Khi nào miền Bắc sẽ bước vào cao điểm nắng nóng kéo dài?
Theo chuyên gia, hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, cao điểm nắng nóng ở miền Bắc sẽ là cuối tháng 6, đầu tháng 7.
Hơn 100 trạm quan trắc ghi nhận nắng nóng lịch sử
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, 2 tháng qua xuất hiện nhiều đợt nắng nóng trong đó từ ngày 26-30/4 nắng nóng xuất hiện tại Bắc Bộ và Trung Bộ, riêng các tỉnh Tây Bắc Bắc Bộ và từ Thanh Hóa-Phú Yên có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nhiệt độ phổ biến từ 39-42 độ C, riêng Trung Bộ có nơi trên 43 độ C. Từ tháng 5/2024 đến nay, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ chỉ xảy ra nắng nóng cục bộ; khu vực phía Đông Bắc Bộ xảy ra 2 đợt nắng nóng; khu vực Thanh Hóa đếnThừa Thiên Huế có 3 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt.
Từ ngày 11/6 đến nay, khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ đang xảy ra nắng nóng diện rộng. Riêng khu vực Đà Nẵng đến Ninh Thuận từ tháng 4/2024 đến nay xảy ra nhiều ngày nắng nóng, có nơi có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt.
Miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng vào cuối tháng 6, đầu tháng 7.
Khu vực Nam Bộ liên tục duy trì nắng nóng và nắng nóng gay gắt ở miền Đông Nam Bộ từ ngày 01/4-16/5; khu vực miền Tây Nam Bộ nắng nóng kéo dài từ 01/4-08/5. Những ngày còn lại của tháng 5/2024 và những ngày đầu tháng 6/2024, nắng nóng vẫn còn duy trì trên khu vực Nam Bộ nhưng cường độ và phạm vi nắng nóng giảm dần.
Như vậy, các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã có nắng nóng diện rộng liên tục lên đến 70 ngày (từ 08/3-16/5). Trên cả nước đã ghi nhận nhiều trạm khí tượng xảy ra giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử và có nơi vượt cả giá trị cao nhất năm từng quan trắc được; riêng trong tháng 4/2024 đã có 110 trạm vượt giá trị lịch sử.
Nhiều điểm mưa lớn lập kỷ lục trong hàng chục năm
Về diễn biến mưa diện rộng, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, tháng 4, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An đã có mưa rào và dông rải rác kèm lốc, sét vào các ngày từ 18-21/4 và 24-25/4.
Tháng 5 và nửa đầu tháng 6, khu vực Bắc Bộ xuất hiện nhiều ngày có mưa rào và dông, trong đó có bơi mưa vừa, mưa to trên diện rộng, có nơi mưa rất to. Ở khu vực Trung Bộ nhiều ngày có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, riêng ngày 20-21/5 khu vực Nam Trung Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to; ngày 31/5 tại khu vực Bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to trên diện rộng.
Tại Tây Nguyên và Nam Bộ, gió mùa Tây Nam bắt đầu hoạt động mạnh dần, do vậy khu vực đã xảy ra nhiều ngày có mưa dông rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to. Đáng chú ý, trong các trận mưa dông kèm lốc, sét, mưa đá xảy ra đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế-xã hội và môi trường cho các khu vực kể trên.
Ngoài nắng nóng thì diễn biến mưa lũ cũng rất phức tạp.
Ngoài ra, trong thời kỳ từ tháng 4 đến nửa đầu tháng 6 một số nơi đã xuất hiện lượng mưa ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ, đặc biệt tại Bắc Ninh đã thiết lập lượng mưa ngày lớn nhất năm quan trắc được kể từ năm 2002.
Tháng 4, nhiệt độ trung bình tại các khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến cao hơn từ 2,0-4,0 độ C, có nơi trên 4,0 độ C. Các khu vực khác phổ biến cao hơn từ 1,0-3,0 độ C, riêng Tây Nguyên có nơi cao hơn 3,0 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Tháng 5, nhiệt độ trung bình tại khu vực Bắc Bộ phổ biến xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ; riêng khu vực Nam Đồng bằng Bắc Bộ cao hơn từ 1,0-1,5 độ C. Tại các tỉnh Trung Bộ, nhiệt độ trung bình trong tháng cao hơn từ 0,5-1,5 độ C. Khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 1,0-2,0 độ C, có nơi cao trên 2,0 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
La Nina xuất hiện từ tháng 7, mùa mưa bão sẽ rất phức tạp
Ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, hiện tại, hiện tượng ENSO đang ở pha trung tính. Dự báo từ tháng 7-9/2024, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 65-75%. Từ nay đến tháng 9/2024, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 5-7 cơn bão/áp thấp nhiệt đới; trong đó có khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền (số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trung bình nhiều năm trên Biển Đông trong thời gian này là từ 6-7 cơn, trung bình nhiều năm đổ bộ vào Việt Nam khoảng 3 cơn). Đề phòng khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.
Từ tháng 7-9, trên phạm vi cả nước tiếp tục có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét và gió giật mạnh. Tại khu vực Bắc Bộ, nắng nóng còn xảy ra đến tháng 8 và tập trung chính trong tháng 7. Tại Trung Bộ, nắng nóng còn xảy ra đến tháng 9, tập trung chính trong tháng 7-8. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Khô hạn ở khu vực Trung Bộ, khô hạn có khả năng còn kéo dài đến tháng 8/2024.
Mùa mưa tại khu vực Trung Bộ có khả năng xuất hiện tương đương so với trung bình nhiều năm (vào khoảng cuối tháng 8 và nửa đầu tháng 9). Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình.
Bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa Tây Nam có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông. Hiện tượng nắng nóng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như các hoạt động sản xuất (đặc biệt thời kỳ nửa cuối tháng 6-7/2024 tại Bắc Bộ và Trung Bộ mức độ nắng nóng có thể gay gắt hơn). Ngoài ra, mưa lớn, dông, lốc, sét có nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sinh hoạt cộng đồng ở các khu vực chịu tác động.
Nhận định xa hơn từ tháng 10 đến tháng 12, TS Hoàng Phúc Lâm cho biết, thời kỳ này dự báo hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina với xác suất khoảng 80-90%. Trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng từ 04-06 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2-3 cơn đổ bộ vào đất liền (số lượng bão/áp thấp nhiệt đới trung bình nhiều năm trên Biển Đông trong thời kỳ này là từ 4-5 cơn, trung bình nhiều năm đổ bộ vào Việt Nam khoảng 2 cơn). Đề phòng khả năng bão/áp thấp nhiệt đới hình thành ngay trên khu vực Biển Đông.
Không khí lạnh bắt đầu hoạt động mạnh dần từ khoảng tháng 10. Bão/áp thấp nhiệt đới và gió mùa Đông Bắc có khả năng gây ra gió mạnh, sóng lớn ảnh hưởng đến các hoạt động trên khu vực Biển Đông. Ngoài ra, mưa lớn, lốc, sét có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và sức khỏe cộng đồng.
Nhà máy Thủy điện Sơn La - lớn nhất cả nước, mở một cửa xả đáy từ 13h hôm nay, một số hồ khác như Tuyên Quang, Sông Lô 2 cũng xả đón lũ.
Nguồn: [Link nguồn]