Khi xảy ra cháy, phải có người chịu trách nhiệm

Sự kiện: Thời sự

Trước các vụ cháy lớn liên tiếp xảy ra gần đây, đại biểu cho rằng phải rà soát tổng thể, xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương và có những xử lý rốt ráo, tránh những vụ việc tương tự.

Sáng nay 19-6, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ.

Trước đó, ngay trong ngày 16-6, ở Hà Nội và Bắc Giang đã xảy ra liên tiếp hai vụ cháy nhà khiến 7 người tử vong. Điều này tiếp tục làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ gây ra cháy nếu vẫn các biện pháp PCCC không được thực hiện quyết liệt hơn nữa.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương). Ảnh: QH

Ý thức con người vẫn là trên hết

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) chia sẻ mỗi lần nghe tin có vụ cháy xảy ra bà rất đau buồn. Bởi mỗi vụ cháy đều dẫn đến những thiệt hại, hậu quả rất nặng nề không chỉ về tài sản mà còn là tính mạng của con người.

Bà Nga nhìn nhận trong lúc cơ quan chức năng của Hà Nội đang nỗ lực rà soát, có biện pháp khắc phục những nơi có nhiều nguy cơ xảy ra cháy, không đảm bảo các điều kiện về PCCC thì các vụ cháy vẫn liên tiếp xảy ra, để lại những hậu quả là điều rất đau lòng.

Để khắc phục, giảm thiểu các nguy cơ gây ra cháy, đại biểu Nga cho rằng cần phải tìm ra nguyên nhân. Hầu hết trong các vụ cháy xảy ra gần đây đều ở những nơi không đảm bảo tiêu chuẩn PCCC nên khi lửa bùng phát thì không thể chữa kịp thời, dẫn tới đám cháy ngày càng to và hậu quả để lại rất lớn.

Theo bà, quan trọng hơn cả thì vẫn là ý thức của con người. Dù chúng ta có đề ra bao nhiêu quy định về PCCC nhưng người dân, tổ chức, cá nhân không chấp hành thì cháy vẫn cứ xảy ra.

“Bên cạnh giải pháp là rà soát về mặt thể chế để làm sao các quy định được đảm bảo, hợp lý thì phải nâng cao ý thức của người dân” – bà Nga nhấn mạnh.

Trước đề xuất sẽ cắt điện, cắt nước những công trình xây dựng không phép khi bàn về dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi mới đây, bà cho rằng cần rà soát kỹ lượng và đặc biệt là đánh giá tác động.

Bởi trên địa bàn Hà Nội hiện có rất nhiều cơ sở từ nhà dân đến nhà trọ, nơi sản xuất kinh doanh không đảm bảo tiêu chuẩn về PCCC vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu đồng loạt áp dụng biện pháp cắt điện, cắt nước trên diện rộng, với nhiều đối tượng như thế sẽ tác động rất lớn, ngay tức thì đến với cuộc sống của nhiều người dân.

Vụ cháy xảy ra tại 207 Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, hôm 16-6. Ảnh: PHI HÙNG

Vụ cháy xảy ra tại 207 Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, hôm 16-6. Ảnh: PHI HÙNG

Xem xét trách nhiệm của chính quyền địa phương

Nói về trách nhiệm quản lý, bà Nga cho hay sau khi xảy ra vụ cháy ở một số chung cư mini, các cơ quan chức năng ở Hà Nội đã rất tích cực rà soát việc đảm bảo tiêu chuẩn về PCCC ở các cơ sở sản xuất, nhà dân.

Trường hợp cháy xảy ra là do tiêu chuẩn PCCC không đảm bảo, khi bùng phát cháy sẽ không thể dập tắt được ngay, thậm chí không có lối thoát hiểm, lối thoát nạn khiến nạn nhân tử vong thì cần xem xét đến trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc buông lỏng quản lý.

Phân tích sâu hơn, bà Nga cho hay các tiêu chuẩn về PCCC đều giao cho chính quyền địa phương thực hiện từ khâu cấp phép đến thẩm định các điều kiện, tiêu chuẩn khác.

“Vấn đề đặt ra là trong quá trình quản lý xây dựng, cấp phép thì chính quyền đã cấp phép, thẩm định ra sao. Vì sao các cơ sở, công trình nhà ở… chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhưng vẫn có thể hoạt động” – đại biểu Nga nói.

Bà cũng dẫn chứng vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ năm 2023 khiến 56 người thiệt mạng là do xây dựng sai phép. Ban đầu chỉ xin xây dựng nhà ở của người dân với số tầng nhất định được cho phép nhưng sau đó chia thêm tầng và chuyển đổi công năng thành chung cư mini. "Như vậy chính quyền và địa phương liệu có biết hay không, hay biết nhưng có sự làm ngơ?", vị đại biểu nêu câu hỏi.

Từ đó, bà cho rằng bên cạnh việc quy trách nhiệm thì phải có sự xử lý rốt ráo chứ không phải chỉ là vấn đề do xây dựng sai phép, do chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý… rồi thôi.

“Như vậy thì không có hiệu quả” – bà Nga khẳng định và nhấn mạnh nếu địa phương không quyết liệt trong khâu quản lý nhà nước, khâu rà soát thẩm định thì chúng ta chỉ cứ tuyên truyền rồi mọi việc lại như cũ.

Trước đó, tại phiên 34 của Thường vụ Quốc hội ngày 11-6, khi nói bàn về việc cắt điện, nước với công trình xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép, công trình thi công không đúng theo thiết kế về PCCC đã được thẩm duyệt… Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng đây là “vấn đề cực kỳ bức xúc” đặt ra từ thực tiễn.

Chủ tịch Hà Nội đặt vấn đề trong khu chung cư, một vài hộ cố tình vi phạm, không coi trọng mạng sống của chính mình và những người trong chung cư thì cơ quan chức năng có được vi phạm quyền của họ về vấn đề điện, nước không, hay nói cách khác là có được cắt điện, nước của những hộ vi phạm không?

“Xây nhà quá tầng, không có hoặc xây không đúng phương án PCCC... thì cách tốt nhất để dừng thi công chỉ có cắt điện nước” - ông Trần Sỹ Thanh nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Các vụ cháy tại chung cư mi ni, nhà trọ tại Hà Nội cho thấy nguy cơ cháy tại các cơ sở này rất cao; có thể xảy ra bất cứ lúc nào… Trong vai khách trọ, phóng viên được trải nghiệm cuộc sống nơm nớp của các “khổ chủ” kèm những lời khuyên bi hài của các ông bà chủ khu trọ…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NHÓM PV ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN