Khi thượng đế thành "con tin"
Tại buổi làm việc mới đây của Bộ GTVT bàn giải pháp giảm TNGT, có ý kiến nêu việc hành khách nếu thấy bị đối xử tệ sẽ gọi điện báo cho cơ quan chức năng, hay có quyền được xuống xe. Tuy nhiên, đó là trên lý thuyết, thực tế lại không diễn ra như vậy.
Ghi nhận của phóng viên Tiền Phong trên một số tuyến xe liên tỉnh phía Bắc, đã phần nào cho thấy bức tranh kinh doanh vận tải hành khách khá bát nháo, chộp giật và đầy rủi ro tai nạn.
Xe “chở gió”, “cò” mổ khách
Có số ghế chở khách là 16, nhưng ngày 7/6/2013 dù là chiều cuối tuần xe khách 18N-1945 trước thời điểm xuất bến Giáp Bát chạy về Đò Quan (Nam Định) trên xe không có khách nào. Để biết xe sẽ chạy về Nam Định ra sao với 0 hành khách, PV Tiền Phong đã kịp lên xe 18N-1945.
Sau khi thu 55.000 đồng cho suốt chặng, cả lái và phụ xe bắt đầu mở cửa kính vẫy khách ngay cổng ra vào. Tại cửa kiểm soát cổng bến xe, một người đàn ông trung tuổi dẫn theo 2 khách lên xe.
Về sau PV tìm hiểu thì được biết, đó là “cò” xe, mỗi khách “cò” dẫn như vậy nhà xe trả cho họ 10.000 đồng (đây là nguyên tắc mà bất kỳ nhà xe nào ở bến xe Giáp Bát muốn có khách cũng phải nhờ “cò”).
Thời điểm khoảng 4h chiều 7/6, tập trung tại cổng bến Giáp Bát có rất nhiều đối tượng thanh niên, trung niên xăm trổ đầy mình tập trung trước cổng ra vào bến xe, mỗi khi có người mang theo hành lý tiến về bến xe các đối tượng này ùa ra mời chào đi về các tuyến như Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa…
Để giữ khách, sau khi có xe từ trong bến xe, các đối tượng này không ai bảo ai, liền kéo cửa sắt đóng cổng ra vào để hành khách không tiếp cận được bến xe. Cùng thời điểm xuất phát ra khỏi bến như xe 18N-1945, PV còn ghi nhận có đến gần chục xe chạy các tuyến Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình không hề có khách trên xe.
Sau hai vòng lượn lờ đường Giải Phóng đoạn trước bến xe Giáp Bát, xe 18N-1945 bắt thêm được 6 hành khách.
Thời điểm 4h30 chiều 7/6, trên đường Giải Phóng đoạn qua bến Giáp Bát ngoài 2 thanh tra giao thông chốt trực trước cổng ra vào bến xe còn có 3 chốt của công an, thanh tra giao thông (chốt tại ngã ba Giải Phóng - Kim Đồng) và CSGT (chốt tại phía trước bến xe Giáp Bát) tuy nhiên xe 18N-1945 lượn tới 2 vòng và phụ xe luôn thò đầu ra ngoài để bắt khách nhưng không hề bị xử lý.
Khi có được tổng cộng 7 khách và trời bắt đầu tối, cả lái và phụ xe 18N-1945 thống nhất rời đường Giải Phóng về Nam Định. Dọc hành trình, phụ xe không ngừng thò đầu ra khỏi cửa kính xe mời chào khách đứng ven đường. Trong vai hành khách, tranh thủ những lúc phụ xe 18N-1945 có tên là Thắng rảnh rỗi, PV hỏi vì sao xe vòng vo bắt khách dọc đường không bị thanh tra, cảnh sát xử lý? Phụ xe Thắng cho hay, xe đã lo “phí” cho họ chu toàn cả rồi.
Để được ra cổng và lượn lờ ngoài bến Giáp Bát vợt khách, lái xe cho biết đã “làm luật” (ảnh lớn); Xe vừa chạy, lơ xe vừa mở cửa hò hét đón khách (ảnh nhỏ).
