Khi nào Việt Nam mới có thể cung ứng rộng rãi vắc xin COVID-19?
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị "chạy đua với thời gian" trong nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc xin COVID-19.
Các bác sĩ nỗ lực chăm sóc, cứu chữa cho bệnh nhân COVID-19.
Nếu thuận lợi, đến quý II/2022, Việt Nam mới có thể cung ứng rộng rãi vắc xin COVID-19
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 triển khai công tác phòng chống dịch diễn ra chiều 7/12, do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì, liên quan đến vấn đề nghiên cứu, sản xuất vắc xin phòng chống COVID-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị "chạy đua với thời gian" trong nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vắc xin COVID-19.
Hiện Việt Nam có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc xin COVID-19, gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Dược Nanogen (NANOGEN).
Trong đó, 3 đơn vị (IVAC, VABIOTECH, NANOGEN) đã hoàn thiện quy trình sản xuất quy mô phòng thí nghiệm và hiện đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vắc xin trên động vật. Công ty NANOGEN đã sản xuất 5.000 liều vắc xin COVID-19 để thử nghiệm. Dự kiến, ngày 10/12, NANOGEN phối hợp với Học viện Quân y sẽ chính thức tuyển tình nguyện viên tham gia vào giai đoạn 1 thử nghiệm vắc xin COVID-19 của Việt Nam.
"Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu, thử nghiệm đảm bảo đúng yêu cầu đề ra về tiến độ, chất lượng, an toàn… Song song với hướng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất trong nước, Bộ Y tế cũng đang triển khai đàm phán với các đối tác nước ngoài. Nếu thuận lợi, phải đến quý II/2022, Việt Nam mới có thể cung ứng rộng rãi vắc xin COVID-19; do đó, vẫn phải triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm tất cả các biện pháp phòng, chống dịch; không thể trông cậy quá nhiều vào vắc xin COVID-19”- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Siết chặt các quy định phòng chống dịch trên các chuyến bay
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, dù cần tiếp tục theo dõi nhưng có thể nói đến nay tình huống lây nhiễm COVID-19 ở TPHCM cơ bản được kiểm soát.
Phó Thủ tướng ghi nhận nỗ lực của TPHCM, Bộ Y tế, các lực lượng chức năng đã vào cuộc rất nhanh, sau 48 tiếng kể từ khi phát hiện ca nhiễm, đã xác định được toàn bộ các ca F1, F2, chủ động lấy mẫu, khoanh vùng, cách ly. Đây là tiến bộ lớn về khả năng dập dịch của chúng ta. Tuy nhiên, từ vụ việc lây nhiễm ở TPHCM, chúng ta cần xem xét, phân tích kỹ nguyên nhân do đâu để có giải pháp thật thiết thực, hiệu quả, tránh trường hợp tương tự xảy ra.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, cả số ca nhiễm mới và tử vong đều tăng cao, trong khi khả năng tiếp cận vắc xin chưa thể nhanh được, vì vậy, chúng ta phải tiếp tục siết chặt các biện pháp phòng ngừa. Đặc biệt là mùa đông đã đến, đất nước sắp diễn ra nhiều sự kiện chính trị-xã hội lớn, dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán…
“Chúng ta đã xác định các nguy cơ nguồn bệnh chủ yếu là từ người nhập cảnh (hợp pháp, trái phép), cộng đồng, thực phẩm nhập khẩu từ nước có dịch. Để thực hiện mục tiêu kép, chúng ta vừa chống dịch, vừa phải đón chuyên gia, lao động, kỹ thuật và phục vụ các dự án phát triển kinh tế-xã hội, đón bà con người Việt ở các vùng dịch, vì vậy, nguồn bệnh từ người nhập cảnh hợp pháp là nguy hiểm nhất…”- Phó Thủ tướng nêu rõ.
Qua vụ việc lây nhiễm ở TPHCM, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục siết chặt các quy định phòng chống dịch trên các chuyến bay đón chuyên gia, công dân Việt Nam về nước.
“Trên chuyến bay giải cứu, chúng ta không biết chắc có người nhiễm COVID-19 hay không, nên các biện pháp phòng chống dịch phải thực hiện như trong bệnh viện. Mọi vi phạm phải xử lý nghiêm”- Phó Thủ tướng nói
Các thành viên Ban Chỉ đạo, chuyên gia cũng nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nghiêm quy định cách ly tập trung 14 ngày đối với người nhập cảnh. Các cơ sở cách ly dân sự phải được chính quyền địa phương quyết định chấp thuận trên cơ sở tham mưu của ngành y tế.
Về cách ly tại nhà riêng, các quy định của Ban Chỉ đạo chỉ cho phép thực hiện những nơi đảm bảo đủ điều kiện y tế, và về cơ bản không được cách ly ở khu chung cư.
Những cơ sở cách ly dân sự, cách ly tại nhà riêng phải có biển báo, thông báo cho người dân sinh sống lân cận.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng cho biết, trong lần kiểm tra đầu tiên, Khu cách ly đoàn tiếp viên của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam tại TPHCM thực hiện tốt các quy trình cách ly nhưng sau đó đã có sự lơi lỏng. Qua đó cho thấy sự cần thiết phải kiểm tra định kỳ các cơ sở cách ly tập trung, nhất là cơ sở cách ly dân sự, ràng buộc trách nhiệm cụ thể của chủ cơ sở cách ly, chính quyền, công an, y tế địa phương.
Vụ việc lây nhiễm ở TPHCM hoàn toàn có thể xảy ra ở nơi khác nếu chúng ta lơ là. Chỉ một ca nhiễm có thể khiến hàng trăm nghìn học sinh, sinh viên phải nghỉ học, hàng nghìn doanh nghiệp bị thiệt hại kinh tế.
Ban Chỉ đạo yêu cầu rà soát việc tuân thủ các quy định liên quan đến cách ly của chính quyền các cấp.
Những người tình nguyện được lựa chọn để tiêm thử nghiệm vắc-xin COVID-19 phải là những người khỏe mạnh, không có...
Nguồn: [Link nguồn]