Khi nào Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường?

Sự kiện: Thời sự

Kỳ họp bất thường của Quốc hội có thể hiểu là kỳ họp của Quốc hội được tổ chức ngoài hai kỳ họp thường lệ mỗi năm... 

Như PLO đã đưa tin, sáng nay (21-3), Quốc hội khóa XV sẽ họp kỳ họp bất thường lần thứ 6 để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Cụ thể, chiều 20-3, ngay sau hội nghị bất thường của Trung ương Đảng, Tổng thư ký Quốc hội khóa XV Bùi Văn Cường đã có thông cáo về chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 6 Quốc hội khóa XV vào 8 giờ sáng nay (21-3).

Theo đó, căn cứ Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Vậy khi nào Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường, tổ chức kỳ họp bất thường có gì bất thường không?

Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ năm vào ngày 15-1. Ảnh: QH

Quốc hội khóa XV khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ năm vào ngày 15-1. Ảnh: QH

Theo ThS Lưu Đức Quang, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM, căn cứ Điều 90 Luật Tổ chức QH thì QH họp công khai. Trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ QH, Thủ tướng hoặc của ít nhất 1/3 tổng số ĐBQH, QH quyết định họp kín.

QH họp thường lệ mỗi năm hai kỳ. Trong trường hợp Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Thủ tướng hoặc ít nhất 1/3 tổng số đại biểu QH yêu cầu thì QH họp bất thường.

Như vậy, kỳ họp bất thường của QH có thể hiểu là kỳ họp của QH được tổ chức ngoài hai kỳ họp thường lệ mỗi năm.

Theo Điều 3 Nghị quyết 31/2023 của Ủy ban Thường vụ QH quy định về yêu cầu về tổ chức kỳ họp bất thường sẽ tuỳ thuộc theo đề nghị của 3 chủ thể:

Trường hợp Chủ tịch nước, Thủ tướng yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường thì gửi văn bản nêu rõ sự cần thiết, nội dung, thời gian dự kiến tổ chức kèm theo hồ sơ, tài liệu… đến Ủy ban Thường vụ QH trước 7 ngày tính đến ngày đề xuất tổ chức kỳ họp bất thường. Thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường phải trước ít nhất là 1 ngày tính đến ngày dự kiến khai mạc kỳ họp thường lệ tiếp theo.

Trường hợp ĐBQH yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường: ĐBQH gửi văn bản nêu rõ sự cần thiết, nội dung, thời gian dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường đến Ủy ban Thường vụ QH. Văn bản yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường có thể do một hoặc nhiều ĐBQH cùng yêu cầu, ký tên;

Ủy ban Thường vụ QH chỉ đạo Tổng Thư ký QH tổng hợp các yêu cầu của ĐBQH trong khoảng thời gian từ ngày khai mạc kỳ họp gần nhất trước đó đến trước 8 ngày tính đến ngày dự kiến khai mạc kỳ họp thường lệ tiếp theo.

Ủy ban Thường vụ QH xem xét, triệu tập kỳ họp bất thường khi có ít nhất 1/3 tổng số ĐBQH yêu cầu về cùng nội dung.

Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ QH yêu cầu tổ chức kỳ họp bất thường thì dự kiến nội dung, thời gian tổ chức kỳ họp bất thường để báo cáo QH.

Theo Điều 4 Nghị quyết 31/2023 của Ủy ban thường vụ QH quy định về xử lý yêu cầu về tổ chức kỳ họp bất thường:

Khi Ủy ban Thường vụ QH tự mình yêu cầu hoặc khi nhận được yêu cầu của Chủ tịch nước, Thủ tướng hoặc của ít nhất 1/3 tổng số ĐBQH về việc tổ chức kỳ họp bất thường, Ủy ban Thường vụ QH có trách nhiệm yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chuẩn bị nội dung và gửi hồ sơ, tài liệu đến Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH để thẩm tra về nội dung đó và trình Ủy ban Thường vụ QH xem xét, cho ý kiến trước khi trình QH tại kỳ họp. Trong yêu cầu, Ủy ban Thường vụ QH nêu rõ thời hạn cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến các cơ quan của QH và ĐBQH.

Khi thẩm tra hồ sơ, tài liệu trình kỳ họp bất thường, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH có trách nhiệm thể hiện rõ quan điểm về điều kiện, chất lượng của hồ sơ, tài liệu.

Trên cơ sở xem xét hồ sơ, tài liệu do các cơ quan có thẩm quyền trình, ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH, Ủy ban Thường vụ QH quyết định việc triệu tập kỳ họp bất thường.

Theo Điều 5 Nghị quyết 31/2023 của Ủy ban thường vụ QH, trình tự, thủ tục tiến hành xem xét, quyết định các nội dung tại kỳ họp bất thường; hồ sơ, tài liệu của kỳ họp bất thường; thông tin về kỳ họp bất thường được thực hiện theo các quy định về kỳ họp của Luật Tổ chức QH, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Hoạt động giám sát của QH và HĐND, Nội quy kỳ họp QH và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nội dung và trình tự quyết định các nội dung trong kỳ họp bất thường sẽ giống với kỳ họp thường lệ của QH.

Theo khoản 2 Điều 91 Luật Tổ chức QH thì: "Dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội được thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng chậm nhất là 15 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp thường lệ và chậm nhất là 04 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp đối với kỳ họp bất thường".

Trước đó, ngày 15-1-2024, Quốc hội (QH) khóa XV khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ năm nhằm kịp thời tháo gỡ các vướng mắc về quốc kế dân sinh.

Kỳ họp bất thường của QH lần năm chủ yếu xem xét những nội dung cấp bách, không thể trì hoãn, không thể chờ đến kỳ họp thường lệ như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)... Đây là một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ QH khóa XV.

Sau khi diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ 5, QH đã xem xét và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)...

Nguồn: [Link nguồn]

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập kỳ họp bất thường lần thứ 6, Quốc hội khóa XV để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo SONG MAI ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN