Khi nào chấm dứt khô hạn khốc liệt ở Tây Nguyên?
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên dự báo hạn hán ở khu vực này sẽ giảm dần từ giữa tháng 5 tới.
Ngày 27-4, trao đổi với PLO, ông Nguyễn Văn Huấn, Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Tây Nguyên, cho biết tình hình khô hạn, thiếu nước khu vực Tây Nguyên đang diễn ra gay gắt. Hạn hán tiếp tục kéo dài đến nửa đầu tháng 5-2024.
Dự báo, trong tháng 5-2024, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm 1-2 độ C và hạn hán vẫn kéo dài cho đến giữa tháng 5, riêng khu vực nam Tây Nguyên có thể chấm dứt hạn.
Trong tháng 5, dễ xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa dông, lốc, sét, gió giật mạnh gây thiệt hại nông nghiệp... nên người dân chủ động phòng tránh.
Dự báo hạn hán ở khu vực Tây Nguyên tiếp tục kéo dài cho đến giữa tháng 5-2024. Ảnh: LK.
Hiện nay, khô hạn khiến nhiều hồ chứa nhỏ bị cạn nước, ảnh hưởng lớn đến cây trồng có kinh tế cao như cà phê, hồ tiêu.
Theo Bộ NN&PTNT, trên địa bàn các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng hiện có hơn 2.990 ha bị ảnh hưởng hạn hán. Tình trạng khô hạn, thiếu nước cục bộ ngoài vùng cấp nước của các công trình thủy lợi gây ảnh hưởng đến dân sinh, sản xuất nông nghiệp.
Nhiều hồ ở Tây Nguyên đã khô kiệt nước tưới. Ảnh: LK.
Tháng 4-2024 xuất hiện ba đợt nắng nóng kéo dài. Mực nước trên các sông biến đổi chậm và ở mức thấp, như sông Ayun tại Pơ Mơ Rê, Gia Lai 669,6 m, dưới mức thấp nhất lịch sử năm 2020 là 0,27 m. Sông Đăk Bla tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum 590,3 m, tương đương mức thấp nhất lịch sử.
Dòng chảy trên các sông ở Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm 20-40%, một số sông thiếu hụt trên 70% như trên sông Ba.
Nguồn: [Link nguồn]
Hồ đập, sông suối trơ đáy, đất đai cằn khô, nứt nẻ, hàng nghìn hecta cây trồng héo rũ vì thiếu nước.