Bán khách dọc đường, cảnh sát ở đâu?
Có hành trình Thanh Hóa đi Giáp Bát (Hà Nội) và được cấp nốt (tuyến) đón khách ở bến xe phía Bắc TP Thanh Hóa, nhưng ngày 3/6, xe khách 29U-2164 không chỉ bắt khách dọc đường mà còn ra tận TP Ninh Bình lượn lờ trên nhiều tuyến phố chộp khách.
Thời điểm 14h ngày 3/6 khi xuất bến phía Bắc (Thanh Hóa), xe 29U-2164, số lượng 30 chỗ ngồi có 3 khách, chạy đến TP Ninh Bình thay vì đi trên QL 1 để tiếp tục hành trình ra Hà Nội, tài xế đã cho xe chạy vào đường Lê Đại Hành rồi dừng trước khu vực bến xe Ninh Bình hàng chục phút và tiếp tục chạy rùa trên các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Cầu Huyện, Cầu Khuất… phụ xe bắt thêm được 13 khách.
Chưa dừng lại ở đó, sau khi ra khỏi TP Ninh Bình, xe khách 29U-2164 tiếp tục đua tốc độ và tiếp tục tranh giành khách với nhiều xe khách khác chạy cùng chiều. Để không cho các xe khách khác vượt qua, đoạn từ TP Ninh Bình đến TP Phủ Lý (Hà Nam), nhiều đoạn xe 29U-2164 đã chạy với tốc độ 80km/h. Với tốc độ này, phụ xe vẫn liên tục mở cửa hò hét, vẫy khách. Mỗi khi có người xách hành lý đứng bên đường, xe bất ngờ phanh gấp rồi tấp vào lề đường…
Bị nhiều hành khách phản ứng, đến TP Phủ Lý, tài xế đã phải cho xe thạy thẳng theo hướng Hà Nội. Tuy nhiên khi chạy đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, cả lái và phụ xe đã sang nhượng khách với một xe khác chạy về bến Mỹ Đình. Theo đó, một số hành khách từ xe 29U-2164 bị bán sang xe khác, còn xe 29U-2164 nhận thêm hàng chục khách về bến Giáp Bát, khiến xe chỉ có 30 ghế nhưng lúc đó tài xế xếp tới trên 50 người.
Tất cả các hành vi vi phạm trên của lái xe 29U-2164 đều được PV thông tin cho lãnh đạo Phòng CSGT Ninh Bình, Hà Nam cũng như Đội CSGT số 8, số 4, Phòng CSGT CATP Hà Nội nhưng trên suốt dọc hành trình từ Ninh Bình đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, PV không thấy CSGT xử lý xe 29U-2164?
Tại buổi làm việc mới đây của Bộ GTVT bàn giải pháp giảm TNGT, có ý kiến nêu việc hành khách nếu thấy bị đối xử tệ sẽ gọi điện báo cho cơ quan chức năng, hay có quyền được xuống xe. Tuy nhiên, đó là trên lý thuyết, thực tế lại không diễn ra như vậy. Và điều hiển nhiên là, ngay cả phóng viên gọi điện, lực lượng CSGT cũng không hề có mặt! Ai sẽ ngăn chặn các “hung thần” này, dư luận đang chờ một câu trả lời thoả đáng.
(Còn nữa)
Hành khách lên xe là bị khống chế Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết: “Nếu kết hợp với công an đưa ra cơ chế kiểm tra, xử lý cũng phải kiên quyết. Ví dụ như tuyến Hà Nội - Vinh, chỉ cần chạy sau xe và theo đuổi một số xe khác, hành khách lên xe là đã bị nhà xe khống chế hoàn toàn. Kể cả có hệ thống GPS nếu không công khai thông tin cũng không giải quyết được gì. Cần phải phối hợp với công an để tăng cường xử lý trực tiếp trên đường”. |