Khi nào người dân bị cơ quan nhà nước giữ lại thẻ căn cước?

Thẻ căn cước của người dân sẽ chỉ bị cơ quan có thẩm quyền giữ trong trường hợp người đó vi phạm pháp luật; với khách thuê phòng, khách sạn không được quyền giữ thẻ.

Luật Căn cước 2023, có hiệu lực từ 1/7 quy định, ngoài trường hợp đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc chấp hành án phạt tù, thẻ căn cước của người dân bị giữ nếu đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; đang chấp hành biện pháp hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục hoặc cai nghiện bắt buộc.

Cơ quan thi hành các biện pháp nêu trên được quyền giữ thẻ căn cước và trả lại khi chính chủ hết thời hạn hoặc có quyết định hủy bỏ việc tạm giữ, tạm giam; chấp hành xong án tù; chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc quyết định hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cai nghiện bắt buộc.

Để tạo thuận tiện cho người dân, luật nêu trong thời gian bị giữ thẻ căn cước, cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét cho phép chủ thẻ sử dụng để giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp.

Thẻ căn cước công dân gắn chip. Ảnh: Nguyên Phong

Thẻ căn cước công dân gắn chip. Ảnh: Nguyên Phong

Ngoài ra, Luật Căn cước cũng quy định, công dân bị thu hồi thẻ căn cước nếu bị tước hoặc được thôi quốc tịch Việt Nam; bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam. Thẻ căn cước cấp sai quy định, bị tẩy xóa hoặc sửa chữa, cũng bị thu hồi.

Những đơn vị được quyền thu hồi thẻ căn cước gồm cơ quan quản lý căn cước; cơ quan tiếp nhận, trả kết quả khi tước, cho thôi quốc tịch Việt Nam; cơ quan hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ quy định chi tiết trình tự thu hồi, giữ, trả lại thẻ căn cước. Nhà nước cấm các trường hợp giữ thẻ căn cước của người dân trái với các trường hợp nêu trên.

Các quy định về thu hồi, giữ thẻ căn cước trong luật mới cơ bản giữ nguyên như luật năm 2014.

Trước đó, tháng 6/2023, thảo luận tổ ở Quốc hội về dự án Luật Căn cước, Bộ trưởng Công an Tô Lâm khẳng định, nhiều cơ quan, khách sạn thường giữ chứng minh thư hoặc căn cước của khách, nhưng theo quy định thì "không ai có quyền này".

Theo người đứng đầu ngành công an, thẻ căn cước là vật bất ly thân của người dân, "không ai có quyền giữ, trừ trường hợp vi phạm pháp luật".

Bộ trưởng Tô Lâm cũng giải thích rõ hơn, khi đến cơ quan, khách sạn, người dân chỉ cần xuất trình thẻ căn cước để họ kiểm tra, ghi chép thông tin về họ tên, số định danh để đối chiếu khi cần thiết.

Từ năm 2021, Chính phủ quy định, hành vi chiếm đoạt, sử dụng thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận số chứng minh nhân dân của người khác, có thể bị phạt 1 đến 2 triệu đồng.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ Công an đã trả lời thắc mắc của công dân về việc, sau khi chuyển giới, công dân có được thay đổi thông tin về giới tính của mình trên thẻ căn cước hay không?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Viết Tuân ([Tên nguồn])
Quốc hội thông qua Luật Căn cước Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN