù vì những khoản nợ mà mình đứng ra vay cho chồng đi tìm kho báu.

Ông Chương nhận định: Có thể do ông Công quá cố chấp, gia đình khuyên lơn không được nên họ đã bỏ mặc ông ấy khi sống và cả khi đã chết. Ông Công ra Hoá Sơn và ở lại đây hơn 30 năm nhưng chẳng thấy người thân ông ấy đến thăm. Và đã gần 10 năm ông ấy qua đời, duy nhất một lần có ba người nhà tìm đến sau khi vừa mai táng, còn từ đó tới nay không một ai tìm về viếng mộ ông ấy. Ngôi mộ hoang lạnh, cô độc không một nén hương trong những ngày lễ Tết.

Không có kho báu đồ sộ như nhiều người tưởng tượng

Tiến sỹ Sử học Nguyễn Khắc Thái, người nhiều năm nghiên cứu về vua Hàm Nghi cho rằng, theo các cứ liệu lịch sử, không thể có một kho báu đồ sộ của vua Hàm Nghi hay nhà Nguyễn trên đất Quảng Bình. Theo đó, từ thời vua Tự Đức đã cho xây dựng một số sơn phòng nhằm chuẩn bị cho công cuộc kháng Pháp lâu dài, mà điển hình là sơn phòng Tân Sở (Quảng Trị). Sơn phòng được xây dựng theo hình thức thành trì kiên cố, của cải vật chất được cất giữ trong sơn phòng chứ không đưa đi chôn giấu như người ta nghĩ. Nên nói vua Tự Đức ra Hoá Sơn, Minh Hoá, Quảng Bình để chôn giấu của cải vật chất là không có căn cứ.

Còn vua Hàm Nghi khi rời kinh thành Huế trong hoàn cảnh thất thủ, chạy giặc chứ không phải ra đi ung dung tự tại, thì khó để mang theo nhiều vàng bạc, châu báu. Việc phát lộ vàng từ hốc cây trôi ra ở Hoá Sơn càng cho thấy ở đây không có sơn phòng nào cả. Nếu có thì nhà vua đã cho số vàng bạc ấy vào sơn phòng cất giữ chứ không đưa đi giấu một cách đơn sơ như thế.

Tiến sỹ Nguyễn Khắc Thái kể, năm 1997 ông là thành viên trong đoàn của tỉnh Quảng Bình lên Hóa Sơn để “mở cửa kho báu” theo đề nghị của ông Nguyễn Hồng Công. Với cái nhìn của con nhà nghề, ông phát hiện đất đá nơi ông Công đào lên là đất đá nguyên thổ, không có dấu vết tác động của bàn tay con người trước đó. “Ông Công có đưa ra một phiến đá có nhiều đường vân, cho rằng bản đồ chỉ kho báu. Tôi xem rất kỹ, hoá ra đó là một phiến đá tự nhiên, những đường vân nổi lên trên phiến đá cũng rất tự nhiên, không có dấu hiệu nào là do con người tạo ra. Tôi khuyên ông Công nên dừng việc đào bới tìm kiếm kho báu nhưng ông ấy chỉ cười, không nói gì” - ông Nguyễn Khắc Thái nói.

Khu vực chiếc lán ông Công sinh sống nay đã bị cây rừng bao phủ, không còn dấu vết

Khu vực chiếc lán ông Công sinh sống nay đã bị cây rừng bao phủ, không còn dấu vết

Tiến sỹ Sử học Nguyễn Khắc Thái nhận định: “Vậy vàng bạc, châu báu của vua Hàm Nghi có còn thất lạc đâu đó trong nhân gian hay không? Tôi nghĩ là có nhưng không nhiều và đồ sộ như nhiều người tưởng tượng. Vì quá trình lãnh đạo phong trào Cần Vương, do không tương quan lực lượng mà vua Hàm Nghi thường xuyên phải chạy giặc. Mỗi lần như thế, rất có thể tuỳ tùng của nhà vua không kịp mang theo của cải nên bị thất lạc. Vàng trôi ra từ gốc cây ở Hoá Sơn là một ví dụ”.

Nguyễn Hồng Công và 3 lần 'chạm cửa kho báu' vua Hàm Nghi

“Sau khi nắn hai con suối cạn chảy về hai hướng phía trên, họ đã cải tạo lòng khe thành một đường hào sâu 18m, dài...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Nam ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN