Kho báu vua Hàm Nghi: Bức thư gửi từ Huế

Sự kiện: Tin nóng

“Từ cửa động Phong Nha nhìn ra, phía tay trái sẽ thấy một khu đất hình con rùa, trên lưng rùa có 3 điểm được người của vua Hàm Nghi chôn vàng ở đó” - kèm theo bức thư là một tấm sơ đồ vẽ vội, phác họa hình thù khu đất và đánh dấu những điểm giấu vàng.

Khu vực mà ông Cường cho là nơi giấu vàng của vua Hàm Nghi cách cửa động Phong Nha chừng 200m

Khu vực mà ông Cường cho là nơi giấu vàng của vua Hàm Nghi cách cửa động Phong Nha chừng 200m

Người “nắm giữ” bí mật một phần kho báu

Sau năm lần bảy lượt thuyết phục, ông Nguyễn Văn Cường, người xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) mới chịu lục tủ lấy bức thư và tấm bản đồ mà ông cất giữ bấy lâu nay cho tôi xem. Bức thư ngắn, viết trên giấy ô li vở học sinh đề ngày 6/9/1993, gửi anh Nguyễn Văn Cường. Người viết bức thư nói về việc tình cờ phát hiện sơ đồ kho báu của vua Hàm Nghi và đề nghị ông Cường tìm kiếm. Mặt sau bức thư là một sơ đồ vẽ vội hình khu đất và đánh dấu những điểm giấu vàng.

Ông Cường kể: Năm 1993, ông tình cờ nhận được bức thư này. Người gửi là một nam sinh viên năm cuối khoa Sử, chuyên ngành Khảo cổ, trường Đại học Tổng hợp Huế, là bạn trai của em gái ông. Theo nội dung bức thư, anh sinh viên này ra Quảng Bình thực tập để chuẩn bị cho việc làm luận văn cuối khoá. Tại Bảo tàng Quảng Bình, anh phát hiện một phiến đá bụi phủ ở góc phòng. Anh tò mò lật ra xem, thấy trên phiến đá ấy có sơ đồ, kèm theo các ký tự Hán - Nôm. Vốn rất giỏi Hán - Nôm, anh ngỡ ngàng  khi nhận ra đây chính là một bản đồ chỉ nơi giấu vàng của vua Hàm Nghi.

Anh hỏi những nhân viên bảo tàng ở đây, họ cho biết: Phiến đá ấy được một du khách thăm động Phong Nha phát hiện. Khi đứng trên phiến đá chụp ảnh, bất ngờ phiến đá bật lên làm vị khách ấy ngã nhào. Nhìn kỹ phiến đá thấy sơ đồ kèm theo chữ Hán, nên nhân viên của Trung tâm Du lịch Phong Nha đã báo cho bảo tàng thu hồi phiến đá đó về. Ở bảo tàng ngày đó không có ai biết chữ Hán - Nôm nên đưa về để ở góc phòng, lâu ngày lãng quên, không ai để ý.

Theo bức thư này, phiến đá ghi rõ ngày giờ, tháng năm chôn vàng, khối lượng bao nhiêu và gồm những báu vật gì, lí do chôn ở đây. Người viết thư yêu cầu ông Cường hết sức bí mật thông tin, lúc nào đủ điều kiện thì tổ chức khai quật, có thể âm thầm hoặc công khai thông báo cho chính quyền để cùng phối hợp.

Theo ông Cường, những thông tin trong bức thư là thật, bởi trước đó vài năm, người dân khu vực Phong Nha kháo nhau, có một đơn vị bộ đội vào phía trong động Phong Nha tìm kiếm vàng vua Hàm Nghi. Họ đã dùng mìn đánh sập cửa trong của hang động, nhưng không tìm thấy gì. “Rất có thể, đơn vị bộ đội đó cũng có thông tin về nơi giấu vàng của vua Hàm Nghi, nhưng nhầm vị trí, nên họ đã vào phía trong hang động tìm kiếm” - ông Cường nhận định.

Những cuộc lén lút khai quật trong đêm

Ông Cường kể: Nhận được bức thư, ông một mình âm thầm đi thuyền lên Phong Nha để quan sát, tìm hiểu. Ông giật bắn người khi trèo lên đến lưng chừng núi phía cửa động Phong Nha, nhìn ra thì thấy hình thù con rùa hiện ra rõ mồn một. Khu đất này rộng chừng 2 ha, phía tay phải là con sông nhỏ từ cửa động Phong Nha chảy ra sông Son; phía tay trái là một khe cạn từ chân núi ra, uốn lượn theo đúng hình con rùa, có cả thân rùa và đầu rùa. Điều khiến ông Cường tin tuyệt đối về những nội dung trong bức thư, là người viết bức thư này chưa một lần đặt chân đến động Phong Nha, nhưng đã vẽ ra được một sơ đồ chính xác từng chi tiết.

Sơ đồ kèm trong bức thư gửi từ Huế

Sơ đồ kèm trong bức thư gửi từ Huế

Sau khi quan sát địa hình, ông Cường lân la hỏi những người già sống ở ngôi làng phía đối diện bên kia sông Son. Họ cho biết, trước đây trên khu đất ấy có 3 cây mít cổ thụ không biết do ai trồng. Bọn trẻ chăn trâu bò vẫn thường tránh nắng và chơi đùa dưới những gốc mít ấy. Khi người dân khai hoang để trồng cây lương thực, người ta đã chặt 3 cây mít nên giờ không còn dấu tích.

Quay trở về nhà, ông Cường gọi những người thân tín trong họ hàng đến bàn bạc phương án khai quật. Tất cả đều thống nhất, âm thầm, lặng lẽ khai quật mà không thông báo chính quyền. Một chiếc thuyền máy chở đầy đủ lương thực, thực phẩm, dụng cụ đào bới, cùng 4 trai làng lực lưỡng ngược sông Son với hi vọng đổi đời.

Năm đó, động Phong Nha mới được đưa vào khai thác vài năm nên du khách vẫn thưa thớt. Nhóm của ông Cường chọn thời điểm ban đêm để khai quật nhằm tránh sự dòm ngó của dân làng. Nhóm chọn vị trí giữa lưng rùa để đào bới. Với sức vóc của 4 trai làng, chỉ trong một đêm họ đã đào được một cái hố rộng chừng 10m2, sâu chừng 3m nhưng vẫn chưa thấy dấu hiệu của kho báu. Tiếp đêm thứ 2, rồi thứ 3, cái hố càng to ra và sâu thêm nhưng vẫn chưa tìm thấy gì.

Khu đất mà nhóm ông Cường đào bới là một ruộng ngô. Sau 3 đêm đào bới, chủ đất đi thăm ruộng và phát giác ai đó phá ngô và đào một cái hố rất sâu. Sợ bị bại lộ, nhóm ông Cường buộc phải rút lui và bí mật ấy theo ông Cường từ bấy đến nay. 

(Còn nữa)

Kho báu vua Hàm Nghi: Phát lộ hàng tạ vàng sau trận mưa

“Vàng người dân nhặt được, cán bộ gom lại đưa về tập trung ở sân nhà kho hợp tác xã đến 3 nôống (nong) đầy, nghe...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.N ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN